Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đời chợ dạo… – Bài 1: Chở… chợ về xóm trọ

Tạp Chí Giáo Dục

Một người bán dạo trong xóm trọRong ruổi suốt ngày dưới cái nắng chói chang trong khắp “hang cùng hẻm cụt” của thành phố, với một mớ món hàng nào rau, cá, thịt… trên xe đạp cà tàng, họ mang… chợ đến cho người dân ở những khu phố nghèo. Hầu hết họ là những người ở quê lên thành phố mưu sinh. Hàng ngày, dù trời mưa hay nắng, những cái chợ… di động này vẫn nhịp nhàng như con thoi đi qua các ngõ đường, góc phố…

Chợ dạo ở các khu phố

Không biết từ khi nào mà hình ảnh chị bán hàng, đi chiếc đạp xe cũ kĩ với vài mớ rau và tiếng rao đặc sệt giọng Bắc mỗi sáng đã trở nên quen thuộc với mọi người trong xóm nhà trọ của tôi. Chợ cũng gần đấy thôi, nhưng hầu như sáng nào ai cũng đợi chị vào để mua giúp chị mớ rau, con cá. Trong dãy nhà trọ này, phòng chị Ngọc Quyên chỉ có hai mẹ con, mà đứa con thì còn quá nhỏ nên chị không thể bỏ đứa nhỏ ở nhà mà ra chợ. Phòng kế bên là mấy chị em công nhân may. Phòng tiếp theo là mấy em sinh viên trọ học… hầu như tất cả cư dân trong dãy trọ này đều mua đồ ăn từ hai chiếc nia được buộc đằng sau chiếc xe đạp của chị bán hàng. Chị Ngọc Quyên, vừa lựa mấy con cá biển trong cái thau con của chị bán hàng vừa nói với tôi: “Cá hôm nay cũng tươi lắm này; kệ, mua đây hay ra chợ gì cũng vậy. Cháu nó còn nhỏ quá mà nhà không ai trông coi nên chị đâu ra chợ được”. Trinh (cô sinh viên năm hai Đại học Luật TP.HCM) cũng trọ trong dãy này góp thêm chuyện: “Em cũng hay mua đồ ăn ở đây cho tiện. Chị ấy bán với giá cũng rẻ lắm, bây giờ đạp xe ra chợ cũng lười, lại còn phải mất tiền gửi xe nữa”. Vài người trong dãy trọ đã bu quanh chiếc xe đựng đồ ăn của chị, chẳng mấy chốc số lượng rau và cá trên chiếc xe đạp vơi dần.

Ngày nào cũng vậy, dù mưa hay nắng, cứ tầm 8, 9 giờ sáng là chị bán hàng mang “cái chợ di động” vào khu nhà trọ này. Và khi mọi người đã mua xong, chị lại quay đầu xe, mang… chợ qua các khu trọ khác. Chị bảo, chị phải chạy qua các khu quen bán cho hết hàng, qua trễ một tí họ tưởng mình nghỉ bán mà đi chợ là xem như mất mối. Nắng ban mai trải nhẹ chói rọi xuống cái dáng gầy gò trong chiếc áo lính xanh dài tay đã bạc màu, chiếc xe đạp cũ kĩ lại lộc cộc rảo khuất dần ở cuối hẻm. Như những con thoi đều đặn, mỗi ngày, chị phải đạp vòng vòng mấy chục cây số để mang… chợ đến những xóm trọ nghèo.

Không như những người bán hàng ở chợ, có sẵn một chỗ cố định để hàng ngày dọn ra dọn vào, trời có mưa to hay nắng gắt họ cũng đỡ vất vả hơn. Còn những người bán dạo thì khác, hành trình của họ thường bắt đầu từ rất sớm, 4 giờ sáng các chị đã phải thức dậy để ra chợ lấy hàng. “Phải ra chợ thật sớm để mua được rau, cá với giá thật rẻ thì mới có lời” chị Hoa (quê Thái Bình) đã đi bán dạo được hai năm, tâm sự. Tôi hỏi: “Các chị dậy sớm thế sao hôm nào vào đây cũng phải đến 8, 9 giờ sáng?”, chị Hoa cho biết: “Mua được ít đồ ở chợ xong là phải cắt tỉa và bó lại rau để trông cho đẹp mắt, rồi sắp xếp đồ đạc; tranh thủ sáng sớm tôi chạy ra cái chợ tự phát trước mấy khu công nghiệp bán cho công nhân và người đi đường. Khi đã vãn khách, tôi lại dạo qua các khu dân cư, vào tận các dãy nhà trọ… bán khi nào hết đồ mới thôi”. Có những hôm phải đến 1, 2 giờ chiều chị mới về đến nhà, lưng áo ướt đẫm mồ hôi.

Có hôm bán không hết các chị đành phải mang đồ về để… ăn dần. Và trong quá trình mua bán, đâu phải ai cũng hiểu, đụng phải những người khó tính thì mệt lắm, họ cứ xốc đi xốc lại mấy bó rau, rồi kì kèo thêm bớt mấy con cá, sốt cả ruột nhưng cũng phải nói chuyện với họ nhẹ nhàng chứ không thôi là mất khách. Chị Tâm, (quê Hưng Yên) bộc bạch: “Vốn liếng ít ỏi nên cũng chỉ có thể chọn mua những món đồ giá rẻ, bình dân, dễ bán để kiếm được đồng lời. Trong khi đó người dân thành phố thì kỹ tính và kén ăn lắm nên chủ yếu là mình bán cho các khu nhà trọ của các em sinh viên, công nhân hay mấy bác xe ôm thôi; nhất là trong thời buổi “nghìn người bán”, thì càng phải chịu khó len lỏi vào tận các ngõ ngách sâu để bán”.

