Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thiếu giáo viên: Dự kiến cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo đó, Nghị quyết này quy định việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng đề nghị một số môn học, bao gồm: Lịch sử và Địa lí, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Ngoại ngữ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học và THCS.

Thiếu giáo viên: Dự kiến cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng ảnh 1

Thiếu giáo viên tiếng Anh ở bậc Tiểu học, tỉnh Yên Bái đưa ra giải pháp đưa giáo viên đi biệt phái từ vùng thuận lợi đến giảng dạy ở vùng khó khăn trong thời gian 1 năm. Ảnh: TM

Các địa phương đang thiếu giáo viên, có biên chế được tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để trở thành giáo viên một số môn học như sau:

Tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng thuộc ngành đào tạo giáo viên về Địa lí hoặc Lịch sử hoặc ngành ghép các môn trong đó có môn Địa lí hoặc Lịch sử để dạy môn Lịch sử và Địa lí. Trường hợp có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành phù hợp thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên THCS theo chương trình do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành.

Tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng ngành đào tạo giáo viên về Kĩ thuật công nghiệp hoặc Kĩ thuật nông nghiệp hoặc ngành ghép các môn trong đó có môn Kĩ thuật công nghiệp hoặc Kĩ thuật nông nghiệp để dạy môn Công nghệ cấp THCS. Trường hợp có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành phù hợp thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên THCS theo quy định.

Tương tự các môn như Tin học và Công nghệ cấp Tiểu học, môn Tin học cấp THCS; môn Khoa học Tự nhiên; môn Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật; môn tiếng Anh.

Theo Bộ GD&ĐT, tình trạng thừa thiếu giáo viên diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, đặc biệt là các môn tích hợp ( Lịch sử và Địa lí, Khoa học Tự nhiên), một số môn đặc thù (tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật) nhưng chậm được khắc phục do nhiều nguyên nhân. Đa số các trường THCS chưa có giáo viên môn Nghệ thuật để học sinh lựa chọn môn học theo quy định trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2022 – 2023.

Số lượng giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật ở cấp THCS có trình độ đại học trở lên vẫn chưa đủ để bố trí giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông. Công tác đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học đối với các ngành sư phạm Lịch sử – Địa lí, Khoa học Tự nhiên, sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mĩ thuật chưa kịp để đáp ứng nguồn giáo viên cho công tác tuyển dụng.

Dự báo đến năm học 2024 – 2025, cấp Tiểu học còn thiếu trên 6.600 giáo viên Tin học và trên 5.700 giáo viên ngoại ngữ; cấp THCS môn Công nghệ thiếu trên 11.500 giáo viên, môn Khoa học tự nhiên thiếu gần 2.400 giáo viên; môn Nghệ thuật thiếu trên 4.300 giáo viên.

Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp số liệu thừa, thiếu giáo viên và đề xuất Chính phủ bổ sung giáo viên mầm non, phổ thông theo lộ trình đến năm 2026. Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022 – 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập, năm học 2023 – 2024 giao bổ sung 27.860 biên chế.

Trong khi đó, Luật Giáo dục 2019 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo: có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên Tiểu học, THCS, THPT. Như vậy, chỉ có giáo viên mầm non thì trình độ có thể từ cao đẳng trở lên. Cũng từ năm 2019 đến nay, các trường cao đẳng sư phạm chỉ được đào tạo mã ngành giáo dục mầm non. Tuy nhiên, do tình trạng thiếu giáo viên ở một số môn học mới nên mới có Dự thảo hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 này.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Bình luận (0)