Cùng với kết quả điểm thi môn sử thấp, cách đây ít lâu cũng nổi bật hiện tượng là ban C của trung học phổ thông bị bỏ trống vì học sinh không chọn. Điều đó phản ánh sự yếu kém nói chung về khoa học xã hội và nhân văn ở nước ta tại mọi cấp đào tạo và nghiên cứu, mà một chuyên gia trong lĩnh vực đó đã gọi là “báo động đỏ”.
Rất tiếc là Nhà nước dường như chưa cảm nhận được mối nguy hiểm của tình trạng đó đối với nền giáo dục nói riêng và nền tảng văn hóa của dân tộc nói chung. Chẳng hạn, khi tập trung những khoản đầu tư lớn vào các chương trình tiên tiến ở bậc đại học và vào các trường đại học mới, hi vọng đạt “đẳng cấp thế giới” thì các ngành khoa học xã hội và nhân văn dường như bị bỏ quên.
Thí sinh dự thi khối C vào Trường đại học KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) làm thủ tục thi môn sử – Ảnh: Như Hùng |
Khía cạnh quan trọng khác là việc ra đề thi. Một kỳ thi mà mục tiêu là cung cấp kết quả cho mọi trường đại học sử dụng để tuyển sinh theo các trình độ khác nhau thì dải điểm thi phải trải rộng, nói theo ngôn ngữ chuyên môn thì đồ thị phân bố điểm thi phải có dạng hình chuông trải rộng và đối xứng.
Khi bắt đầu kỳ thi “3 chung” vào năm 2003, báo Tuổi Trẻ (4-9-2003) đã công bố các đồ thị phân bố điểm thi tổng cộng có đỉnh cực đại ở điểm 3 (trên dải 30 điểm) và thống kê số học sinh đạt điểm tổng cộng trên 15 trung bình chỉ có 13%. Lúc đó công luận đã chê bai rất nhiều về chất lượng giáo dục phổ thông.
Mấy năm sau đó, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cố chỉ đạo ra đề thật “dễ” để đẩy cực đại về phía điểm cao, và vào năm 2005 riêng môn sử đã đẩy cực đại về phía khoảng điểm 8, thì dư luận lại có ý kiến. Với điểm sử năm nay chắc là số liệu thống kê sẽ cho cực đại ở khoảng điểm 2.
Tại sao có tình trạng đó? Vì bộ phận ra đề đã không sử dụng công nghệ đo lường trong giáo dục để ra đề thi nên kỳ thi luôn bị rủi ro về chất lượng. Nếu sử dụng công nghệ, có thể điều khiển được việc làm đề thi sao cho phân bố điểm thi có dạng hình chuông đối xứng trải rộng.
Một số người thoạt nhìn đề sử năm nay khen là đề hay. Tuy nhiên, nếu chất lượng kỳ thi bằng trắc nghiệm phụ thuộc chủ yếu vào đề thi, thì chất lượng kỳ thi bằng tự luận phụ thuộc chủ yếu vào việc chấm điểm. Mà với thang điểm quy định kiểu đếm ý tính điểm một cách cứng nhắc như vừa rồi thì mặc nhiên một đề kiểu tự luận hay đã được biến thành một đề kiểu trắc nghiệm tồi!
Khi điểm thi phân bố lệch về phía điểm thấp, nhiều trường đại học sẽ rất khó tuyển sinh theo điểm sàn chung cứng nhắc. Với nền đại học đại chúng hiện nay, tổ chức một kỳ thi chung cho mọi trường đại học lấy kết quả để xét tuyển là hợp lý. Tuy nhiên việc xét tuyển là quyền tự chủ của trường đại học, Bộ GD-ĐT nên bỏ quy định về điểm sàn.
Chính vì thấy sự cần thiết phải nâng cao chất lượng kỳ thi tuyển sinh, nghị quyết 14 của Chính phủ về đổi mới giáo dục đại học 2006-2020 đã khẳng định cần “cải tiến thi tuyển sinh ĐH theo hướng áp dụng công nghệ đo lường giáo dục hiện đại…”. Nhiều nhà giáo dục tâm huyết đã nhiều lần góp ý với Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, cơ quan của Bộ GD-ĐT chuyên trách về việc này, về việc nên sử dụng đúng công nghệ ra đề thi, nhưng những ý kiến này đã không được lắng nghe.
Kết quả là gần một thập niên qua cục vẫn giẫm chân tại chỗ về công nghệ làm đề thi. Chúng tôi mong những người lãnh đạo mới của Bộ GD-ĐT và Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục cố gắng giải quyết bài toán về thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học một cách cơ bản hơn, trên cơ sở những tính toán từ góc độ xã hội và công nghệ, và nên dựa vào trí tuệ của nhiều chuyên gia giáo dục trong cả nước.
THeo TTCT
Bình luận (0)