Tập trung tối đa cho việc chọn ngành, chọn trường, ôn luyện căng thẳng nhưng chẳng may gặp phải một sự cố trước, trong hoặc thậm chí sau giờ làm bài, thí sinh có thể sẽ phải chia tay với kỳ thi.
Thí sinh đến chỉnh sửa giấy báo thi tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sáng 28-6-2012 – Ảnh: NHƯ HÙNG |
Chiều 27-6, trao đổi với chúng tôi, bạn Lê Thị Hoàng Hoanh, thí sinh dự thi vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong kỳ thi tuyển sinh năm trước, vẫn chưa quên cảm giác bàng hoàng của mình.
“Chết oan” vì điện thoại
Hoanh nhớ lại: “Năm trước, cha con mình từ huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) xuống TP.HCM dự thi ĐH. Hai cha con ở nhà người thân tại huyện Bình Chánh. Sợ trễ giờ nên 4g sáng, cha chở mình bằng xe gắn máy đến Q.5 để dự thi. Đến ngã tư Bảy Hiền (Q.Tân Bình), mình thất thần khi bị một thanh niên chạy xe tay ga giật mất túi xách…”. Hoanh kể tiếp: “Lúc đó mình rất lo lắng, sợ không được dự thi vì chứng minh nhân dân, giấy báo thi, hộ khẩu gia đình, chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, máy tính… đều đã mất. Được hội đồng giải quyết cho thi nhưng gần hết giờ làm bài môn toán, mình mới viết được chữ đầu tiên. Những môn thi kế tiếp mình cũng làm bài không tốt. Các bạn phải cẩn thận, không nên chủ quan để ảnh hưởng đến kỳ thi như mình…”.
Trong khi đó, tại kỳ thi ĐH năm 2009, thí sinh Nguyễn Kiến Cường dự thi vào Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã lỡ kỳ thi do… ngủ quên. Ngay buổi thi môn đầu tiên, vì thức khuya ôn bài đến gần sáng mệt quá nên Cường thiếp đi. Đến khi thức dậy đã 8g nên không được vào thi và đành bỏ lỡ kỳ thi. PGS.TS Nguyễn Đức Minh – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM – cho biết hầu như năm nào trường cũng gặp những trường hợp thí sinh đến trễ thời gian quy định do ngủ quên, kẹt xe, gặp sự cố trên đường đi… và không được dự thi.
Ngoài ra, có những câu chuyện “biết rồi nói mãi” khiến nhiều thí sinh “chết oan” là mang điện thoại di động vào phòng thi. Trong kỳ thi ĐH, CĐ năm 2011, tại Đà Nẵng, một thí sinh bị đình chỉ thi vì điện thoại đổ chuông tin nhắn khi chỉ còn 5 phút nữa là hết giờ làm bài. Đây không phải là trường hợp hiếm. Cách đây vài năm, tại điểm thi của Trường ĐH Lao động xã hội, thí sinh cũng phải ngậm ngùi chia tay kỳ thi vì… cha mẹ đứng ngoài quá sốt ruột. Thí sinh này để điện thoại trong túi quần, giám thị không nhìn thấy. Cha mẹ đứng bên ngoài sốt ruột không biết con làm bài thế nào nên cứ gọi liên tục. Thí sinh này không dám nghe, chỉ dám nhắn tin lại nói cha mẹ đừng gọi nữa. Và khi âm báo tin nhắn vang lên cũng là lúc thí sinh chuẩn bị ký biên bản vi phạm quy chế, bị đình chỉ thi.
Rất nhiều trường hợp khác mang điện thoại trong người, đến khi làm bài xong, chuẩn bị nộp bài mới móc ra báo tin cho người thân. Nhưng chưa kịp báo tin vui thì tin buồn đã đến. Thí sinh phải chấp nhận ký vào biên bản vi phạm quy chế thi và rời khỏi “cuộc chơi”.
Thầy Hữu Thanh, một giám thị coi thi năm trước, cho biết: “Tôi từng lập biên bản một thí sinh mang điện thoại vào phòng thi và tắt máy, sau đó xin đi vệ sinh và rút điện thoại ra trong nhà vệ sinh. Thí sinh này đã bị lập biên bản ngay chỉ vì nghĩ vào nhà vệ sinh thì không ai thấy”.
