Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tỉnh Bình Phước nhận chăm nuôi bé Hảo

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Trần Hữu Quyền: Trong 30 năm công tác, tôi chưa thấy vụ bạo hành nào nghiêm trọng như thế.Dù nhiều cá nhân hảo tâm muốn nhận cháu Hảo về làm con nuôi, nhưng lãnh đạo tỉnh Bình Phước muốn để cháu được chăm sóc và nuôi dưỡng tại tỉnh nhà. Sau khi ra viện, bé Hảo sẽ được nuôi dưỡng tại Trung tâm nuôi dưỡng người già – trẻ mồ côi của tỉnh.

 

> “Mẹ” bé Hảo khai nhận hành vi tàn độc

> Sự đớn đau của cháu bé bị cắt gân chân tay

Thông tin trên được ông Trần Hữu Quyền, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Bình Phước cho biết khi trao đổi cùng PV quanh vụ việc cháu Nguyễn Thị Hảo bị mẹ đánh đập, hành hạ dã man trong một thời gian dài.

Cháu Hảo sẽ được chăm nuôi tại tỉnh

Trước vụ việc cháu Nguyễn Thị Hảo bị mẹ đánh đập dã man, với vai trò là lãnh đạo của Sở LĐTB-XH phụ trách Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, ông cảm thấy thế nào?

Cá nhân tôi vô cùng bức xúc khi nghe thông tin đứa trẻ bị hành hạ, đánh dập một cách dã man thế này. Trong 30 năm công tác, tôi chưa thấy vụ bạo hành nào nghiêm trọng như thế này tại địa phương. Nhận thấy đây là vụ xâm hại trẻ em nghiêm trọng, Sở đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành điều tra và sẽ xử lý nghiêm vụ này.

Sở và lãnh đạo địa phương đã phản ứng như thế nào trước sự việc đau lòng này?

Chúng tôi đã làm việc với Ban Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước và được bệnh viện nhất trí tiếp tục điều trị một cách tốt nhất để nhanh chóng phục hồi sức khỏe, ổn định tinh thần cho cháu Hảo. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh – Trương Tấn Thiệu cũng đã chỉ đạo Sở LĐTB-XH và Sở Y tế chăm sóc chu đáo sức khỏe cho cháu. Sau khi cháu lành lặn hẳn, sẽ đưa cháu về Trung tâm nuôi dưỡng người già – trẻ mồ côi tỉnh Bình Phước tại huyện Lộc Ninh để nuôi dưỡng và cách ly bé Hảo với gia đình.

Hiện nay, rất nhiều người có tấm lòng hảo tâm có ý muốn nhận bé Hảo làm con nuôi. Vậy tại sao tỉnh lại chủ trương nuôi cháu tại địa phương?

Chúng tôi cũng đã tiếp nhận một số người ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng… có nhã ý muốn nhận cháu về làm con nuôi, nhưng lãnh đạo tỉnh chủ trương cháu Hảo phải được chăm sóc và nuôi dưỡng tại tỉnh.

Sau khi ra viện, bé Hảo sẽ được nuôi dưỡng tại Trung tâm nuôi dưỡng người già - trẻ mồ côi tỉnh Bình Phước.Trước tình hình có nhiều người đến thăm và ủng hộ cho cháu, Sở đã làm gì để đón nhận sự ủng hộ của những người có tấm lòng hảo tâm một cách minh bạch và thuận tiện nhất?

Với số tiền mà những nhà hảo tâm đã gửi cho cháu trong những ngày qua tại bệnh viện, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐTB-XH phối hợp với Sở Y tế, bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước, giao lại cho Công đoàn bệnh viện lập danh sách thống kê thu giữ. Khi cháu lành bệnh, số tiền sẽ được bàn giao cho Trung tâm nuôi dưỡng người già – trẻ mồ côi tỉnh Bình Phước để chăm sóc cháu sau này.

Ngoài ra, Quỹ bảo trợ trẻ em Bình Phước cũng đã được thành lập và do chính đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm chủ tịch quỹ này. Bạn đọc đóng góp giúp đỡ cháu thông qua số tài khoản của quỹ này: 431101.000.227 – Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước.

Công tác chăm lo sức khỏe trẻ em đang bị bỏ ngỏ

Chuyện cháu Hảo bị bạo hành trong một thời gian dài vậy mà tại sao chính quyền địa phương từ tỉnh cho đến xã đều không hay biết?

Do công tác tổ chức, nắm địa bàn của chúng tôi không tốt vì thiếu nhân lực, chuyên môn. Nhưng sâu xa hơn, đó là do Ủy ban dân số gia đình và chăm sóc trẻ em giải thể một bộ phận cán bộ phụ trách công tác trẻ em chuyển sang công tác khác. Cả tỉnh có 1.300 cộng tác viên dân số gia đình và trẻ em nhưng nay không còn nữa. Trước đây, mỗi xã có 1 chuyên trách, 15 cộng tác viên tham mưu cho Sở nhưng do quy chế tách nhập nên nay đội ngũ luôn bị xáo trộn, không ổn định.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bạo hành mà chính quyền không biết là do đội ngũ cộng tác viên chuyên trách đi khảo sát từng nhà không còn thì ai mà báo cho mình biết. Ở tuyến huyện, vấn đề chăm sóc trẻ em từ 5 người nay còn 1 người kiêm nhiệm nên không có nghiệp vụ. Tuyến xã thì không còn ai, thì làm sao công tác chăm sóc trẻ em tốt được. Cán bộ thì ít mà địa bàn lại xa, phương tiện đi lại hạn chế… nên công tác chăm lo sức khỏe trẻ em đang bị bỏ ngỏ.

Thiết nghĩ, với trường hợp của cháu Hảo, nếu có cán bộ, cộng tác viên chuyên trách về gia đình trẻ em hoạt động tại cơ sở thì chúng ta có thể phát hiện sớm và có biện pháp ngăn chặn kịp thời, đâu có để xảy ra sự cố đáng tiếc này.

Chúng ta phải làm gì để củng cố đội ngũ cho công tác chăm sóc trẻ em sau sự việc đau lòng này, thưa ông?

UBND tỉnh Bình Phước đã ra quyết định cho phép Sở LĐTB-XH thành lập Chi Cục Bảo trợ xã hội bảo vệ chăm sóc trẻ em. Do quyết định mới có vài ngày nên chưa kịp triển khai. Chúng tôi sẽ cố gắng vận hành hoạt động của Chi cục này. Theo đó, sẽ bố trí ở mỗi xã một cán bộ chuyên trách, có nghiệp vụ chuyên môn vững vàng để kịp thời tham mưu cho cấp trên. Và hơn hết, để không còn xảy ra tình trạng bạo hành đau lòng như vừa xảy ra với cháu Hảo.

Xin cảm ơn ông!

Công Quang (dantri.com.vn)

Bình luận (0)