Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Bỏ chấm điểm lớp 1: Thực hiện như thế là muộn!

Tạp Chí Giáo Dục

Bỏ chấm điểm sẽ giúp HS không phải áp lực trước điểm cao, điểm thấp và học thêm
Bắt đầu từ năm học này, việc đánh giá kết quả học tập của học sinh (HS) lớp 1 được thay bằng những lời nhận xét đánh giá của giáo viên (GV). Một số người tỏ ra băn khoăn lo lắng nhưng một số người lại vui, thậm chí cho rằng thực hiện thời điểm này như thế là muộn.
GV, phụ huynh băn khoăn
Điểm số môn toán, tiếng Việt là một phần thể hiện năng lực học tập của HS. GV dựa vào đó mà biết khả năng tiếp nhận kiến thức của các em đến đâu, ra sao để có hướng giúp đỡ. Còn phụ huynh (PH) cũng dựa vào điểm số sẽ biết được trẻ học đến đâu mà kèm cặp, hướng dẫn thêm. Việc thay bằng nhận xét khiến một số GV tỏ ra lo lắng, PH băn khoăn.
Một GV dạy tiểu học tại Q.Gò Vấp, TP.HCM chia sẻ: “Trước nay song song với việc cho điểm đều kèm theo lời nhận xét. Như thế, điểm 2 môn này thể hiện rõ HS tiếp thu kiến thức đến đâu, ra sao, thể hiện cách đánh giá khách quan. Nếu chỉ nhận xét không, rất dễ bị chung chung, trùng lắp, không khách quan vì số HS mỗi lớp đông đến vài chục em”. Một GV khác dạy tại Q.2 lại lo lắng, trung bình mỗi lớp khoảng 45 HS, việc nhận xét từng em như vậy sẽ khiến công việc nhiều và GV không tránh khỏi vất vả. Trong khi đó, GV dạy lớp 1 đâu chỉ dạy chữ, chấm điểm mà còn phải dạy nề nếp, uốn nắn các thói quen cho trẻ…
Trong khi đó, đối với PH cũng lo lắng không kém. Chị Phạm Thị Uyên, PH em Mai Bảo Di (lớp 3, Trường TH Ngô Quyền) cho biết: “Trước giờ tôi thường dựa vào điểm số để nắm cụ thể kết quả học tập của con. Biết chúng học đến đâu, ra sao, yếu kém chỗ nào mà chỉnh sửa, kèm cặp thêm. Nay không chấm điểm thì tôi không biết kết quả như thế nào, có khi lại đâm lơ là. Chưa kể, mỗi em có một năng lực học khác nhau, việc nhận xét mang tính động viên, khích lệ như thế có trùng lắp không?”. Chị Nguyễn Ngọc Hồng (PH em Lê Thanh Phúc, lớp 2G, Trường TH Trương Quyền, Q.3) nhận xét: “Ngay từ lớp 1, hôm nào được điểm giỏi là cháu nhà tôi vui lắm, háo hức về khoe ngay với ba mẹ. Thấy vậy ba mẹ cũng vui lây, cháu nó lại có thêm nhiều động lực trong việc học. Nếu không chấm điểm, cháu nó sẽ không có được những cảm xúc ấy, không có động lực để phấn đấu, có khi lại lơ là”.
Nguyên tắc của đánh giá là vì sự tiến bộ của HS, coi trọng việc động viên khuyến khích tính tích cực, vượt khó học tập, rèn luyện của các em, đảm bảo kịp thời, công bằng và khách quan… Và mục đích nhằm giúp GV có điều kiện điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động ngay trong quá trình và kết thúc mỗi giai đoạn dạy học, tạo điều kiện cho GV có cơ hội kịp thời phát hiện những cố gắng của HS để động viên khuyến khích, ghi nhận sự tiến bộ cũng như hạn chế hàng ngày mà kịp thời hướng dẫn. Còn với PHHS thì tích cực hợp tác với nhà trường trong các hoạt động giáo dục góp phần thay đổi nhận thức về việc cho trẻ học trước chương trình lớp 1. Và HS thì có những giờ học nhẹ nhàng, hứng thú, tích cực hơn và giảm áp lực đến trường… Liệu như thế có gây khó khăn cho người lớn?
Giảm nhiều áp lực cho trẻ

Nhiều giáo viên và phụ huynh cho rằng bỏ chấm điểm ở lớp 1 hiện nay là quá muộn. Trong ảnh: HS lớp 1 Trường TH Bình Triệu (Q.Thủ Đức, TP.HCM) trong giờ học tập viết.