Chủ quan vi phạm quy chế
Bên cạnh đó, một số trường hợp khác lại vi phạm quy chế một cách… hồn nhiên và bị đình chỉ thi do viết bài vào tay hay mang theo tài liệu dù chưa sử dụng. “Năm nào cũng có chuyện thí sinh mang viết xóa vào phòng thi. Nhất là những bạn nữ, có bạn để quên trong bóp đựng viết, như vậy là vi phạm quy chế thi và sẽ bị đình chỉ thi. Các bạn thí sinh cần chú ý viết xóa không được mang vào phòng thi” – TS Nguyễn Đức Minh nói.
Theo quan sát của chúng tôi, trước cổng trường thi ĐH hằng năm luôn có thí sinh quên giấy tờ thi, máy tính… phải gấp rút chạy về phòng trọ lấy. Tuy vẫn được dự thi nhưng sự cố này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm bài thi của các bạn. Thầy Hữu Thanh – người có nhiều năm làm cán bộ coi thi ĐH, CĐ – nói: “Sự cố mà các thí sinh thường xuyên gặp nhất là quên giấy tờ. Việc quên giấy tờ như giấy báo thi, chứng minh nhân dân tuy có thể giải quyết được (báo với hội đồng thi, nhờ người nhà về lấy) nhưng khiến thí sinh mất thời gian và mất tập trung, ảnh hưởng tâm lý ngay trước giờ thi”.
Theo ông Thanh, trường hợp thí sinh đến trễ tuy vẫn được vào thi, nhưng vội vàng nên tâm lý bị ảnh hưởng ít nhiều. Tương tự, cô Thùy Trang, một giám thị ở kỳ thi ĐH, CĐ năm 2011, cho biết: “Thí sinh không chỉ quên giấy tờ khi đi thi, mà thi xong rất nhiều em bỏ quên giấy tờ ở ngăn bàn hoặc trên bàn, dẫn đến buổi thi kế tiếp không có giấy tờ hoặc phải quay lại hội đồng thi để tìm…”.
HÀ BÌNH – LƯU TRANG
Cần chuẩn bị thật kỹ
Tham gia công tác tổ chức thi tuyển sinh ĐH, CĐ nhiều năm, tôi chứng kiến không ít tình huống dở khóc dở cười. Chuyện thí sinh sau khi hết giờ làm bài, móc điện thoại ra gọi cho người thân và bị đình chỉ thi là chuyện rất thường xảy ra. Tôi nhớ trường hợp đáng thương nhất là một thí sinh nữ do không quen đường sá nên đến điểm thi trễ hơn giờ quy định rất lâu. Khi em đến, các thí sinh khác đã làm bài, cổng hội đồng thi cũng đã đóng chặt. Bảo vệ, cán bộ tham gia tổ chức thi cương quyết không cho em vào. Em khóc lóc van xin. Nhiều phụ huynh đứng bên ngoài cổng trường chậc lưỡi bảo sao các thầy ác thế! Chúng tôi nhìn em rồi nghe phụ huynh trách cũng nao lòng nhưng biết làm sao được. Chúng tôi không thể làm khác được.
Để tránh những tình huống không đáng có ấy, ngoài việc ôn luyện kiến thức, các bạn thí sinh cần chuẩn bị tinh thần, tâm lý thật tốt. Tuyệt đối loại bỏ những thông tin gây nhiễu trong thời điểm này như: đắn đo về chọn trường, tỉ lệ “chọi”…, thậm chí chưa nhận được giấy báo, bị mất phiếu đăng ký dự thi số 2…, trong khi những sự cố này hoàn toàn có thể được chỉnh sửa vào ngày làm thủ tục dự thi và lưu ý mang theo chứng minh nhân dân, phiếu đăng ký dự thi số 2 và những giấy tờ liên quan khác để có thể chỉnh sửa lại thông tin nếu trước đó có sai sót.
Theo TTO
Bình luận (0)