Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nỗi niềm ban đại diện cha mẹ HS: Bài cuối: “Liệu cơm gắp mắm”

Tạp Chí Giáo Dục

Phụ huynh đã trang bị máy chiếu, lát gạch cho phòng học. Ảnh chụp tại Trường TH Chương Dương, Q.5, TP.HCM

TS. Huỳnh Công Minh khi còn làm Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đã từng nói: “Chúng ta không thể cấm phụ huynh lo cho con em họ được”. Và thực tế cũng đã chứng minh, ở trường nào có sự quan tâm chu đáo của ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐDCMHS) thì ở đó HS được phát triển tốt. Song điều đó cũng không có nghĩa, cứ công trình nào BĐDCMHS đề xuất, hiệu trưởng cũng đồng ý…
Đôi lúc phải nói không với BĐD
Năm học 2013-2014, có 4 phụ huynh đến gặp Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản, Q.1 xin thực hiện một công trình phục vụ hoạt động dạy và học của nhà trường. Lúc đó, nhà trường đang có nhu cầu gắn camera để tiện quan sát HS cũng như nhằm đảm bảo an ninh trật tự trường học. Thế là 4 phụ huynh đã bỏ tiền túi ra (khoảng 100 triệu đồng) để gắn 36 cái camera cho nhà trường. Tuy nhiên, không phải phụ huynh muốn làm gì trường cũng đồng ý…
Thầy Cao Đức Khoa – Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản – cho biết: “BĐDCMHS một số lớp muốn gắn máy lạnh, sửa sang phòng học cho con em họ nhưng nhà trường không đồng ý. Bởi trường không đủ phòng để mỗi lớp 1 phòng, sau mỗi năm các em đều phải chuyển phòng khác. Do vậy, nếu gắn máy lạnh hay sửa sang phòng học, khi chuyển đi lại phải tháo dỡ. Vả lại, về cơ bản thì các phòng học ở đây tương đối mát, không cần thiết phải gắn máy lạnh…”.
Năm học này, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, Q.7 cũng đã từ chối ý tốt của BĐDCMHS lớp 6/5. Trước đó, một số phụ huynh trong lớp phát hiện bàn ghế con em mình ngồi học không đồng bộ – cái thì 4 chỗ, cái lại chỉ có 2 chỗ. Theo đó, họ muốn thay đổi toàn bộ số bàn ghế cũ này bằng các bộ bàn ghế mới. “Số tiền để trang bị toàn bộ bàn ghế mới cho lớp lên tới trên 70 triệu đồng. Nếu chia bình quân thì mỗi phụ huynh cũng phải đóng khoảng 1,5 triệu – số tiền này quá lớn. Vả lại, việc mua sắm bàn ghế là việc của nhà trường nên tôi đã từ chối. Và tôi cũng nói với họ là sẽ làm đề xuất để quận chấp thuận cho mua trong thời gian sớm nhất”, thầy Trần Ái Việt – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.3, tâm sự: “Với mô hình bán trú, thời gian vui chơi, học hành của HS chủ yếu là diễn ra ở trường nên phụ huynh muốn trang bị nhiều cho lớp học của con mình. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện khá giả. Tôi sợ nhất là nghe phụ huynh nghèo than: “Mấy cha, mấy mẹ (BĐDCMHS – PV) ỷ giàu nên sung”. Vì vậy không phải BĐD muốn làm gì nhà trường cũng đồng ý…”.
Không vận động kiểu… chia bình quân
Theo mục c, khoản 2, điều 8 của điều lệ BĐDCMHS thì: CMHS có quyền từ chối ủng hộ khi được BĐDCMHS lớp, BĐDCMHS trường đề xuất các khoản ủng hộ, nếu bản thân không tự nguyện.
Song trên thực tế, ở nhiều nơi phụ huynh vẫn bị ép đóng. “Sau lần họp phụ huynh vừa qua, tôi liên tục bị trưởng BĐDCMHS lớp gọi điện đòi tiền. Đóng thì không muốn mà không đóng thì tôi sợ con mình sẽ bị… đì”, chị Thúy Quỳnh – có con đang học lớp 3 tại một trường tiểu học – bức xúc. Và không ít những trường hợp như chị Thúy Quỳnh đã làm đơn phản ánh với Báo Giáo dục TP.HCM trong thời gian qua.
Để tránh tình trạng kiện cáo, nhiều hiệu trưởng không dám đồng ý để BĐDCMHS thực hiện bất kỳ công trình nào. Đành rằng không vận động phụ huynh ủng hộ trường thì sẽ “an toàn” cho hiệu trưởng nhưng: “Không làm công tác xã hội hóa giáo dục thì HS sẽ thiệt”, cô Lê Thị Bạch Tuyết – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chương Dương, Q.5 – khẳng định. Cô Tuyết cũng cho biết thêm: “Xã hội hóa là tự nguyện nên phụ huynh tham gia ủng hộ được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu, không bắt buộc”.
Chia sẻ kinh nghiệm vận động phụ huynh cùng với nhà trường tham gia giáo dục HS được toàn diện hơn, thầy Khoa (Trường THCS Võ Trường Toản, Q.1) cho biết: “Trước tiên nhà trường sẽ đưa ra những công trình cần sự hỗ trợ của phụ huynh như khen thưởng HS giỏi, phong trào văn thể mỹ… Đây là những công trình phục vụ cho HS mà ngân sách không có để chi. Khi BĐDCMHS đã thống nhất các công trình này rồi, sẽ triển khai xuống các lớp để phụ huynh tự nguyện tham gia. Chủ trương của nhà trường là không cào bằng, không đưa ra mức đóng góp tối thiểu. Vì vậy, có lớp phụ huynh hỗ trợ tới mười mấy hai chục triệu, nhưng cũng có lớp chỉ có 1-2 triệu đồng. Số tiền phụ huynh ủng hộ được nhà trường và BĐDCMHS trường gửi vào kho bạc. Mỗi khi nhà trường muốn thực hiện công trình nào đều phải trao đổi với BĐDCMHS, trường chỉ thực hiện khi BĐD đồng ý. Mọi công trình đều thanh toán theo hình thức chuyển khoản, rất rõ ràng và công khai…”.
Không những vậy, mỗi khi tổ chức các hoạt động cần sử dụng đến nguồn kinh phí mà phụ huynh hỗ trợ, Ban giám hiệu Trường THCS Võ Trường Toản đều mời BĐDCMHS và một số phụ huynh tham gia để giám sát.
Bài, ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)