Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Nhiều bất cập trong tuyển sinh liên thông

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh trung cấp liên thông lên ĐH không cần phải thi tuyển, trường đào tạo về xây dựng lại được phép liên kết đào tạo liên thông sư phạm… là những bất cập đang diễn ra, ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo liên thông.

Thông báo tuyển sinh liên thông của một số trường
Thông báo tuyển sinh liên thông của một số trường
Không cần tham gia kỳ thi nào
Quyết định 18/2017 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15.7 quy định người có bằng trung cấp (TC) đăng ký tuyển sinh liên thông lên trình độ ĐH phải tham gia kỳ thi tuyển sinh cùng với thí sinh tốt nghiệp THPT. Thế nhưng hàng loạt trường vẫn thông báo tuyển sinh đối tượng này theo hình thức thi kỳ thi riêng do trường tổ chức, hoặc xét tuyển học bạ.
Chẳng hạn, Trường ĐH Tài chính – Quản trị kinh doanh thông báo thí sinh muốn liên thông từ TC lên ĐH chính quy các ngành quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng và kế toán, sẽ dùng kết quả học tập lớp 12 theo tổ hợp môn xét tuyển, đạt từ 18 điểm trở lên. Điều này quá dễ dàng cho thí sinh khi vừa không phải thi kỳ thi tốt nghiệp THPT và cũng không cần phải thi kỳ thi riêng của trường.
Trong khi đó, Trường TC Mai Linh lại liên kết với Trường ĐH Trà Vinh tổ chức tuyển sinh và đào tạo liên thông từ TC, CĐ lên ĐH ngay tại Trường TC Mai Linh. Đáng nói là trong số 8 ngành, chỉ có 2 ngành điều dưỡng và y tế công cộng là phải thi tuyển theo kỳ thi riêng, các ngành còn lại đều tuyển sinh theo hình thức xét tuyển. Đối với thí sinh TC, trường xét tuyển dựa vào kết quả học tập trong học bạ 2 năm TC.
Trường ĐH Cửu Long thì dự kiến tổ chức thi kỳ thi liên thông từ TC và CĐ lên ĐH vào ngày 28 – 29.10, các ngành kế toán, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh và công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng. Thí sinh tốt nghiệp TC cũng thi 3 môn cơ sở và chuyên ngành giống như thí sinh tốt nghiệp CĐ, chứ không cần tham dự kỳ thi tuyển sinh cùng với thí sinh THPT.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Nguyện, Viện trưởng Viện Phát triển nguồn lực, Trường ĐH Trà Vinh, cho biết: “Trường liên kết với TC Mai Linh để đào tạo trình độ ĐH hệ vừa làm vừa học, theo quy chế đào tạo vừa làm vừa học trình độ ĐH do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 15.3.2017. Do đó trường chỉ xét tuyển. Riêng 2 ngành điều dưỡng và y tế công cộng thì có thi để đảm bảo chất lượng đầu vào”.
Nếu Trường ĐH Trà Vinh liên kết với Trường TC Mai Linh đào tạo vừa học vừa làm, thì trong thông báo tuyển sinh phải ghi rõ là “tuyển sinh ĐH vừa học vừa làm” chứ không phải là “tuyển sinh ĐH liên thông”, vì đối tượng của 2 chương trình này khác nhau. Liên thông ĐH là phải tốt nghiệp trung cấp hay CĐ, có quy định cụ thể về hình thức thi theo Quyết định 18 của Thủ tướng Chính phủ, còn ĐH vừa làm vừa học là chỉ cần tốt nghiệp THPT và có thể xét tuyển. Rõ ràng ở đây, trường đã tổ chức tuyển sinh liên thông theo… quy chế đào tạo vừa làm vừa học.
Liên kết liên thông sư phạm tràn lan
Chỉ trong năm nay, UBND TP.HCM đã có một số kiến nghị gửi Bộ GD-ĐT cho phép các trường CĐ, TC trên địa bàn liên kết đào tạo các ngành liên quan sư phạm.
Trong tháng 4, TP.HCM kiến nghị Bộ chấp thuận cho Trường TC Đông Dương được liên kết đào tạo với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đào tạo liên thông từ TC lên ĐH các ngành sư phạm mầm non và sư phạm tiểu học.
Đến tháng 9, TP tiếp tục kiến nghị Bộ chấp thuận cho Trường CĐ Xây dựng TP.HCM liên kết với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đào tạo liên thông từ TC lên ĐH hệ vừa làm vừa học ngành giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học; văn bằng 2 với ngành quản lý giáo dục và sư phạm toán. UBND TP.HCM cũng kiến nghị cho Trường TC Phương Nam liên kết với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đào tạo liên thông ngành giáo dục mầm non hệ vừa làm vừa học.
Điều đáng nói là Trường CĐ Xây dựng TP.HCM hiện không có ngành đào tạo nào liên quan đến sư phạm. Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Hồng, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết trường đã nhận được văn bản của UBND TP.HCM cho phép về chương trình liên kết này. Tuy nhiên, văn bản này cũng chỉ chấp thuận về mặt chủ trương, còn chương trình liên kết có thực hiện hay không sẽ do trường quyết định dựa trên năng lực giảng dạy cụ thể.
Theo tiến sĩ Hồng, các chương trình liên kết này đều do đơn vị phối hợp (trường CĐ, TC) đề nghị với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thực hiện, các đơn vị này cũng chủ động xin ý kiến UBND TP.HCM. Còn quá trình tuyển sinh, đào tạo, trường sẽ thực hiện theo Thông tư 07 về liên kết đào tạo trình độ ĐH do Bộ GD-ĐT ban hành.

Mỹ Quyên – Hà Ánh/TNO

Bình luận (0)