Tuần qua, tại TP.HCM, tất cả các trường THPT đều tổ chức xong việc kiểm tra học kì 2 dành cho học sinh (HS) khối 12 theo đề chung của Sở GD-ĐT đối với 6 môn thi TN THPT (ngữ văn, toán, vật lí, sinh học, địa lí, ngoại ngữ). Theo ghi nhận của hầu hết giáo viên và học sinh thì đề thi vừa sức và có thể phân loại được HS, hầu hết đề thi các môn đều không có sai sót, trừ môn vật lí có sai sót nhỏ không đáng kể.
Tính từ nay cho đến thời điểm kì thi TN THPT chỉ còn khoảng một tháng. Do vậy, cả thầy lẫn trò đang vào giai đoạn chạy nước rút mới mong kịp với thời gian ngắn ngủi ấy cho kì thi. Các trường THPT đã có kế hoạch riêng cho mình trong việc chuẩn bị vừa đảm bảo dạy đúng, đủ chương trình theo quy định, phân phối của Bộ GD-ĐT lại vừa có kế hoạch ôn tập chuẩn bị cho việc thi TN của HS được diễn ra tốt đẹp, mang lại kết quả tốt nhất cho HS nhưng phải đảm bảo đúng thực chất, nghiêm túc. Đây là một yêu cầu nghiêm khắc đối với nhà trường trước và trong mỗi kì thi. Do đó, việc nâng cao chất lượng học tập của HS khá giỏi phải gắn liền với việc phụ đạo HS yếu kém được các trường quan tâm hàng đầu, áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh. Kiến thức nào còn hụt hẫng phải tìm cách bổ sung kịp thời để các em vững tin bước vào kì thi.
Đối với HS lớp 12, đây quả thực là giai đoạn căng thẳng nhất của các em. Bởi cùng lúc, các em phải tập trung cho rất nhiều việc. Việc học hành thi cử đã vất vả, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn lại chạy vạy cho cuộc mưu sinh, bươn chải kiếm sống và lo chi phí thi cử nên càng thêm đuối sức. Do vậy, áp lực tâm lí đối với các em vô cùng lớn. Nếu các em không nhận được sự quan tâm, chia sẻ, động viên, tư vấn kịp thời và đúng mức từ phía thầy cô, cha mẹ thì rất dễ bị stress. Từ kế hoạch học tập cho đến chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí đều được hướng dẫn, tư vấn cặn kẽ. Báo chí gần đây phản ánh việc nhồi nhét, ép buộc (thậm chí “nhốt” HS trong trường truy bài, dò bài đến nửa đêm; về nhà thì bị phụ huynh “cấm cung” suốt ngày chỉ học và học,…). Trước thực trạng trên, các chuyên gia giáo dục và tư vấn tâm lí, sức khỏe đều khuyến cáo rằng thầy cô và cha mẹ đừng tạo áp lực tâm lí quá lớn khi ép buộc các em phải nhồi nhét quá mức mà quên đi việc nghỉ ngơi, vui chơi hợp lí đối với HS trong giai đoạn này. Các bài viết này trên báo chí cần được các nhà quản lí, giáo viên và cả phụ huynh, HS đọc, suy nghĩ và áp dụng. Thế nhưng, xem ra ở nơi này nơi khác, vấn đề này chưa được chú ý đúng mức. Thử hỏi như thế các em lấy đâu ra sức khỏe để học tập? Tôi hiểu rằng, nhà trường và phụ huynh lo lắng cho các em là chính đáng, nhất là đối với các em thiếu chăm chỉ trong việc học hành. Thế nhưng, nếu không chuẩn bị “dài hơi” mà để khi nước đến chân mới nhảy thì em không kịp và mọi sự ép buộc, nhồi nhét căng thẳng đều vô ích, thậm chí có tác dụng ngược nguy hiểm. Bởi bản thân giáo dục phải đòi hỏi có quá trình, đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Mọi sự nôn nóng, vội vã, nhồi nhét đều không mang lại kết quả mong muốn. Do đó, nhà trường và các bậc cha mẹ cần hết sức lưu ý làm thế nào cho hài hòa giữa học tập, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, phải tạo không khí vui học cho các em.
Tôi cũng cần nhắc lại, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi HS. Mỗi em phải thấy tập trung cao độ cho việc học lúc này là nhiệm vụ, quyền lợi của bản thân. Mỗi em phải nhận thức rõ đây là giai đoạn quan trọng nhất trong 12 năm đèn sách và quyết định tương lai sự nghiệp của bản thân mình. Chỉ có chính mình mới quyết định số phận của mình trong một kì thi chứ không phải ai khác. Một mùa thi có thực sự nghiêm túc và chất lượng hay không phụ thuộc phần lớn vào tinh thần, thái độ học tập và thi cử của mỗi thí sinh. Tôi được biết, nhiều đoàn trường đã phát động phong trào “Học chất lượng, thi nghiêm túc” trong toàn thể HS của trường trước mùa thi cả mấy tháng để nhắc nhở ý thức học thật, thi thật, mang lại kết quả thực sự cho mỗi HS và chỉ có như vậy toàn ngành sẽ có một kết quả trung thực. Chỉ khi nào các em ý thức đầy đủ điều đó để có kế hoạch học tập và sinh hoạt, nghỉ ngơi cho phù hợp mới mong mang lại kết quả tốt.
Nhà giáo Thanh Liêm
Bình luận (0)