Năm học 2008 – 2009 được coi là năm học bản lề để ngành giáo dục thực hiện lộ trình đổi mới giáo dục giai đoạn 2006 – 2010. Trước thềm năm học mới, Báo Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Phó thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân về những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm học này.
Khắc phục học sinh bỏ học, ngồi sai lớp
PV: Tình trạng học sinh bỏ học trong năm học 2007 – 2008 không tăng nhiều so với những năm học trước, nhưng ở một số vùng, tình trạng này lại tăng một cách đột biến. Xin ông cho biết biện pháp khắc phục của ngành giáo dục trong năm học mới 2008 – 2009?
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân: Hiện nay chưa có số liệu thống kê để nói rằng tỉ lệ học sinh Việt Nam bỏ học khá cao so với các nước. Mức bỏ học của chúng ta hiện nay trên 1%. Có lần, chúng tôi nghe một GS đánh giá so với các nước khác không cao. Nhưng 1% hay 1,5% thì cũng là điều băn khoăn, quan tâm. Bỏ học do nhiều yếu tố trong quá trình giáo dục. Nếu không tiến hành các biện pháp đồng bộ thì không khắc phục được hiện tượng này.
Năm học 2006 – 2007, ngành tập trung khắc phục tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, bộc lộ kết quả yếu kém. Năm học 2007 – 2008, cụ thể khắc phục ngồi sai lớp và bỏ học. Vừa qua, chúng ta tiến hành tìm biện pháp và hôm nay đã có báo cáo tham luận của các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long về vấn đề bỏ học.
Một trong những hướng khắc phục là làm được sự quan tâm của xã hội đến việc đi học. Ở nhiều địa phương, gia đình không đủ điều kiện kinh tế cho con đi học. Vậy giúp cái gì? Có lần tôi làm việc với tỉnh Trà Vinh, các đồng chí nói chỉ cần giúp những gia đình khó khăn cụ thể 10 kg gạo/tháng thì các em có thể đi học được. Hoặc các em đi xa cần xe đạp đi học. Ở miền núi, các em đi học rất xa thì phải phát triển trường nội trú dân nuôi. Chăm sóc phải đúng từng em.
Với vùng dân tộc miền núi, Bộ sẽ cùng với UB Dân tộc của Chính phủ tổ chức một hội nghị chuyên đề về giáo dục dân tộc. Những dự án của Bộ đã có rồi cộng với sự tham gia, giám sát của UB Dân tộc, thúc đẩy phát triển giáo dục dân tộc, vùng khó khăn, qua đó gián tiếp giải quyết tình trạng học sinh bỏ học.
Vấn đề nữa là môi trường đi học, học phải vui thì học sinh mới không bỏ học. Năm nay, qua thực tiễn trong nước và kinh nghiệm các nước, Bộ chính thức triển khai phong trào trường học thân thiện. Môi trường xanh, sạch, có nhà vệ sinh. Với phong trào này, phấn đấu năm nay tất cả các trường phải có nhà vệ sinh.
Thêm nữa, khi giảng dạy, thầy cô giáo phải thay đổi phương pháp dạy học và chăm lo cả hai đầu: chăm lo học sinh khá giỏi nhưng phải đặc biệt bồi dưỡng học sinh yếu kém để các em không chán nản.
Bên cạnh đó, các trường phải tăng cường vui chơi cho học sinh. Vùng miền núi rất phù hợp đưa những trò chơi dân gian vào nhà trường. Chúng tôi cũng bàn đến những hoạt động vui chơi ra ngoài nhà trường, gắn với việc chăm sóc di tích lịch sử. Chương trình này ngành giáo dục không làm một mình và bàn với Đoàn Thanh niên, tổ chức thu hút các em. Thông qua hoạt động tổng hợp này, chúng tôi tin rằng năm tới học sinh bỏ học sẽ giảm hơn. Thống kê bỏ học của chúng ta chưa phân biệt được học sinh bỏ học hay ở nhà đi làm việc khác. Năm tới sẽ thống kê sâu hơn.
Chúng tôi xin khẳng định, ngành giáo dục coi việc giúp học sinh yếu kém, tạo môi trường học thân thiện là quan trọng, góp phần khắc phục hiện tượng bỏ học.
