Theo đánh giá của nhiều giáo viên và thí sinh, đợt 2 này, đề thi một số môn khá dài nhưng có tính phân loại cao.
Đề thi có tính phân loại rõ rệt
Mặc dù môn Hóa (môn thi cuối cùng của khối B) được đánh giá "khó nhằn" nhất nhưng thí sinh Đỗ Thị Huế (Bắc Giang, thi vào ĐH Y tế Công cộng Hà Nội) tỏ ra khá tự tin với phần làm bài của mình. Huế cho biết, đề thi Sinh năm nay khá dài và nhiều kiến thức nâng cao quá. Môn Toán có độ khó tương đương đề thi khối A. Môn Hóa có khoảng 7-8 câu khó, hơi đánh đố nên em không làm được.
Thí sinh trước giờ thi môn Toán tại Trường ĐH Công đoàn – Hà Nội. Ảnh: Chí Cường
|
Tiến sỹ Trần Phương, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng cho biết, đề thi Toán các khối A, B, D ra theo đúng định dạng chuẩn kiến thức mà Bộ GD&ĐT ban hành. Ở môn Sinh, Thạc sỹ Võ Quốc Hiển (giảng viên khoa Công nghệ Sinh học – ĐH Phương Đông, Trưởng nhóm Giải đề tuyển sinh đại học 2011 môn Sinh học, khối B của Hệ thống đào tạo CNTT Bách khoa Aptech và Bách khoa N-Power) nhận xét: "Đề thi ĐH năm nay bám sát chương trình chuẩn và nâng cao, có câu hỏi phân loại thí sinh rõ rệt. Hầu hết các câu trắc nghiệm có độ chính xác. Phần bài tập chiếm tỉ lệ cao, khó và dài nên tốc độ tư duy của thí sinh phải cao và kỹ năng tính toán phải rất thành thạo thì mới có thể giải quyết hết".
"Đề thi rất tốt, đặc biệt đề khối C" là nhận xét chung của thầy giáo Nguyễn Quang Ninh, giảng viên Ngữ văn (ĐH Sư phạm Hà Nội). Theo đó, đề vừa nằm trong chương trình cơ bản, vừa có không gian đo tư duy, cảm thụ của học sinh khá, giỏi. Trong khi đó, đề thi môn Anh văn được một số thí sinh đánh giá khá dài, có nhiều bài đọc hiểu khiến các em mất thời gian.
Ít 9-10, nhiều 3-4?
Theo báo cáo nhanh của Bộ GD&ĐT vào trưa 10/7, trong đợt thi thứ 2, có 203 thí sinh vi phạm Quy chế bị kỷ luật gồm 36 trường hợp xử lý ở mức khiển trách, 7 trường hợp bị cảnh cáo và có 160 trường hợp bị đình chỉ thi. Trong số thí sinh bị đình chỉ thi có 56 trường hợp mang điện thoại di động vào phòng thi. Trong 3 buổi thi của đợt 2, có 2 cán bộ coi thi bị xử lí, trong đó có một người bị cảnh cáo và một người bị đình chỉ làm công tác thi.
|
Ở khối C, theo nhiều thí sinh, đề thi khá "dễ thở" nên các em có tâm lý thoải mái. Thí sinh Nguyễn Thị Huyền (Hòa Bình, thi vào ĐH Luật Hà Nội) cho biết, mặc dù học tốt Văn hơn nhưng câu cuối em làm không kịp thời gian. Vì thế, em hy vọng môn Địa lý sẽ giúp mình gỡ điểm vì đề không quá khó, không đánh đố. Kiến thức trong đề Địa lý đều nằm ở chương trình phổ thông. Tương tự, đề Sử cũng có kiến thức rất sát với chương trình lớp 12.
Thí sinh Mai Hương (dự thi vào ĐH Hà Nội cho biết), em làm xong bài nhưng do khá dài nên một số câu đánh dấu vội vàng theo cảm tính. Khi ra khỏi phòng thi, bình tĩnh xem xét lại thì Hương hy vọng mình đạt được khoảng 7-8 điểm cho bài thi môn Ngoại ngữ. Còn theo thí sinh Đỗ Thị Huế, so với đề thi khối A, đề khối B năm nay dễ hơn. Trung bình cả 3 môn thi khối B, Huế làm được khoảng 70 – 80%. Em hy vọng mình sẽ thi đậu vào ĐH Y tế Công cộng Hà Nội.
Tiến sỹ Trần Phương nhận xét, đề khối B và D không có câu hỏi khó như câu 5 của khối A nên tỷ lệ TS đạt điểm 9 – 10 môn Toán của đợt 2 sẽ cao hơn khối A.Với đề Sinh, theo Thạc sỹ Võ Quốc Hiển, do phải tốn khá nhiều thời gian vào việc giải bài tập nên tỷ lệ các bài đạt điểm 9 – 10 sẽ thấp (dự kiến chỉ đạt 0,5%). Số thí sinh đạt điểm 7 – 8 cũng không nhiều (dự kiến đạt 25%). Số bài thi đạt điểm 5 – 6 sẽ khoảng 19,5%. Bài điểm 3 – 4 sẽ khá nhiều (dự kiến 40%). Khoảng 15% còn lại là bài thi đạt điểm kém.
Bộ GD&ĐT cho biết, so với đợt thi đầu tiên và so với năm 2010, tỷ lệ thí sinh dự thi đợt 2 đều cao hơn. Công tác coi thi trong đợt này tiếp tục được tăng cường, kỷ luật trường thi tiếp tục được siết chặt. Đề thi được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu. Nội dung đề thi nằm trong chương trình phổ thông trung học, chủ yếu là lớp 12, không có hiện tượng nhầm mã đề thi môn thi trắc nghiệm. Tại các thành phố lớn không có hiện tượng thí sinh đến muộn do ùn tắc giao thông…
|
Theo H.Dũng- P.Minh
(GiadinhNet)
Bình luận (0)