Xóm tiểu thương bán… dạo

i họ thuê ở là một dãy phòng trọ có gác thấp nằm tuốt trong con hẻm bé tí gần chợ Thủ Đức. Tôi phải thuyết phục mãi chị Hoa mới chịu cho theo về chỗ trọ của chị. “Vì chỗ mấy chị ở chật hẹp và phức tạp lắm” chị Hoa phân trần. Đến nơi chị Hoa trọ, tôi mới phát hiện ra một điều khá thú vị là tất cả những người trọ trong khu này đều là người cùng quê và đều làm một công việc giống nhau là bán hàng rong. Trong lúc trò chuyện, các chị nói vui: “Vào đây cứ hỏi “xóm bán dạo” hay “xóm tiểu thương bán… dạo” là từ đầu đến cuối hẻm ai cũng biết”. Phòng chị ở cùng với ba chị nữa, hai chị quê ở Nam Định, một chị ở Thanh Hóa. Một căn phòng nhỏ khoảng 6 mét vuông mấy chị thuê với giá 500 ngàn đồng mỗi tháng. Căn phòng thiếu ánh sáng mà chất đầy rau quả, mấy chiếc xe đạp dựng một góc, còn góc gần cửa sổ có cái bàn nhỏ để đồ ăn, nước uống, vài gói mì tôm, bên trên cửa sổ các chị dán nhiều ảnh của gia đình có lẽ để ngắm cho đỡ nhớ nhà, nhớ con… còn cái gác thì chỉ dùng để đồ cá nhân và ngủ.

Chị Nguyễn Thị Điệp (32 tuổi, ở Nam Định) trẻ nhất phòng nói: “Chỉ đến chiều tối phòng mới đông đủ, chứ còn ban ngày thì đi bán suốt. Ráng lặn lội, kiếm được đồng nào hay đồng đó”. Thấy tôi nhìn qua mấy gói mì để chỏng chơ trên bàn, chị Điệp liền giải thích: “Hôm nào ai về sớm thì tranh thủ nấu cơm, còn bữa nào ế ẩm về mệt quá thì thôi, ăn đỡ gói mì. Mình ăn uống tạm bợ sao cũng được, miễn là mỗi tháng có đủ tiền trả tiền phòng và gửi về quê phụ giúp gia đình và nuôi các em ăn học là hạnh phúc lắm rồi”. Chị Điệp cho biết, ở quê chị còn bố mẹ già với ba đứa em đang tuổi ăn học, nhà chỉ có mấy sào ruộng, không thể trông chờ vào đó. Vất vả là thế nhưng bố mẹ chị nhất định phải cố làm để cho các con của mình được đi học. Thương bố mẹ quá nên chị quyết định nghỉ học, theo mấy chị cùng xóm vào Sài Gòn bán hàng rong kiếm tiền phụ bố mẹ lo cho các em. Chị Vui (39 tuổi, cũng ở Nam Định) ngồi bên cạnh vừa xoa bóp mấy ngón chân vì cả ngày đạp xe giờ mỏi nhừ, chị nói chen vào: “Nó vào đây đi bán hàng dạo cũng hơn năm năm rồi đó. Cứ lo bán buôn, em út mà quên cả chuyện chồng con. Giờ qua tuổi “băm” rồi mà cứ một thân một mình”.

Chị Vui, chồng mất sớm, một tay chị nuôi hai đứa con ăn học. Loay hoay với mấy sào ruộng không đủ ăn từng ngày chứ chưa nói đến việc mua sách vở cho các con học hành. Không nỡ để con thất học, chị gửi hai đứa con với ba sào ruộng bên nhà ngoại còn mình thì vào Nam đi làm thuê. Chị đã từng làm đủ thứ nghề: công nhân may, bán vé số dạo, đi phụ hồ… Bây giờ thì tạm dừng chân với cái nghề bán hàng dạo này. Vất vả là thế nhưng cứ nghĩ đến hai đứa con ở nhà được học hành là chị quên cả mệt. Nói rồi chị với tay lấy cái giỏ treo trên tường, mang hình hai đứa con ra khoe với tôi, mắt chị sáng rực, chứa đầy hy vọng…. Chị Mai (quê ở Thanh Hóa), nãy giờ nằm im vì cái chân còn đau sau bữa đi bán bị tai nạn giờ mới lên tiếng: “Làm nghề này cũng chẳng phải nhàn nhã, khấm khá gì, nhưng được cái tự do, lúc nào nhớ nhà, nhớ con quá thì có thể nghỉ việc, nhảy tàu về quê thăm con”. Chị kể, bữa trước đi bán, vì quẹo ra hẻm vội quá nên chị tông phải chiếc xe gắn máy đang chạy vào, rau, cá văng túng tóe ra đường, cái chân thì đau điếng nhưng lỗi tại chị nên ráng thu lượm đồ đạc rồi dắt xe về nhà, thiệt là xui xẻo.

Gần 9 giờ đêm, trong khu nhà trọ những người buôn bán khác cũng đã về đầy đủ. Tôi chào các chị ra về để họ có thêm thời gian nghỉ ngơi, lấy sức tiếp tục cuộc mưu sinh vào sáng hôm sau. Mỗi một người bán hàng dạo là một hoàn cảnh, một số phận không ai giống ai. Ai cũng biết thành phố luôn là điểm đến hấp dẫn của người lao động nông thôn. Ở đây, họ có thể kiếm ra được ngày đôi ba chục ngàn, thậm chí có người kiếm được nhiều hơn thế. Nhưng không phải ai cũng may mắn và có thể thích nghi được với sự cạnh tranh mua bán khốc liệt, những may rủi luôn chực chờ họ.

Như Sương

Bình luận (0)