Cuối tuần qua, Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết “Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2012 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2013”. Tại đây, Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) – Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong khẳng định: “Rủi ro thực phẩm không chỉ xảy ra ở các nước đang phát triển mà cả các nước phát triển. Ở nước ta, rủi ro này vẫn còn cao…”.
Đúng vậy, với những loại thực phẩm kém chất lượng bằng nhiều con đường, nhiều cách đã được đưa vào bao tử của người tiêu dùng thì nguy cơ xảy ra ngộ độc, mất ATVSTP là khó tránh khỏi.
Tại hội nghị, ông Huỳnh Lê Thái Hòa – Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP (Sở Y tế) TP.HCM cho biết: Trong Tháng hành động, 3 đoàn kiểm tra liên ngành của TP đã tiến hành kiểm tra 45 cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm phục vụ Tết, phát hiện 16 cơ sở vi phạm. Năm 2012, qua các cuộc thanh tra, kiểm tra đã phát hiện gần 26 ngàn cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm vi phạm. Theo đó, tiêu hủy trên 19 tấn thực phẩm, gia súc, gia cầm… Riêng ngành y tế đã tiến hành lấy trên 5 ngàn mẫu để kiểm tra vi sinh, chất bảo quản, kim loại nặng, phụ gia… phát hiện 1.189 mẫu không đạt. Kiểm tra 2.162 bếp ăn tập thể trong khu vực trường học, khu công nghiệp – chế xuất thì có gần 20% cơ sở không đạt; kiểm tra 136 cơ sở cung cấp suất ăn sẵn có trên 25% cơ sở không đạt; kiểm tra 78 cơ sở sản xuất nước đá thì chỉ có 37 cơ sở đạt.
Đối với mặt hàng thực phẩm động vật tươi sống, “Chi cục Thú y TP đã phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện và xử phạt trên 5 ngàn trường hợp vi phạm trong vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật trái phép. Ngoài ra, các đoàn kiểm tra của Chi cục Thú y cũng đã tiến hành xử lý khoảng 7 ngàn trường hợp vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch”, bà Trương Thị Kim Châu – Chi cục phó Chi cục Thú y TP cho biết.
Tuy nhiên, những cơ sở, những trường hợp bị phát hiện và xử phạt cũng như số sản phẩm bị tiêu hủy chỉ chiếm một phần nhỏ so với thực trạng mất ATVSTP hiện nay trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Do vậy, ngộ độc thực phẩm vẫn tiếp tục xảy ra. Trong năm qua, toàn TP có 4 vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính được ghi nhận với tổng số 565 người mắc. Riêng những vụ nhỏ lẻ thì không cách nào ghi nhận được. Điều đó cũng có nghĩa số người bị ngộ độc thực phẩm cấp tính cao hơn rất nhiều con số 565 người mà ngành y tế TP nắm được. Bên cạnh đó là số người bị ngộ độc thực phẩm mãn tính và phải đợi vài năm, thậm chí là hàng chục năm mới phát hiện ra…
Vậy làm sao để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro về ATVSTP cho người dân TP cũng như những du khách đến TP.HCM?
Ông Hứa Ngọc Thuận – Phó chủ tịch UBND TP, chỉ đạo: Hiện nay lượng thực phẩm của TP chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của người tiêu dùng. Chính vì vậy có khá nhiều thực phẩm đi vào TP bằng con đường không chính thống và rủi ro nằm ở đây. Vì vậy, các sở, ngành liên quan phải liên kết với các tỉnh bạn để họ cung cấp thực phẩm an toàn cho TP. Cố gắng đến năm 2015 có khoảng 60% thực phẩm cung cấp cho TP.HCM là thực phẩm theo chuỗi. “Các đoàn kiểm tra không chỉ kiểm tra trong giờ hành chính mà làm việc cả ngoài giờ. Bởi phần nhiều các đối tượng kinh doanh, vận chuyển, buôn bán thực phẩm không đảm bảo an toàn hoạt động ngoài giờ hành chính”, ông Thuận nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Thuận cũng yêu cầu phải kiểm tra mạnh ở khu vực trường học. Từ các bếp ăn, căng tin trong trường đến các điểm bán hàng ngoài cổng trường. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến giáo viên, nhân viên và học sinh cũng như phụ huynh…
Hòa Triều
Bình luận (0)