Nếu bên giáo dục đặt cao vấn đề triết lý giáo dục thời hiện đại thì bên y tế cũng cần xác định lại sứ mệnh và hướng phát triển của mình.
● Báo cáo đối thoại chính sách của UNDP tại Việt Nam đã cho thông số: 2/3 trợ cấp y tế rơi vào hai nhóm dân số giàu nhất, trong đó nhóm giàu nhất nhận được 45% tổng trợ cấp và nhóm nghèo nhất chỉ nhận được 7% tổng trợ cấp.
● Kết quả của chính Bộ Y tế khảo sát mới đây ở 18 bệnh viện cũng cho thấy các bệnh viện tận dụng càng nhiều càng tốt các chỉ định dịch vụ không cần thiết, đặc biệt là các dịch vụ công nghệ cao hoặc có mức thu cao.
● Thế nhưng nói về thành tích, vẫn có những báo cáo như: Cho đến nay, 100% xã có cán bộ y tế và trạm y tế… 95% xã có nữ hộ sinh trung cấp và y sĩ sản nhi; bất chấp tình trạng èo uột của y tế cơ sở và chân dung biến dạng của hệ thống.
Tiếp tục cuộc trò chuyện, GS-VS Dương Quang Trung, Phó Chủ tịch Hội Y học Việt Nam, nhận định với chúng tôi: “Ngành y tế, trong các hoạt động phải có tính hệ thống và tính mạng lưới. Song tiếc rằng y tế Việt Nam vì nhiều nguyên do đã phá vỡ các tiêu chí trên”.
Không phải cứ thiếu là kêu dân đóng góp
. Thưa giáo sư, chắc ông cũng biết về dự thảo tăng viện phí của Bộ Y tế đang gây xôn xao dư luận. Ông bình luận gì về điều này?
+ Thủ tướng Võ Văn Kiệt trước khi mất có tâm sự rằng ngành y tế là một ngành lo cho người dân từ khi còn trong bụng mẹ tới khi chết. Do đó, Nhà nước và xã hội không thể không lo cho dân về mặt chăm sóc sức khỏe. Nhưng không phải cứ thiếu nguồn lực là ta lại kêu gọi sự đóng góp của người dân. Trách nhiệm của Nhà nước là phải có biện pháp vận động tiềm năng nhàn rỗi trong cộng đồng và trong lúc chờ đợi kết quả công cuộc cải cách chế độ tài chính, cần có biện pháp miễn, giảm viện phí hợp lý cho người nghèo.
Theo tôi, cần tránh tăng viện phí một cách đồng loạt với lý do là cần tính đúng, tính đủ. Chỉ nên tăng viện phí từng bước và trước mắt có thể tăng mạnh ở ngành thẩm mỹ, ở khu vực chăm sóc theo yêu cầu, ở khu vực bệnh nhân quốc tế và bớt đi ở nhưng khu vực như lao, phong, tâm thần, nhiễm…, nhất là cần có chế độ miễn, giảm viện phí một cách hợp lý.
. Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay có khoảng 38% dân VN không mua bảo hiểm y tế (BHYT) và đa số là dân nghèo… Tăng viện phí sẽ “đánh” vào họ!
+ Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã bày tỏ quan điểm là: Song song với việc tăng viện phí, cần có chính sách “BHYT toàn dân”, theo bộ trưởng đây là cốt lõi để đảm bảo sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe.
Nhìn trên lý thuyết thì quan điểm này không sai, vì đúng là viện phí chúng ta hiện nay thấp, tôi nhấn mạnh: Thấp với những người kinh tế khá trở lên. Nên tăng viện phí chúng ta sẽ buộc được những người khá giả phải có mức đóng hợp lý hơn. Nhưng nó là con dao hai lưỡi.
Hiện nay, cả nước còn 38% người không mua bảo hiểm, đa số là do nghèo. Khi viện phí tăng, tiền đóng BHYT cũng sẽ tăng. Với người nghèo, giá BHYT cũ còn mua không nổi, nay tăng thêm thì chuyện mua BHYT càng xa vời. Đó là cái vòng luẩn quẩn. Cho nên muốn tăng BHYT, cũng cần có nghiên cứu cụ thể để không tăng thêm gánh nặng cho người nghèo, mà cần nhắm vào những người có thu nhập cao, thí dụ như chính sách đánh thuế lũy tiến chẳng hạn…
Nếu chỉ nghĩ tăng viện phí hay tăng đóng góp BHYT, chỉ vì để tăng ngân sách thì dân nghèo phải oằn vai chịu đựng.
Mặt khác, tăng viện phí hay tăng đóng góp BHYT, cần phải tăng chất lượng điều trị và sự hài lòng của bệnh nhân, tránh tình trạng tiền mất tật mang.
Nên rà soát lại tài chính trước khi “móc túi” dân
. Vậy làm sao đây khi ngành cần tiền đầu tư để tăng chất lượng các dịch vụ y tế?
+ Trong lộ trình chờ đợi kết quả của cuộc vận động “bảo hiểm toàn dân”, viện phí và BHYT phải làm sao để bảo đảm được việc điều trị, chăm sóc sức khỏe cho toàn dân một cách tốt nhất.
