Với những trường hợp bị nhiễm HIV thì gia đình là một phương thuốc hữu hiệu cứu người bệnh thoát khỏi vực thẳm của bi kịch.Tuy nhiên, có rất nhiều bệnh nhân HIV bị gia đình ruồng rẫy, bỏ mặc…
Xã hội xa lánh, gia đình chối bỏ!
Cũng như những thiếu nữ cùng xóm, Mai được lớn lên trong mái ấm gia đình với tình yêu thương của mẹ cha. Từ nhỏ, đi đâu Mai cũng được ba mẹ đưa đón chu đáo. Học hết lớp 12, Mai cặp với một anh chàng con nhà giàu, ham chơi và có “tiền sử” về nghiện chích ma túy. Sau một lần “lỡ dại”, bụng Mai càng ngày càng lớn dần. Đi khám bác sĩ, bên cạnh kết quả có thai, Mai còn “nhận” được “kết quả” bị nhiễm HIV! Biết chuyện, ba mẹ Mai chết lặng. Phần vì sợ lây bệnh, phần vì sợ ảnh hưởng đến uy tín của gia đình, ba mẹ Mai quyết định gửi con gái vào một mái ấm ở quận Tân Bình. Ngày Mai sinh con, ba mẹ có đến thăm nhưng không dám ẵm cháu, chỉ đứng nhìn từ xa, cũng không có ý định đón con và cháu về nhà. Hàng xóm thấy vắng bóng Mai nên hỏi thăm thì ba mẹ cô giải thích: “Nó đi du học rồi. Học xong chắc nó ở bên đó luôn…”. Tủi thân, sau hơn 3 tháng ở mái ấm, Mai ẵm con theo bạn trai thuê phòng trọ sống riêng. Ban ngày Mai trông con để chồng đi phụ hồ, ban đêm làm gái đứng đường để kiếm thêm thu nhập…
Cha mẹ đều mất vì AIDS, hai anh em Hoàng không nhận được một sự giúp đỡ nào của họ hàng. Đứa em may mắn được nhận vào tá túc ở một dòng tu nữ. Còn Hoàng sống lang thang với nhóm bạn ven đường. Ban ngày đi lượm ve chai, tối đến Hoàng lao vào nhậu nhẹt, hút chích. Lúc có tiền thì chích riêng, không có tiền thì chích chung với bạn. Trong nhóm bạn, Hoàng có tình cảm đặc biệt với Na. Ba mẹ Na ly dị, đều có gia đình khác, nên cô bé chán nản trốn nhà đi bụi. Trong nhiều năm, cả hai lấy ghế đá công viên làm “mái ấm” để “sống chung”. Trong một lần nằm co ro ở công viên vì mưa lạnh, họ được một bác sĩ đưa về một mái ấm. Xét nghiệm HIV, cả hai đều đang ở giai đoạn cuối. Những giây phút cuối cùng trên giường bệnh, họ chỉ ao ước được trở về nhà và được người thân tha thứ. Vị bác sĩ đã cố công liên lạc với gia đình hai bên nhưng đều vô vọng. Bà ngoại Hoàng ái ngại khi thấy thân thể đứa cháu lở loét, da dẻ xám ngoét. Bà bảo với vị bác sĩ như để trốn tránh trách nhiệm: “Thôi, đã lỡ rồi thì để nó ở đó luôn, chứ đưa về nhà bây giờ chật chội lắm, đám tang hết bao nhiêu tiền, gia đình tôi xin lo liệu hết”. Ba mẹ Na thì biện minh rằng họ đều phải lo cho gia đình riêng, rằng họ “chưa bao giờ đẻ ra đứa con bị nhiễm HIV/AIDS”.
Cần lắm những tấm lòng…
Biết người yêu bị nhiễm HIV, nhưng vì bản chất nhân hậu, Minh vẫn chấp nhận tiến tới hôn nhân. Để bù đắp cho con dâu, cả gia đình chồng quan tâm từng miếng ăn giấc ngủ của Minh. Gia đình còn sắm cho vợ chồng cô một tiệm tạp hóa để kiếm kế sinh nhai. Chính nhờ sự trợ giúp hết mình của gia đình, ngoài việc buôn bán ở nhà, vợ chồng Minh còn tích cực tham gia nhóm bạn giúp bạn để chăm sóc những người cùng cảnh ngộ như mình. Chỉ có điều Minh còn băn khoăn chưa dám cho mẹ ruột biết rõ bệnh tình của hai vợ chồng vì mẹ cô đã quá già. Minh nghẹn ngào: “Nhà chỉ có hai mẹ con, em chỉ sợ em chết trước mẹ thì đâu còn ai chăm sóc cho mẹ nữa”.
Nhận được kết quả HIV dương tính trong đợt khám tuyển nghĩa vụ quân sự, tuyệt vọng, Vinh bỏ nhà ra sống lang thang ở công viên. Nhưng không chịu nổi cảnh khổ sở vì đói ăn thiếu mặc, phải đi cướp giật mới có tiền ăn uống, Vinh về nhà quỳ gối xin bố mẹ tha thứ. Kể từ khi Vinh trở về nhà, quán hủ tíu của ba mẹ Vinh khách khứa vắng ngắt. Hàng xóm hay tin không dám qua chơi… Chấp nhận sự thật, ba Vinh bỏ nghề nấu hủ tíu đi chạy xe ôm, mẹ Vinh chuyển qua nghề bán hủ tíu gõ để đứa con trai được sống trong vòng tay yêu thương của gia đình.
Con đường trở về với gia đình của những người nhiễm HIV quả thật không đơn giản. Có những người muốn trở về nhưng không được đón nhận. Có những người đã được trở về, thì gia đình phải trả giá bằng ánh mắt kỳ thị của bà con xóm giềng… Người bệnh HIV có giảm được một phần hay là bị nhân lên nhiều lần nỗi đau đớn cùng cực của căn bệnh hiểm nghèo HIV, còn phụ thuộc rất nhiều vào gia đình của họ…
Bích Vân
Bình luận (0)