Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phải “bình ổn” học phí đến bao giờ?

Tạp Chí Giáo Dục

Tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khóa VIII vừa qua, khá nhiều đại biểu tỏ ra bức xúc về vấn đề học phí của các trường từ mầm non đến THPT công lập. Vấn đề này cũng được đưa ra trong các kỳ họp thứ 1, thứ 2 và những kỳ họp HĐND khóa trước.
Không phải bỗng dưng mà trong kỳ họp HĐND nào, các đại biểu cũng nói về vấn đề học phí. Trên thực tế, mức thu học phí hiện nay đã được quy định ngót nghét cách nay 20 năm. Với mức lạm phát hơn 10%/năm thì mức học phí này phải tăng trên 200 lần mới phù hợp. Nhưng vì 1.001 lý do mà nó vẫn phải giậm chân tại chỗ, mặc dù Sở GD-ĐT TP đã hoàn chỉnh Đề án tăng học phí từ khá lâu…
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú, ngành GD-ĐT Q.Bình Thạnh bức xúc: Tại sao Đề án tăng học phí vẫn chưa được đưa ra trình HĐND TP. Có thể các sở, ngành liên quan sợ đưa vấn đề tăng học phí ra lúc này sẽ ảnh hưởng đến chương trình Bình ổn thị trường của TP nhưng: “Với mức thu học phí  hiện nay làm sao các trường đủ kinh phí mà hoạt động. Từ đó, nhà trường phải “xin” của phụ huynh và dẫn đến tình trạng “lạm thu” mất kiểm soát. Nếu có một mức thu học phí hợp lý thì khi trường học “lạm thu”, các cơ quan chức năng sẽ căn cứ theo luật mà xử lý”, đại biểu Việt Tú nhấn mạnh.
Chắc chắn năm học 2011-2012, học phí của các trường công lập sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh “bình ổn”. Trong khi đó, vừa qua (ngày 22-11-2011), Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT quy định “Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh” trong các trường phổ thông, thay thế bản điều lệ ban hành năm 2008. Điểm mới nhất của điều lệ lần này là quy định ban đại diện cha mẹ học sinh trường, lớp không được tổ chức thu các khoản tiền tự nguyện, không phục vụ trực tiếp hoạt động của ban. Cụ thể điểm 4, điều 10, chương II quy định: “Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học: a) Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện. b) Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường”.
“Như vậy là các trường đã bị “khóa tay”. Nhà trường sẽ khó đảm bảo các hoạt động dạy và học hàng ngày”, đại biểu Việt Tú khẳng định.
Vâng! Không ai phủ nhận những lợi ích mà chương trình Bình ổn thị trường của UBND TP.HCM thực hiện từ hai năm nay. Nhưng có nhất thiết phải đưa học phí vào chương trình bình ổn? Bởi, trên thực tế, học phí đã “bình ổn” từ 20 năm nay. Vả lại, việc “bình ổn” học phí cũng đồng nghĩa với “bình ổn” chất lượng giáo dục. Trong khi đó, yêu cầu của Đảng bộ, UBND TP và xã hội đối với ngành GD-ĐT là phải xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, các sở ngành liên quan cần trình Đề án tăng học phí lên HĐND để học phí được thoát khỏi chương trình “bình ổn”…
H.Triều

Bình luận (0)