Ngành y tế, trước khi nghĩ đến việc dựa vào sự đóng góp của người dân nên rà soát lại toàn bộ nguồn tài chính của mình, xem đầu tư và chi dùng đã thật sự hợp lý và khoa học chưa. Chứ cứ để hệ thống y tế “méo mó” kiểu này thì có tăng viện phí, tiền cũng vô mấy bệnh viện lớn mà thôi, quá tải sẽ tiếp tục chồng lên quá tải! Còn mạng lưới y tế cơ sở èo uột vắng vẻ, lấy đâu viện phí mà cải thiện chất lượng chuyên môn và cả đời sống nhân viên y tế.
Một cơ chế chính sách tài chính đúng, nhiều khi mang lại nhiều lợi ích hơn mong đợi.
. Còn về nhân lực của ngành y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến từng phát biểu: “Cho đến giờ này bằng y, dược, nha của chúng ta chưa được công nhận ở khối ASEAN chứ đừng nói quốc tế”. Ở góc độ đào tạo, giáo sư nghĩ gì?
+ Đúng là trong đào tạo nhân lực cho ngành y, chúng ta còn nhiều bất cập. Nhân lực y tế chúng ta, nhìn chung không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu cả chất lượng, nhất là chất lượng nghiệp vụ, chuyên môn cao. Chúng ta cần nhanh chóng cải cách giáo dục y khoa để đào tạo ra những người thầy “sức khỏe”, có khả năng phục vụ, đào tạo và nghiên cứu khoa học, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và y học phát triển không ngừng.
Mô hình lạc hậu, tốn “ghế” mà không hiệu quả
. Cuối cùng, hình như căn bệnh của giáo dục và y tế Việt Nam khá giống nhau. Nếu bên giáo dục, tuyển sinh ĐH căng thẳng, sinh viên giỏi, dở gì cũng đổ xô vào các ĐH nghiên cứu truyền thống vì hệ thống ĐH thiếu sự phân tầng đào tạo. Bên y tế cũng vậy, bệnh nặng, nhẹ gì cũng tràn về bệnh viện tuyến trên vì tuyến cơ sở đã bị vỡ. Hệ quả là hình ảnh của giáo dục và y tế đều trở nên xấu đi trong mắt người dân. Theo giáo sư, chuyện gì đang xảy ra ở đây?
+ Nếu bên giáo dục đặt cao vấn đề triết lý giáo dục thời hiện đại thì bên y tế cũng cần xác định lại sứ mệnh và hướng phát triển của mình. Trong tình hình toàn cầu hóa, Hội đồng Y tế Thế giới đã đề ra khẩu hiệu: “Sức khỏe cho tất cả mọi người”; Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng nêu cao việc săn sóc sức khỏe ban đầu và định hướng cộng đồng chớ không chỉ lo trị bệnh và phát triển hệ thống bệnh viện. Ngày nay, Y tế Thế giới đặt vấn đề: “Hướng về sự thống nhất cho sức khỏe” (TUFH).
. Thống nhất thế nào khi thực tế mà người dân nhìn thấy: Tổ chức y tế ở quận, huyện đang bị chia cắt, bộ máy cồng kềnh?
+ Đúng là mô hình y tế địa phương của chúng ta hiện không giống ai, phân tán nhiều đầu mối: phòng y tế, BV đa khoa, trung tâm y tế dự phòng.
Sự tách biệt đó hoàn toàn không phù hợp với những quan điểm về chăm sóc sức khỏe ban đầu của thế kỷ 21 làm cho BV đa khoa tách rới khỏi việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, hạn chế hỗ trợ chuyên môn cho trạm y tế cơ sở. Cần phải trở lại mô hình tập trung. Thế nhưng, việc này rất khó vì đã lỡ chia, lỡ đẻ ra thêm hàng loạt “ghế”!
. Như vậy, ở đâu cũng thấy ngược dòng?
+ Thời gian qua, có lúc chúng ta bơi ngược dòng thời đại. Hãy còn kịp để củng cố hệ thống và mạng lưới phổ cập cũng như chuyên sâu của ngành y tế nhằm không ngừng nâng cao chất lượng phòng bệnh, chữa bệnh, phục hồi và tăng cường sức khỏe cho mọi người dân.Đó còn là nền tảng tạo nên thể lực và chất lượng nòi giống dân tộc Việt.
. Xin cám ơn giáo sư.
98,8% trạm y tế xã, phường đang hoạt động chỉ với 4-7 cán bộ, trong đó cán bộ có trình độ ĐH là 8,5%; trung học 73,2% và sơ học 12,44%. Trên lý thuyết, đội ngũ này đang giải quyết sự cố cho khoảng 75% dân số.
(Nguồn: Kinh tế nông thôn 2009)
Giá viện phí Bộ Y tế đưa ra trong bản dự thảo nói là minh bạch nhưng thực ra không minh bạch, nằm ở chỗ Bộ chưa có một khảo sát thực tế cụ thể nào để đưa ra mức giá như trên, mà tất cả đều thông qua các đơn vị y tế bên dưới báo cáo lên; trong khi các đơn vị y tế thuộc Bộ Y tế luôn than phiền về viện phí và muốn tăng viện phí.
VŨ XUÂN BẰNG, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH VN
Không chỉ sinh viên y khoa mới tốt nghiệp từ chối thực tập và công tác ở tuyến dưới mà nhiều cán bộ y tế xã, phường đang làm việc cũng tìm cách chuyển công tác.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tếNGUYỄN QUỐC TRIỆU
|
Theo MAI LAN
(PL)
Bình luận (0)