Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Đáng khích lệ

Tạp Chí Giáo Dục

Trước và sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn cho kỳ thi ĐH, CĐ 2011, nhiều trường tốp trên đã công bố sẽ tuyển nguyện vọng (NV) 1B đối với thí sinh dự thi vào trường nhưng không trúng tuyển ở ngành đăng ký dự thi. Việc xét tuyển NV 1B được thực hiện trên cơ sở NV của thí sinh, nhà trường sẽ chuyển thí sinh này sang một ngành khác của trường có cùng khối thi còn chỉ tiêu và có điểm chuẩn thấp hơn. 
Không nói là tuyển NV 1B nhưng một số trường tuyển theo kiểu linh hoạt khác. Chẳng hạn như hướng dẫn thí sinh điền vào “Phiếu đăng ký NV bổ sung” trong giấy báo thi và nộp lại cho trường khi dự thi để trong trường hợp không đạt NV1 sẽ được tự động xét tuyển theo những NV đăng ký bổ sung một nhóm ngành khác có điểm chuẩn thấp hơn. Lại có những trường đưa ra hình thức khi thí sinh không trúng tuyển vào ngành đã đăng ký, đến ngày làm thủ tục nhập học sẽ được phát phiếu để đăng ký 3 NV. Dựa vào phiếu này, nhà trường sẽ sắp xếp thí sinh vào ngành học khác theo thứ tự ưu tiên xét thí sinh có điểm từ cao xuống thấp đến hết chỉ tiêu. Nếu đã đăng ký cả ba NV nhưng vẫn không trúng tuyển vào ngành, nhà trường sẽ tự sắp xếp thí sinh vào một ngành học bất kỳ còn chỉ tiêu.
Dù là NV 1B hay cách nào thì những hình thức nói trên cũng đều có chung một mục đích giữ chân thí sinh, đặc biệt là thí sinh điểm cao, thí sinh “suýt” đậu NV1 ở lại với trường. Nhiều người đang lên tiếng phản ứng việc làm này vì cho rằng làm như vậy là ảnh hưởng rất lớn đến nguồn tuyển các trường tốp dưới và đặc biệt là các trường ngoài công lập, vì nếu các trường tốp trên thả số thí sinh này ra thì có thể chia sẻ được nguồn tuyển với những trường thuộc tốp dưới.
Nhưng suy cho cùng, việc các trường tìm cách hút thí sinh hay giữ chân sinh viên thì nên đáng khích lệ mới đúng. Bởi trường ĐH dù là công lập, tốp trên hay tốp nào đi nữa thì cũng phải có thí sinh để đào tạo và việc có nhiều thí sinh để đào tạo không chỉ đơn thuần giải quyết đầu vào mà còn là chuyện của thương hiệu. Không ít các trường ĐH vốn có thương hiệu, được bao cấp nhiều khoản nên một thời gian dài đã không cần phải chen chân trong những cuộc đua tuyển sinh. Nay tình thế đã khác. Nhiều trường và nhiều hình thức đào tạo mới đã được xã hội chấp nhận khiến các trường ĐH, dù lớn đến mấy, cũng phải tự nhìn lại mình.  Và đương nhiên, nếu chỉ ngồi yên theo kiểu tuyển sinh của thời bao cấp, chắc chắn khó có đủ nguồn tuyển. Vậy nên những năm gần đây, không chỉ các trường tốp dưới mà  các trường ĐH tốp trên cũng đã xuất hiện nhiều hơn trong các đợt tiếp cận để đưa thông tin tuyển sinh đến với học sinh THPT. 
Tuyển sinh luôn không thể là “chiếc bánh” để chia cho mỗi trường một miếng. Các trường học cũng như doanh nghiệp giữa cơ chế thị trường phải biết hoàn thiện mình, nâng cao thương hiệu bằng chính chất lượng và uy tín. Thí sinh luôn biết lượng sức để thi vào tốp trường nào để dễ đậu. Vì thế, dù là trường tốp dưới cũng không phải là không có nguồn tuyển nếu đáp ứng được về chất lượng đào tạo.
Theo Xuân Thành
(nld)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)