Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Loạn trung tâm giới thiệu việc làm “ma”: Bài 3: Một ngày ở chợ lao động…

Tạp Chí Giáo Dục

DVGTVL trên đường Phan Văn Trị, Gò Vấp

Với những lao động nhập cư thường gọi đoạn đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) là “chợ lao động” (CLĐ). Bởi chỉ một quãng đường ngắn mà đã có đến hàng chục dịch vụ giới thiệu việc làm (DVGTVL). Người lao động đến đây tìm những công việc từ “thượng vàng đến hạ cám”, như phụ hồ, giúp việc gia đình, trông em, bán cà phê… cho đến những ứng viên tìm việc có bằng cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ… các dịch vụ này đều nhận hồ sơ giới thiệu tất tần tật.
Giăng 1.001 bẫy chờ lao động
Bộ hồ sơ xin việc trên tay, tôi cũng như bao người đi xin việc khác tìm đến khu CLĐ trên đường Phan Văn Trị, thuộc P.7, Q.Gò Vấp. Sau khi ghé qua một số DVGTVL tôi cảm nhận được một “mẫu số chung” là việc thu phí rất đơn giản. Đơn giản đến mức các lao động đến đăng ký tìm việc chỉ cần nộp tiền cho trung tâm với giá từ 100.000 – 200.000 đồng/hồ sơ xin việc, nhưng những lao động tìm việc không cần phải ghi nguyện vọng làm việc ở đâu, mức lương thế nào? Nghề nghiệp chuyên môn gì?… Và thậm chí nhân viên thu ngân cũng không cần ký tên đóng mộc? Dĩ nhiên những lao động nào rơi vào trường hợp này thì cứ yên tâm ngồi nhà mà chờ việc và cũng đừng thắc mắc tại sao không thấy trung tâm này mời gọi mình phỏng vấn. Anh Phan Thanh Tuấn, quê Thanh Tân, Mỏ Cày, Bến Tre, tốt nghiệp ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM than phiền: “Mình mới tốt nghiệp ngành điện ra trường, không biết tìm việc ở đâu vừa nhanh vừa có hiệu quả, nghe bạn bè giới thiệu ra CLĐ sẽ có rất nhiều việc nên tôi tìm đến và đăng ký. Ghé đại vào một DVGTVL không bảng hiệu trên đường Phan Văn Trị, thuộc P.7, Q.Gò Vấp. Sau khi cô nhân viên hướng dẫn rồi cho một cái phiếu ghi tên họ, ngành học, số tiền nộp là 200.000 đồng và sau đó cô ta ký tên vào rồi trả lại tôi. Khi tôi hỏi sao không ghi rõ họ tên và đóng mộc thì cô ta bảo ở đây làm ăn uy tín nên không cần những thủ tục rườm rà như thế!”.
Khi những thủ tục xin việc “đầu tiên” đã xong và anh Tuấn cứ yên tâm chờ đợi, một tuần, hai tuần anh vẫn không thấy dịch vụ mời gọi, anh chợt nghĩ ra là mình quên ghi địa chỉ trên phiếu nên cô ta không biết nơi đâu mời gọi mình. Trở lại dịch vụ lần nữa, cô nhân viên vẫn tươi cười nói ráng chờ thêm một thời gian nữa, do chưa tìm được nơi gửi hồ sơ. Hai tuần nữa anh lại tìm đến lần thứ 3 thì cô nhân viên hôm nọ được thay bằng người thanh niên. Anh Tuấn đưa tờ phiếu biên lai ra hỏi thì người thanh niên lắc đầu vì cô nhân viên thu tiền này đã nghỉ việc và phiếu thu của anh không có chứng từ gốc, và cũng không biết bộ hồ sơ của anh bây giờ đang nằm ở nơi đâu?
