Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Giao quyền tự chủ cho các trường đại học cần có lộ trình

Tạp Chí Giáo Dục

Trao đổi xung quanh vấn đề giao quyền tự chủ cho các trường đại học. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó trưởng Ban soạn thảo Luật Giáo dục Đại học.
Xin ông cho biết điểm mới của Dự thảo luật giáo dục Đại học? 
Tư tưởng xuyên suốt của Dự thảo Luật lần này là việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH). Trong dự thảo, điều 28 quy định 6 nội dung tự chủ và tự chịu trách nhiệm gồm: Tổ chức và nhân sự; tài chính và tài sản; hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ; hợp tác quốc tế; bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học.  
Quy định quyền tự chủ về chỉ tiêu tuyển sinh và tự thiết kế ngành nghề đào tạo liệu có tạo điều kiện cho các trường chỉ tập trung đào tạo các ngành nghề theo thị hiếu của người học làm mất cân bằng nguồn nhân lực trong tương lai không, thưa ông? 
Bộ sẽ  theo quy hoạch nguồn nhân lực trong cả nước giai đoạn 2011 – 2020 trên tất cả các ngành nghề, địa phương từ đó điều chỉnh các trường có cơ chế tuyển sinh hợp lý. Trước mắt là sẽ xây dựng hệ thống các trường cao đẳng, đại học phù hợp hơn với nhu cầu nguồn nhân lực.
Đơn cử như hiện nay đào tạo các ngành tài chính ngân hàng lệch 1.8 lần so với quy định 121. Trong tương lai, bộ sẽ có cơ chế thu hút thí sinh vào những ngành xã hội cần bằng chế độ học phí, học bổng, hỗ trợ sinh viên.  
Như  vậy việc giao quyền tự  chủ trong việc tuyển sinh cho các trường Đại học cần thực hiện như thế nào? 
Việc tuyển sinh đang được Bộ xem xét thay đổi theo hướng gọn nhẹ và chất lượng nhất, sắp tới Bộ sẽ giao cho các trường tự tuyển sinh. Tất nhiên là các trường phải hội tụ đủ điều kiện, là các trường đại học hàng đầu. Nếu sau một vài kỳ thi tuyển thử mà các trường trong diện thí điểm áp dụng mô hình này tuyển được nguồn sinh viên có chất lượng và được xã hội ủng hộ thì các trường này sẽ là những mô hình mẫu để Bộ dần xem xét đưa vào áp dụng đại trà cho các trường khác trong việc tuyển sinh.
Thực tế hiện nay, việc thành lập trường diễn ra ồ ạt trái ngược với quy mô ngày càng mở rộng là chất lượng ngày càng giảm sút. Ông có suy nghĩ thế nào? 
Trong tương lai, các trường đại học sẽ không thành lập ồ ạt nữa. Thực tế cho thấy, nhiều trường không tuyển được thí sinh, trong khi nhiều thí sinh có mức điểm cao hơn điểm sàn cũng không lựa chọn học tại các trường này. Đó là minh chứng cho thấy chất lượng đào tạo sẽ quyết định lượng thí sinh đầu vào. Do vậy các nhà đầu tư cần cân nhắc quyết định đầu tư mở trường đại học do việc tạo thương hiệu của trường và tạo được niềm tin về chất lượng đào tạo sẽ mất thời gian dài chứ không phải thành lập trường là thu hút ngay được thí sinh.
Chủ  trương của Bộ là chú trọng vào chất lượng đào tạo, do đó sẽ thắt chặt những điều kiện thành lập trường như nguồn vốn đầu tư bao, diện tích đất sử dụng, đội ngũ con người ra sao, quản lý thế nào…Do đó, Dự thảo Luật có quy định tại khoản 3, điều 10 là ưu tiên thành lập các cơ sở giáo dục đại học tư thục có vốn đầu tư lớn, bảo đảm đầy đủ các điều kiện thành lập theo quy định.  
Theo ông, có phải việc thực hiện quyền tự  chủ tại các trường đại học cần có  thời gian kiểm nghiệm không? 
Tất nhiên, giao quyền tự chủ cần đi từng bước một, việc giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục đại học cần có lộ trình thực hiện. Việc thực hiện quyền tự chủ áp dụng không đồng loạt và với mức độ khác nhau nhằm phù hợp năng lực quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục đại học.
Việc giao quyền tự chủ cũng phải xem xét dựa trên thực tế áp dụng, chúng tôi mong rằng khi quyền tự chủ được áp dụng sẽ nâng cao được chất lượng giáo dục đại học, tạo ra nguồn lao động có chất lượng phù hợp xu thế hội nhập. Dự kiến, sắp tới Dự thảo sẽ được đưa ra báo cáo để Quốc hội cho ý kiến vào ngày 2/11 tới và họp Quốc hội lần sau những vấn đề như thế này sẽ được đưa ra thảo luận tại Quốc hội.
Theo Hải Hà
(baodautu)

Bình luận (0)