Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Điểm sàn không hạ, ĐH ngoài công lập chờ “may rủi”

Tạp Chí Giáo Dục

Dù lãnh đạo Bộ GD&ĐT công bố còn hơn 200.000 thí sinh trên điểm sàn không trúng tuyển NV1 nhưng các trường ĐH ngoài công lập vẫn lo lắng cho nguồn tuyển sinh năm nay.
NV1 chưa quá 5 thí sinh trúng tuyển
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn, các trường ĐH ngoài công lập đều tỏ ra khá thất vọng vì yêu cầu của hiệp hội không được Bộ GD&ĐT để ý. Bên cạnh đó, nỗi lo về chỉ tiêu ngày càng tăng khi thời điểm nộp hồ sơ NV2 đang đến gần.
Điểm sàn không hạ, ĐH ngoài công lập chờ "may rủi”
Năm nay, đề thi được đánh giá là khó hơn năm trước trong khi điểm chuẩn vẫn không giảm đã khiến nhiều trường ĐH ngoài công lập khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tuyển sinh (Ảnh: Phạm Thịnh) 

Chiều 10/8, trao đổi với PV ông Văn Bá Thanh, Phó hiệu trưởng trường ĐH Hà Hoa Tiên tỏ ra khá lo lắng: “Cả trường có 1 thí sinh khối A và 2,3 thí sinh khối D đỗ NV1. Rất may, thủ khoa khối A được cộng thêm 1 điểm khu vực nên tổng cộng là 13,5, đủ điểm đỗ vào trường”.
Tuy vẫn chưa đến thời gian đăng ký nộp hồ sơ NV2 nhưng ông Thanh vẫn tỏ ra không lạc quan với tình hình tuyển sinh năm nay. Sau 5 năm tuyển sinh nhưng chưa năm nào nhà trường tuyển đủ chỉ tiêu. Năm ngoái, tổng cả 3 đợt tuyển sinh trường ĐH Hà Hoa Tiên cũng chỉ tuyển được 50 sinh viên, chỉ bằng 1/ tiêu được giao.
Hiện tại, nhà trường đã có 2 khóa học hệ cao đẳng ra trường và đang chuẩn bị học liên thông lên ĐH với những sinh viên có học lực khá. “Dự tính năm nay sẽ có thêm khoảng 40-50 sinh viên liên thông”. Ông Thanh dự tính.
Càng chuẩn bị đến thời điểm thí sinh nộp hồ sơ NV2, trường ĐH Hà Hoa Tiên lại càng tích cực quảng bá thông tin về trường đến tận các vùng quê ở các tỉnh thành nhằm thu hút một số lượng đông đảo thí sinh trên điểm sàn vào học tại trường. “Việc truyền thông hiện nay vẫn chưa cho thấy kết quả cụ thể. Phải đợi thí sinh nộp NV2 như thế nào mới biết những việc làm đó có hiệu quả hay không. Chúng tôi cũng chỉ biết trồng chờ vào may rủi mà không thể tự quyết định được cho mình”. Ông Thanh buồn rầu chia sẻ.
Lo lắng không thể tuyển  được thí sinh cũng là tâm trạng chung của nhiều trường ĐH ngoài công lập. Ông Nguyễn Văn Duy, Trưởng phòng đào tạo ĐH Chu Văn An cho biết, với điểm sàn đã công bố, nhà trường chỉ tuyển được khoảng 80 chỉ tiêu trong 1400 chỉ tiêu mà Bộ giao.
Năm ngoái, nhà trường dù xét tới NV2,3 cũng chỉ đạt 50% chỉ tiêu. Vì vậy, năm nay ĐH Chu Văn An cũng chỉ xét tuyển NV2,3 với điểm bằng mức điểm sàn của Bộ. Theo lãnh đạo nhà trường, “với mức điểm sàn của Bộ nhà trường cũng khó tuyển được đủ chỉ tiêu”.
Bà Lê Thị Thanh Hương, Trưởng phòng đào tạo ĐH Đại Nam cho biết, nhà trường cũng chỉ trông chờ vào NV2,3 vì điểm thi của các thí sinh vào trường cũng không cao. Toàn trường chỉ có 340 có tổng điểm từ 10 trở lên. Vì vậy, ĐH Đại Nam đã công bố điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT đồng thời cũng xét NV2 từ điểm sàn trở lên.
Đối với các trường ở vùng sâu vùng xa, các trường đều đề xuất với Bộ GD&ĐT vận dụng cơ chế tuyển sinh theo điều 33. Tuy nhiên, điều này cũng không phải đơn giản. Ông Trần Mạnh Hùng, phó hiệu trưởng ĐH Bạc Liêu tâm sự: “Với mức điểm sàn, chúng tôi chỉ có 40% thí sinh đỗ NV1, trong 1.000 chỉ tiêu được giao. Trường dành nhiều chỉ tiêu để xét tuyển NV2. Nhưng theo tôi bộ để mức điểm sàn đó là hợp lý, không nên hạ thấp chất lượng xuống. Với ngành khó tuyển cho các trường vận dụng điều 33. Tuy nhiên, vận dụng điều 33 với các ngành nông nghiệp như trường chúng tôi cũng rất khó khăn vì không có nguồn để tuyển”.
Chia sẻ với VTC News, ông Lê Công Huỳnh, hiệu trưởng trường ĐH Thành Tây cho rằng mức điểm sàn của Bộ GD&ĐT không giảm đang đẩy các trường ĐH ngoài công lập “đứng trước nguy cơ tan rã”.
Thực tế tại trường ĐH Thành Tây khi vừa thành lập xong, nhà trường tuyển được 700 sinh viên, năm sau tuyển được 600 sinh viên và năm 2010 tuyển được 400 sinh viên, đến năm nay dự kiến tuyển 200 sinh viên cũng khó.
Thừa thí sinh NV2,3 chỉ là lý thuyết
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga thông báo, nnay có 415.282 thí sinh có điểm thi đại học trên điểm sàn, trong khi đó chỉ tiêu là 266.631. Trong số trên có 206.302 thí sinh trúng tuyển NV1; 208.980 thí sinh có điểm thi trên sàn nhưng trượt NV1.

