Dược sĩ làm việc tại bệnh viện ngày càng ít |
Thống kê của Sở Y tế TP.HCM cho thấy, toàn TP có 5.921 dược sĩ trình độ ĐH. Trong số đó có tới 5.107 người (chiếm trên 86%) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dược. Đây là thực trạng chung của cả nước chứ không riêng gì TP.HCM…
Bỏ bệnh viện ra ngoài bán thuốc
Sau 6 năm “mài đũng quần” trên ghế giảng đường Trường ĐH Y dược TP.HCM, Mạnh Hùng (Q.7) đã lấy được tấm bằng đỏ. Ra trường đi xin việc với bộ hồ sơ đẹp, lại được gửi gắm nên Mạnh Hùng đã xin được một chỗ làm ngon lành ở bệnh viện công lập của TP. Tuy nhiên, làm chưa được hai năm, Mạnh Hùng đã bỏ việc để tham gia bán hàng đa cấp cho một hãng dược của Mỹ.
Mạnh Hùng cho biết: “Hai năm làm ở bệnh viện, thu nhập hàng tháng không bằng chi phí gia đình chu cấp khi tôi còn học ĐH. Vì vậy khi nghe mấy người bạn học ĐH rủ rê tham gia bán hàng đa cấp tôi đi liền. Bây giờ tôi đã làm trưởng nhóm với mức thu nhập lên tới 50-60 triệu đồng/tháng, bằng thu nhập cả năm khi còn làm ở phòng phát thuốc của bệnh viện”.
Mạnh Hùng không phải là trường hợp ngoại lệ bỏ công ra tư. Và nguyên nhân chính vẫn là thu nhập. Thu Trang (Q.Bình Tân, TP.HCM) tốt nghiệp ĐH Y dược TP.HCM năm 2000. Để con gái có chỗ làm tại một bệnh viện lớn của TP, mẹ cô đã phải về hưu trước tuổi 3 năm. Song, Thu Trang cũng chỉ làm ở đây được khoảng 4 năm là ra ngoài làm việc cho một công ty dược của Hungary với mức thu nhập 4.000 USD/tháng. Thu Trang cho biết, phần lớn bạn bè của cô đều chọn con đường này. “Dược sĩ trình độ ĐH bây giờ rất có giá, luôn được các công ty dược săn đón. Không chỉ vậy, nhiều dược sĩ ĐH còn cho thuê bằng để người ta mở tiệm bán thuốc tây nữa”, Thu Trang tiết lộ.
Việc dược sĩ cho thuê bằng đã được chứng minh bằng những đợt thanh tra của Sở Y tế TP.HCM về hoạt động y dược trên địa bàn. Khá nhiều hiệu thuốc khi đoàn thanh tra đến kiểm tra thấy vắng mặt người đứng tên kinh doanh. Sau nhiều lần thì phát hiện ra dược sĩ đứng tên kinh doanh chỉ là người cho thuê bằng ĐH chứ không phải chủ nhân chính của hiệu thuốc…
Loay hoay tìm nguồn cho cơ sở khám, chữa bệnh
BS.CKII Nguyễn Thị Thu Hà – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Tổng số nhân lực dược sĩ ĐH trên địa bàn TP đến cuối năm 2011 là 5.092 người. Trong đó, làm việc tại các bệnh viện, viện nghiên cứu trực thuộc bộ – ngành quản lý là 240 người; bệnh viện, trung tâm trực thuộc TP quản lý là 310 người; bệnh viện ngoài công lập và phòng khám đa khoa là 240 người; còn lại 4.302 người làm việc ở khu vực sản xuất, kinh doanh dược. Hiện tại, toàn TP có 5.921 dược sĩ ĐH. Riêng ở khu vực sản xuất, kinh doanh là 5.107 dược sĩ, tăng 805 người so với năm 2011. Còn khu vực ở khối bệnh viện và quản lý Nhà nước là 829 người, chỉ tăng 24 dược sĩ so với năm 2011”.
Nếu không tính số dược sĩ làm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dược thì so với chỉ tiêu kế hoạch của TP.HCM đề ra là 2 dược sĩ ĐH/10.000 dân, TP.HCM mới chỉ đạt 1,06.
Theo đó, để có nguồn dược sĩ ĐH bổ sung cho đủ chỉ tiêu TP đề ra, ngành y tế TP phải tự đào tạo. Cụ thể trong hai năm 2011 và 2012, Sở Y tế phối hợp với các trường đào tạo nâng chuẩn từ CĐ lên ĐH cho 32 người (hiện đang công tác tại cơ sở y tế trên địa bàn TP). Tiếp tục hoàn thành chương trình đào tạo theo địa chỉ sử dụng cho 111 sinh viên ĐH y, dược hệ chính quy…
Với nhu cầu trên 1.600 dược sĩ ĐH vào năm 2015, nếu ngành y tế không “vắt chân lên cổ chạy” thì khó đạt được chỉ tiêu này.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TP cho biết: “Số dược sĩ ĐH đang công tác tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, cơ quan quản lý Nhà nước về y tế còn rất thấp. Đặc biệt, trung tâm y tế dự phòng quận, huyện chưa có dược sĩ ĐH về công tác. Trong thời gian tới cần phải có chính sách khuyến khích để tạo nguồn nhân lực dược sĩ ĐH về công tác tại cơ sở y tế công lập”.
Bài, ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)