Tiếp xúc với một số xe ôm khu vực ngã ba Phan Văn Trị – Trần Thị Nghĩ (Gò Vấp) ai ai cũng đều bức xúc những DVGTVL tại đây toàn giới thiệu những địa chỉ “ma”. Ông Huỳnh Văn Hai chạy xe ôm hơn 5 năm tại đây kể: “Không nói đâu xa, tuần vừa rồi bác có chở một cô gái ở miền Tây ở trọ trong khu phố 3, phường 7 đi xin việc theo lời giới thiệu của các dịch vụ này. Thế nhưng đi suốt buổi chiều trên đường Sư Vạn Hạnh, Q.10 mà vẫn không tìm được địa chỉ số 168/42 để nhận việc theo lời giới thiệu của dịch vụ. Bác đành chở cô gái ấy quay về nhà trọ đợi hôm sau đến trung tâm này đòi lại số tiền 150.000 đồng mà cô đã đóng hôm trước. Nhưng chắc gì đòi được, bác đã chứng kiến không biết bao nhiêu đứa bị gạt như vậy rồi mà có đứa nào đòi được tiền đâu? Bọn này nhiều thủ đoạn lắm!”.
Tại DVGTVL không bảng hiệu khác cũng đường Phan Văn Trị, chúng tôi cũng chứng kiến 3 cô gái quê ở Nghệ An, Thanh Hóa và Quảng Ngãi đang giằng co với hai cô nhân viên để đòi lại số tiền 150.000 đồng mà họ giới thiệu không thành. Cô Hiền ở Thanh Hóa, ấm ức: “Được trung tâm này giới thiệu đến làm thư ký cho một giám đốc doanh nghiệp tư nhân ở đường Lê Văn Sỹ, quận 3. Nhưng khi tiếp chuyện với vị giám đốc doanh nghiệp này thì ông phát nổi cáu lên mắng thẳng vào mặt mình rằng: “Tui đã tuyển được thư ký về làm việc từ hai tháng nay, mà không hiểu sao cứ nay người này, mai người kia đến xin việc là sao? Chẳng lẽ tối ngày tui cứ tiếp chuyện với người xin việc hoài sao? Nói xong ông xua đuổi cô ra ngoài và kéo cửa lại thật mạnh!”.
Đường dây moi tiền
Với những lao động thuộc dạng có bằng cấp thì có một cánh cửa rất hẹp khi đến xin việc tại CLĐ, hầu như khó lòng chen chân vào được, bởi một lý do thường xuyên và phổ biến nhất theo cách lý giải của các dịch vụ là không qua được ngưỡng cửa phỏng vấn. Chị Nguyễn Thị Công Tâm, Phó phòng Nhân sự của Công ty Duy Hưng, Khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương tiết lộ: “Cách đây hơn 1 tháng, công ty chúng tôi phát hiện và cho nghỉ việc một nhân viên nhân sự móc nối với một số DVGTVL trên đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp để tuyển lao động. Việc tuyển người vào làm tại công ty là có thật, nhưng thực chất khi đến khâu phỏng vấn thì các ứng viên đều bị nhân viên này cho loại do không đáp ứng khả năng công việc của công ty đề ra. Và công ty chúng tôi cứ tuyển, các ứng viên cứ dự tuyển và tiền lệ phí thì phải nộp đủ cho các DVGTVL. Sự bắt tay “ngầm” giữa nhà tuyển dụng và DVGTVL như thế này là một cái “bẫy” rất phổ biến hiện nay và chiêu độc này rất dễ móc tiền của người lao động…” .
Qua những lần khảo sát thực tế chúng tôi được biết, có những nơi nhu cầu tuyển dụng công việc chỉ một, hai chỗ, nhưng khi qua các DVGTVL này lại được thổi phồng lên hàng chục vị trí. Dựng nên nhu cầu tuyển dụng ảo, với mức thu nhập hấp dẫn, chiêu này được xem là một mánh khóe để các dịch vụ tha hồ móc những đồng tiền “còm cõi” của người lao động, nhất là những lao động mới lần đầu bước đến CLĐ ở đây. Và họ cứ mặc cho những người xin việc thì trông chờ từng ngày, từng giờ còn họ thì ung dung thu lợi.
Một kiểu làm ăn khác cũng rất phổ biến hiện nay là các DVGTVL mua bán hồ sơ xin việc của người lao động với nhau để lấy lãi. Khi nhận xong hồ sơ xin việc của công nhân, thay vì họ tìm cách gửi số hồ sơ đến các công ty có nhu cầu cần tuyển thì họ lại bán cho một DVGTVL khác để ăn lợi nhuận trên mỗi bộ hồ sơ.
Trọng Luật

Bình luận (0)