5 vấn đề trọng tâm trong năm học 2008 – 2009
Có thể nói, trong năm học mới, ngành giáo dục có rất nhiều việc phải làm. Vậy, đâu là những vấn đề trọng tâm của năm học này, thưa ông?
– Ngành giáo dục nói vui là dạy quanh năm suốt tháng, dạy từ mầm non đến đại học mà không dừng việc dạy để đổi mới được, phải đổi mới qua quá trình dạy. Vì vậy, hàng năm chọn những vấn đề trọng tâm. Năm nay, Bộ tập trung vào 5 vấn đề:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện cuộc vận động Hai không. Bộ hứa với Chính phủ làm trong 4 năm, năm nay là năm thứ ba, chính là năm bản lề. Vừa qua, thi đã nghiêm túc hơn, tập trung giúp học sinh bỏ học trở lại trường. Năm tới phải tổ chức thi nghiêm túc hơn nữa. Về tổng thể có tiến bộ nhưng còn những nơi chưa nghiêm túc, năm ngoái phải nghiêm túc hơn.
Hiện nay, chúng tôi đã có thống kê tin học các kết quả thi của từng hội đồng, có thể nhận xét hội đồng thi nào có kết quả bình thường, hội đồng nào bất thường. Chúng tôi sẽ chấm lại một số hội đồng thi có dấu hiệu không bình thường của từng tỉnh và sẽ gửi cho Chủ tịch tỉnh, Bí thư tỉnh để biết tình hình. Vấn đề xử lý địa phương sẽ làm.
Thứ hai, tiếp tục khắc phục học sinh ngồi sai lớp và hỗ trợ học sinh yếu kém vì năm tới không còn thi tốt nghiệp THPT lần 2. Vì thế, phải bồi dưỡng các em yếu kém để các em vượt qua kỳ thi một cách thực chất.
Thứ ba, phải tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học. Năm tới tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy văn, sử, địa – những môn mà lâu nay xã hội chưa yên tâm. Làm sao dạy phải thấm tình người. Chúng ta sẽ tổ chức những hội thảo giảng dạy từ cơ sở đến quốc gia, đặc biệt là đổi mới cách dạy, cách kiểm tra và gắn dạy với thực tiễn: gắn với lịch sử văn hóa địa phương. Chúng ta có thể hỏi về văn lòng yêu nước không chỉ qua những bài văn được học ở trường mà hỏi về cảm nhận về lòng yêu nước ở địa phương em.
Năm nay sẽ đột phá về việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Làm thế nào để ở tất cả các trường đều có giáo viên nòng cốt về ứng dụng công nghệ thông tin, từ sử dụng thiết bị đến ứng dụng các bài giảng điện tử, hình thành kho dữ liệu các môn học, để phục vụ cho trường.
Trường nào cũng có giáo viên sử dụng được bài giảng điện tử. Phấn đấu đến cuối năm, tất cả các trường phổ thông cả nước đều kết nối internet.
Ban hành chính thức tiêu chuẩn giáo viên giỏi, nhằm tôn vinh người thầy. Giáo viên giỏi là giáo viên dạy giỏi, là tấm gương đạo đức, tự học cho học trò.
Thứ tư, đổi mới quản lý của nhà trường, trong đó có đổi mới quản lý tài chính, thực hiện ba công khai: công khai các tiêu chí chất lượng, công khai điều kiện vật chất, công khai chi tiêu để phụ huynh có thể giám sát; và thực hiện bốn kiểm tra: Công khai ngân sách phân bổ ra sao? Nhà nước rót tiền về địa phương dùng có đúng định mức hay không? Yêu cầu dùng quỹ xổ số cho giáo dục thì dùng đến bao nhiêu?
Công khai hoạt động chi tiêu của nhà trường, ngân sách dùng đến đâu và tiền nhân dân đóng góp thông qua các quỹ dùng như thế nào? Sử dụng tiền kiên cố hóa trường lớp. Năm nay, Chính phủ dành 3.772 tỷ cho kiên cố hóa trường lớp thì phải dùng cho đúng và đủ.