Là PH có 3 con, hiện tại con út học Trường TH Đuốc Sống (Q.1), chị Nguyễn Thanh Mai tỏ ra phấn khởi khi nghe bỏ chấm điểm lớp 1. Chị cho biết: “Ngày trước chúng ta đi học lớp 1, tâm hồn trong sáng như tờ giấy trắng, không biết gì đến học thêm học nếm. Hiện nay nhiều đứa trẻ chuẩn bị vào lớp 1 đã biết thế nào là học thêm, rèn toán, luyện chữ đến mệt mỏi. Tất cả chỉ vì điểm số, ganh đua… Vì thế bỏ chấm điểm sẽ hạn chế rất lớn điều này. Mặt khác, điểm số trên lớp sẽ tạo cho trẻ một áp lực. Nếu điểm 9, 10 thì không sao, còn điểm 4, 5 thì chắc chắn sẽ không dám khoe với bố mẹ, lại nơm nớp lo sợ, lên lớp cũng xấu hổ bạn bè, sợ cô giáo. Nên giáo dục trẻ nhỏ là để đam mê khoa học, thích khám phá chứ không phải là sợ đến lớp”. Chị còn chia sẻ thêm, trẻ mới vào lớp 1 vẫn còn những tính cách ở mẫu giáo như: Có em còn thích chơi gấu bông, có em chỉ thích hát, thích vẽ… Như thế lên lớp là để GV  giúp trẻ thích nghi nề nếp một cách từ từ, nhẹ nhàng. Đúng hơn là được học cách ngồi, đi đứng, tác phong giao tiếp, cư xử… Vì thế điểm số đánh giá thành tích chưa thực sự quan trọng. Đừng bắt trẻ 6 tuổi phải vào ngay guồng tranh đua thành tích.
Về vấn đề này, thầy Nguyễn Văn Tri, Hiệu trưởng Trường TH Võ Trường Toản (Q.10) cũng cho hay: “Tâm lý PH cứ thấy điểm số là y như rằng có sự so sánh giỏi – kém. Điểm thấp đem hỏi ngược lại GV rồi lại cho đi học thêm, mướn gia sư về dạy. Thực ra năng lực HS lớp 1 không thể hiện qua bài kiểm tra hai môn toán, tiếng Việt mà thể hiện cả một giai đoạn, một quá trình. Vì thế điểm số không nói lên được tất cả. Bằng lời nhận xét, GV có cả một quá trình theo dõi, đánh giá từng em, thể hiện sự quan tâm của GV với học trò mình hơn. Bản thân HS được động viên khen ngợi khiến tinh thần phấn chấn hơn hẳn thay vì một kết quả ấn định rành rọt, lại không có sự phân biệt. Thực hiện thời điểm này như thế là muộn”.
Có hai hình thức đánh giá là thường xuyên và định kỳ. Đánh giá thường xuyên thực hiện bằng nhận xét miệng qua từng bài học, qua bài viết (dưới 20 phút), quan sát từng hoạt động, vận dụng kiến thức kỹ năng và nhận xét luân phiên HS qua từng tiết học trong một buổi, đảm bảo số lần nhận xét tương ứng với số lần cho điểm như quy định trước đây. Việc đánh giá định kỳ là những môn như toán, tiếng Việt, tin học, tiếng dân tộc: Ngoài bài kiểm tra cuối năm bằng điểm số thì kết hợp với những nhận xét ưu điểm, hạn chế, góp ý sửa lỗi. Như vậy “Đánh giá luân phiên sẽ không khiến GV vất vả nhiều. Và thay vì trước kia hàng tháng chấm 4 cột điểm tiếng Việt, 2 cột điểm toán thì nay dựa vào 6 cột điểm này để nhận xét, đánh giá kết quả học tập của các em, tạo được sự công bằng. Bởi nếu chấm điểm chắc chắn sẽ khó tránh khỏi “rộng tay, chật tay””, cô Nguyễn Thị Yến, Hiệu trưởng Trường TH Trương Quyền cho biết.
Theo cô Yến, đánh giá thường xuyên còn có nhiều cách. Như HS học tốt có thể tặng các em các hình mặt cười, chưa tốt thì nhẹ nhàng khuyên nhủ động viên, hoặc cũng có thể trao đổi với PH.
Bài, ảnh: Nguyễn Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)