Điểm sàn không hạ, ĐH ngoài công lập chờ "may rủi”
Lãnh đạo nhiều trường ĐH Ngoài công lập cho rằng, việc Bộ GD&ĐT khẳng định nguồn tuyển NV2 dồi dào chỉ là trên lý thuyết 
"Bộ đã để số lượng thí sinh dư rất nhiều so với chỉ tiêu giao cho các trường. Do vậy, còn lại là vấn đề của các trường tạo sức hút như thế nào với các thí sinh". Ông Ga nhấn mạnh.
Tuy nhiên, không đồng ý với quan điểm này, ông Văn Bá Thanh, phó hiệu trưởng ĐH Hà Hoa Tiên cho rằng: “Đấy chỉ là trên lý thuyết, tuy số thí sinh dồi dào nhưng năm ngoái chúng tôi vẫn khó tuyển. Năm nay, nhiều trường ĐH công lập cũng chỉ lấy điểm chuẩn và điểm xét tuyển NV2 bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT nên các thí sinh sẽ chọn các trường công lập chứ không chọn trường dân lập như chúng tôi. Ngoài ra, nhiều trường công lập còn xin chỉ tiêu ngoài ngân sách nên càng làm nguồn tuyển ngày càng eo hẹp”.
Cũng có cùng chia sẻ như trên, ông Nguyễn Hữu Kiều trưởng phòng đào tạo ĐH Lương Thế Vinh nhận định: “Lãnh đạo Bộ cho rằng còn hơn 200.000 thí sinh trên điểm sàn, chúng tôi vẫn lo vì đó chỉ là mặt lý thuyết, thực tế không phải như vậy”.
Ông Kiều cũng cho biết thêm, trên địa bàn thành phố Nam Định có tới 3 trường đại học công lập và những trường đại học này đều xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ. Ngoài ra, với nhiều thí sinh trên điểm sàn, các em cũng có rất nhiều lựa chọn như việc đi du học hoặc ở nhà đợi năm sau thi lại vào trường ĐH mình ưng ý  và quyết tâm không nộp NV2,3.
Giải pháp của trường ĐH Lương Thế Vinh là xin Bộ GD&ĐT cho chuyển chỉ tiêu sang hệ liên thông, vừa học vừa làm để có thể tuyển được nhiều chỉ tiêu.
Khi trách nhiệm các trường ĐH ngoài công lập đều đẩy về phía Bộ GD&ĐT, thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng nhấn mạnh: Lập trường đại học không đơn giản như thành lập doanh nghiệp. Nếu không đủ uy tín thì khó thu hút được người đến học. Cần phải thay đổi chiến lược đào tạo, lấy uy tín từ từ, phải có quá trình đào tạo như thực hiện đào tạo từ trung cấp lên cao đẳng rồi mới đào tạo đại học.
Để thành lập được một trường đại học ngoài công lập, không biết bao nhiêu tiền của đổ vào, từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng, ký túc xá đến việc thuê các giảng viên giỏi. Nếu Bộ GD&ĐT không có biện pháp hỗ trợ các trường ngoài công lập trong việc tuyển sinh, sẽ không ít trường đứng trước nguy cơ phá sản cũng như chủ trương xã hội hóa bậc học này sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Theo
Phạm Thịnh
(VTC News)

Bình luận (0)