Ngày 18-3, tại TP. Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị giao ban lần II, năm học 2010-2011 ngành GD-ĐT 5 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ (Cụm thi đua vùng 7).
Bạo lực học đường và bỏ học vẫn còn ở mức cao
Tại 5 thành phố, bên cạnh những thành quả về chất lượng giáo dục thì những mặt hạn chế, yếu kém vẫn còn tồn tại. Đó là tỉ lệ học sinh yếu kém, số học sinh bỏ học vẫn còn chênh lệch giữa các bậc học, ngành học. Một số ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức thu các khoản trái qui định gây bất bình trong dư luận xã hội. Tình trạng một số học sinh chơi game bạo lực, học sinh đánh nhau, bạo lực học đường… vẫn chưa được khắc phục. Số học sinh bỏ học của toàn cụm tuy có giảm nhưng tại Cần Thơ, tỷ lệ này chiếm 2,32%/ tổng học sinh các cấp. Ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ, thẳng thắn nhìn nhận: “Chúng tôi đã đẩy mạnh phong trào “3 đủ” trong các trường, giúp học sinh điều kiện đi học nhưng do nhiều nguyên nhân, một số em vẫn bỏ học. Có trường tỷ lệ bỏ học đến 6%. Sở GD-ĐT đang tham mưu lãnh đạo thành phố đề ra biện pháp vận động học sinh trở lại trường. Ngoài ra, chúng tôi đã chỉ đạo các trường thành lập các tổ trật tự, phối hợp tổ xung kích địa phương và hội phụ huynh học sinh để tạo môi trường an toàn cho học sinh, khi các em đến trường”…
Kiến nghị cải thiện đời sống cho giáo viên
Ngành GD-ĐT 5 thành phố đã kiến nghị với Bộ GD-ĐT một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao hơn chất lượng hoạt động, chẳng hạn về vấn đề tài chính: các trường phải điều tiết 40% học phí để thực hiện cải cách tiền lương. Chế độ chính sách cho giáo viên dạy phổ cập. Việc thực hiện Thông tư 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH, quy định: Sở GD-ĐT, phòng GD chịu trách nhiệm cấp bù học phí trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh ngoài công lập, khiến nhiều phụ huynh gặp khó vì nhà xa phòng GD-ĐT. Đề nghị bổ sung chức danh cho một số lĩnh vực như: giáo viên phụ trách phòng công nghệ thông tin, chức danh giám thị. Có chế độ thâm niên cho giáo viên, chế độ ưu đãi đối với những giáo viên điều động từ trường về sở công tác. Tăng biên chế cho sở GD-ĐT và phòng GD-ĐT. Ông Trần Trọng Khiếm (Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ) phân tích: “Mỗi phòng GD-ĐT chỉ có 7 biên chế, trong khi phải quản lý từ ngành học mầm non đến THCS nên cán bộ, nhân viên rất khó để hoàn thành công việc. Mặt khác, một giáo viên dạy tại trường được hưởng phần trăm tiền trợ cấp đứng lớp, hoặc trợ cấp chức vụ, tính trên mức lương. Khi điều động về sở hoặc phòng GD-ĐT, các thầy cô mất phần hỗ trợ này trong khi công việc tăng hơn, nên nhiều trường hợp khi nhận quyết định điều động, đã tha thiết xin được ở lại trường!”…
Những kiến nghị trên được lãnh đạo các vụ, viện, Bộ GD-ĐT ghi nhận và nêu một số hướng chỉ đạo, chẳng hạn việc ban hành qui chế đối với trường chất lượng cao, việc soạn lại chương trình sách giáo khoa nhằm đảm bảo tính liên thông, kế thừa. Đồng ý để nhà trường đứng ra cấp bù học phí cho học sinh. Vấn đề quản lý đối với trường học có yếu tố nước ngoài… Đối với chế độ chính sách, PGS.TS Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, chia sẻ: “Chúng tôi đã đi nhiều nơi, và quan sát, quả là so với các ngành, đời sống của nhiều giáo viên chúng ta còn khó khăn. Chúng tôi đã soạn một số chính sách nhằm nâng cao đời sống nhà giáo và đã trình Chính phủ, trong đó có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xin trợ cấp thâm niên cho giáo viên. Ngoài ra Bộ GD-ĐT đã tổ chức những đoàn công tác xuống cơ sở để Bộ Nội vụ thấy được thực trạng của các phòng GD-ĐT. Trong quá trình điều chỉnh, bộ sẽ đề nghị giải pháp theo hướng mở để các phòng có điều kiện làm việc hơn. Trước mắt, đề nghị các phòng GD-ĐT linh hoạt trong tổ chức bộ máy, không nên cứng nhắc trong phân công nhiệm vụ”…
ĐAN PHƯỢNG
Bình luận (0)