Đổi mới phương pháp giảng dạy là yêu cầu tất yếu trong quá trình dạy học nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, nếu còn vướng nhiều khó khăn thì việc đổi mới vẫn khó đạt được mục đích như mong muốn, trong đó có việc giảng dạy môn văn – tiếng Việt.
Do học theo kiểu thầy đọc – trò chép nên nhiều học sinh hiện chưa hình thành được thói quen tự học, tự nghiên cứu (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi |
Giáo viên trong quá trình giảng dạy không chỉ đơn thuần chỉ truyền thụ kiến thức mà còn phải biết phát huy tính tích cực, khả năng tự học, sáng tạo của học sinh. Thế nhưng, khi đứng trên bục giảng không phải ai cũng làm được điều này.
Không giống với các môn học khác, đặc trưng của việc dạy và học văn – tiếng Việt chính là dạy cái hay, cái đẹp của văn chương, giúp học sinh tiếp thu, cảm thụ, sáng tạo, phát huy và khơi dậy những xúc cảm của từng cá nhân; đồng thời làm giàu thêm vốn hiểu biết và tăng vốn kiến thức về ngôn ngữ tiếng Việt, biết cách vận dụng một cách linh hoạt, chính xác ngôn ngữ tiếng Việt trong giao tiếp, làm việc và học tập hàng ngày… Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc dạy và học văn – tiếng Việt ở các trường phổ thông hiện nay chưa thực sự phát huy hết tính hiệu quả của nó, do đó đòi hỏi cần phải có một phương pháp giảng dạy phù hợp.
Ở đây, chúng tôi chỉ đơn thuần trình bày những điều rất cụ thể được rút ra từ thực tiễn nhằm thay đổi, chuyển biến những lối mòn trong dạy và học văn – tiếng Việt, vực dậy cảm xúc hứng thú, tinh thần chủ động, sáng tạo, tích cực của người học. Thuận lợi trước hết là về đội ngũ giáo viên. Hiện nay giáo viên được đào tạo bài bản, có hệ thống, có trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm, kế thừa thế hệ đi trước những kinh nghiệm giảng dạy; đồng thời tiếp thu và thể nghiệm những phương pháp giảng dạy tiên tiến, hiện đại của các quốc gia trên thế giới. Không giống như trước đây, học sinh hiện nay có được một nền tảng căn bản về kiến thức văn – tiếng Việt. Bên cạnh đó hệ thống giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, các phương tiện nghiên cứu, giảng dạy, cơ sở vật chất… ngày càng đa dạng và phong phú. Việc đầu tư kinh phí, trang bị, bổ sung nguồn tài liệu hàng năm được quan tâm, chú trọng. Giáo viên có thể đề xuất nguồn tài liệu phục vụ cho việc giảng dạy và học tập; người học có thể tiếp cận, tìm kiếm tài liệu thông qua cổng thông tin điện tử của thư viện nhà trường… Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận giáo viên ngại thay đổi phương pháp giảng dạy. Theo thói quen, họ chỉ giảng dạy theo kiểu thuyết trình, tương tác một chiều. Nếu có sự thay đổi thì điều này thực sự đòi hỏi người giáo viên phải tâm huyết với nghề, bỏ ra nhiều thời gian đầu tư cho bài giảng.
Thói quen chú trọng vào ghi chép những kiến thức của giáo viên làm cho người học không quan tâm đến những vấn đề gợi mở mà thầy cô đặt ra. Từ đó các em chưa mạnh dạn và rất ngại việc trình bày quan điểm, ý kiến của bản thân trước thầy cô và bạn bè. |
Đối với người học, do được đào tạo theo một khuôn mẫu “thầy đọc – trò chép” nên chưa hình thành được thói quen tự học, tự nghiên cứu, tìm cho mình một phương pháp học thích hợp. Thói quen chú trọng vào ghi chép những kiến thức của giáo viên làm cho người học không quan tâm đến những vấn đề gợi mở mà thầy cô đặt ra. Từ đó các em chưa mạnh dạn và rất ngại việc trình bày quan điểm, ý kiến của bản thân trước thầy cô và bạn bè. Ngoài ra, đa số học sinh vẫn còn lúng túng khi tiếp cận với nguồn tài liệu tham khảo đa dạng và phong phú; chưa quan tâm đúng tầm đối với việc tham khảo tài liệu trong việc tự học, tự nghiên cứu trong suốt quá trình học tập.
Cuối cùng là việc kiểm tra, đánh giá kết quả của học sinh. Có thể nói hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh hiện nay so với trước đây không có gì thay đổi đáng kể, chưa thực sự khuyến khích các em trau dồi khả năng tư duy độc lập và sáng tạo của mình. Hầu hết các bài kiểm tra, bài thi chủ yếu đánh giá khả năng thuộc bài “nhớ sao nói vậy”, điều này dẫn đến việc các em học tủ, học vẹt. Học sinh sau khi học xong thì kiến thức trả lại hết cho giáo viên theo kiểu “chữ thầy trả hết cho thầy”…
Có thể nói, chỉ khi nào khắc phục được những mặt yếu kém trên thì may ra mới vực dậy được chất lượng giáo dục, trong đó có môn văn – tiếng Việt.
Nguyễn Như Bình
(Trường ĐH Văn hóa TP.HCM)
Bình luận (0)