Bên cạnh đó, hiệu trưởng sẽ được quan tâm đặc biệt. Năm nay sẽ triển khai phần đầu chương trình bồi dưỡng 30.000 hiệu trưởng cả nước trong vòng 3 năm, từ 2008 đến 2010. Sau 3 năm, tất cả các hiệu trưởng sẽ được bồi dưỡng một chương trình hiện đại, kết hợp với Singapore. Trong năm nay cũng công bố chuẩn các hiệu trưởng từ các trường mầm non đến trung học, sau đó sẽ có đánh giá của chính các thầy cô giáo trong trường đối với hiệu trưởng của trường mình. Đây là thông tin rất quan trọng để khẳng định, biểu dương người làm tốt. Những thầy, cô chưa làm tốt thì rút kinh nghiệm, nếu không đạt sẽ phải thay. Thầy hiệu trưởng có chuẩn, được bồi dưỡng, được đánh giá tôn vinh và phải được ngành kiểm soát chung.
Thứ năm, những dự án trọng điểm. Năm nay, ngành tập trung 5 dự án:
1/ Thực hiện từ nay đến 2010, chương trình phổ cập mầm non 5 tuổi đi học có chất lượng.
2/ Phát triển xây dựng các trường chuyên thành nơi bồi dưỡng nhân tài tại các địa phương.
3/ Phát triển các trường dân tộc nội trú.
4/ Bồi dưỡng khoảng 10.000 hiệu trưởng trong trường phổ thông.
5/ Chương trình phát triển giáo viên trung cấp chuyên nghiệp.
Tiếp tục đánh giá lại chương trình, SGK
Chương trình điều chỉnh SGK đang được Bộ GD-ĐT triển khai. Ông có thể cho biết trong năm học này và năm học tới đây vấn đề này sẽ được ngành giải quyết như thế nào?
– Chúng tôi đã báo cáo với Chính phủ, Quốc hội là làm liên tục từ nay đến năm 2010 về đánh giá chương trình SGK, để từ đó đến 2010 sẽ quyết định biên soạn bộ SGK như thế nào. Năm vừa qua đã đánh giá rộng tất cả các môn từ lớp 1 đến lớp 11. Năm nay, bên cạnh đánh giá rộng sẽ đi sâu một số môn như cải tiến dạy văn, sử, địa; đánh giá lại hiệu quả của hai môn giáo dục công dân và môn thủ công của bậc tiểu học.
Năm nay sẽ sửa sai sót của SGK
Một hai năm trở lại đây, Việt Nam đã bắt đầu tiến hành khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục. Nhưng đến bây giờ chúng ta mới bắt đầu làm thì liệu có chậm không, thưa ông?
– Chúng ta có hệ thống giáo dục hơn nửa thế kỷ nhưng chỉ từ năm 2005 mới có tổ chức chuyên nghiệp là Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng. Như vậy, việc đầu tư bị chậm trễ một cách có hệ thống.
Hiện nay, chúng ta đã hình thành được ở 40 địa phương phòng khảo thí và kiểm định chất lượng. Cố gắng tiếp tục phát triển phòng này.
Vừa qua, Bộ đưa ra tiêu chí đánh giá của trường tiểu học, năm nay ra tiếp tiêu chí của trường trung học. Hà Nội, TP.HCM… đã tự đánh giá. Năm nay, sẽ đẩy mạnh việc này để trở thành nền nếp.
Bậc ĐH, đã hướng dẫn khoảng 60 trường đánh giá trong và đánh giá ngoài, khoảng 80 trường đánh giá trong và năm nay tiếp tục làm. Tinh thần là tất cả các trường ĐH phải thực hiện đánh giá trong, sau đó đánh giá ngoài.
Trong năm nay, sẽ phối hợp với các tổ chức nước ngoài hình thành ba trung tâm đánh giá chất lượng giáo dục ở ba miền Bắc – Trung – Nam chứ không chỉ một Cục ở cấp Bộ. Phấn đấu đến 2010, hình thành hệ thống đánh giá chất lượng ở cấp Sở và quốc gia một cách ổn định.
Xin cảm ơn Phó thủ tướng!
Nghiêm Huê
Kỳ thi năm tới, không để nhận thức có thể tiêu cực mà trên không phát hiện. Năm tới, chúng tôi sẽ công bố tiêu cực rộng rãi hơn. Năm nay, chỗ nào có nghi vấn chỉ thông báo tới địa phương để xem xét nhưng năm tới sẽ công bố cả nước. Mục đích là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 phải đáng tin cậy để năm 2010 bớt đi một kỳ thi. |
Bình luận (0)