Không chỉ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, mà tại rất nhiều thành phố ở những địa phương khác trong cả nước tuyển sinh đầu cấp (lớp 1, lớp 6, lớp 10) đang làm đau đầu những người trong cuộc. Ngay từ đầu tháng 5, những chuyện chọn trường, chạy trường… đã sôi động và khi thời hạn tuyển sinh đến càng gần (ngày 1-7) thì cuộc chạy đua càng trở nên quyết liệt.
Khốn khổ vì… trường điểm
Năm học này trường tiểu học nơi chị dâu tôi làm việc được xây dựng mới và đạt đủ tiêu chuẩn của trường chuẩn cấp Quốc gia đã trở thành tâm điểm thu hút của rất nhiều gia đình ở quận Hoàng Mai trong cuộc chạy đua vào lớp 1.
Nỗi khổ cũng bắt đầu từ đây. Khi năm học cũ chưa kết thúc số lượng học sinh mới đăng kí vào lớp 1 tại trường đã tăng gấp đôi năm cũ…
Chị tôi bảo: “Những năm trước khi cơ sở vật chất của trường còn hạn hẹp, số học sinh mỗi năm cũng khiêm tốn, nhiều gia đình sinh sống trên địa bàn đã cho con đi học ở nơi khác vì trường chúng tôi không được khang trang… Còn bây giờ, khi đã trở thành trường chuẩn, học sinh lại kéo đến ùn ùn. Vẫn ngôi trường tên như vậy, vẫn đội ngũ giáo viên cũ, có khác chăng là phòng học quy mô, sân trường rộng hơn trước… Và thế là thời gian nghỉ hè của giáo viên bị thu bớt lại vì phải cùng ban giám hiệu nhà trường lo việc tuyển sinh, dạy thêm câu lạc bộ hè (theo yêu cầu của phụ huynh). Nhiều bạn bè trước đây nghe danh trường cũng đến nhờ xin cho con, cháu…vào học, không nhận lời họ thì mang tiếng…mà nhận lời thì phải làm sao…? Đúng là khốn khổ vì… trường điểm”.
Là hiệu trưởng của một trường tiểu học ở thành phố Yên Bái, cách thủ đô những 200 cây số, nhưng nhiều năm qua anh bạn tôi đã mất ăn mất ngủ vì chuyện tuyển sinh lớp 1. Chị vợ anh than: “Mùa tuyển sinh là thời gian cả gia đình tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Điện thoại reo không ngừng, nhà riêng nhưng cứ người khách này ra lại có khách khác đến…Thế là từ 19 giờ 30 bất đắc dĩ phải ngắt chuông và khóa cổng. Ngay cả người thân trong gia đình, nếu cần gặp nhau cũng phải nhắn tin hẹn từ trước. Khác với cách ứng xử ở những nơi văn minh, nhiều phụ huynh địa phương là dân chợ búa còn chửi thề, đe dọa… nếu không nhận… vào học thì “chết với ông!” Xung quanh có nhiều trường tiểu học, có những trường năm nào cũng thiếu học sinh, nhưng đa phần phụ huynh lại muốn cho con vào trường nơi chồng tôi dạy, vì thế có năm đã phải mở đến 9 lớp 1.”
Người trong cuộc nói gì?
Thực tế hiện nay cho thấy, không ít phụ huynh nhìn nhận cơ sở vật chất nhà trường là tiêu chí đầu tiên để họ gửi gắm con em mình vào học. Có trường cũng nhờ cơ sở vật chất tốt mà có nhiều cơ hội lựa chọn nhiều học sinh khá giỏi. Cô D giáo viên một trường THCS ở Hà Nội cho biết: “Trường mình là một trong những công trình mới được xây dựng nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và từ đó đến nay nhà trường đã thu hút được rất đông số lượng học sinh khá giỏi. Khi cơ sở vật chất nhà trường có hạn, nhà trường chỉ nhận học sinh tại địa bàn phường mình học sinh có lực học trung bình cũng nhận. Hiện nay, trường mới khang trang nhà trường đã tuyển sinh cả những học sinh khá giỏi của phường khác, đó chính là cơ hội để trường chúng tôi nâng cao chất lượng giáo dục…
Thậm chí nhiều học sinh lực học giỏi đang theo học tại những trường có tiếng ở khu vực trung tâm đã được gia đình xin chuyển về học tại trường chúng tôi.
Bản thân tôi đã từng trò chuyện với những học sinh cuối cấp của mình và nhiều em đã chia sẻ: bố mẹ em đã chọn trường và em thì không muốn học ở đó, giá mà vẫn được cùng học với các bạn trong lớp của mình thì tốt biết bao…
Như thế có thể nhìn nhận rằng, việc chạy đua vào các trường hiện nay một phần xuất phát từ bản thân các phụ huynh, vì tham vọng của chính họ đối với con đường tương lai của con em mình. Cũng chính vì thế mà có gia đình sẵn sàng bỏ ra từ vài triệu đến vài chục triệu (như báo chí nói) để lo cho con được học ở ngôi trường danh tiếng nào đó.
Chẳng hiểu các bậc phụ huynh nghĩ gì, riêng tôi thấy điều đó thật là… phản giáo dục!”
Theo Hương Trần
(NDĐT)
Bình luận (0)