Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Thời tiết mùa thu: Gia tăng trẻ bị cúm và tiêu chảy

Tạp Chí Giáo Dục

Một góc hành lang Phòng khám Nhi (Bệnh viện Xanh Pôn). (Ảnh: Q.T)Sáng 2/10, tại Phòng khám Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) chật ních người. Hầu hết trẻ được đưa đến khám đều trong tình trạng bị ho, sốt, sổ mũi và tiêu chảy.

BS Phùng Nhã Hạnh, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện cho biết: Trung bình mỗi ngày, phòng khám nhận trên 500 lượt bệnh nhi, trong đó hơn một nửa bị viêm đường hô hấp và tiêu chảy.

50% số trẻ bị viêm đường hô hấp

Tại hành lang bệnh viện, chị Lê Thị Huệ ở Thuận Thành, Bắc Ninh cho biết, con gái chị bị tiêu chảy suốt 2 ngày qua. Chị đã cho con uống men tiêu hóa nhưng vẫn không khỏi, thậm chí bệnh có vẻ nặng thêm, hiện cháu bị sụt hơn 1kg. Đến đây khám, bác sĩ kết luận cháu bị tiêu chảy cấp do Rota virus.

Chị Khương Thị Thủy ở đường Phó Đức Chính, Hà Nội cho biết, con gái chị được 26 tháng, cháu bị ho, sổ  mũi và sốt cao. Cháu thường sốt cao về đêm, có lúc trên 39 độ C. Bác sĩ kết luận cháu bị viêm mũi họng cấp do siêu vi trùng.

BS Phùng Nhã Hạnh, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp đồng thời là bác sĩ chuyên về nhi khoa cho biết, cứ vào mùa thu là số trẻ nhập viện lại gia tăng, đặc biệt là đầu thu và cuối thu. Theo thống kê của Bệnh viện Xanh Pôn, số trẻ bị viêm đường hô hấp và tiêu chảy gia tăng trong một tuần trở lại đây.

So sánh ngày đầu tháng 9 và ngày cuối tháng 9 cho thấy, số trẻ đến khám bệnh tăng 50 trẻ/ngày. Tổng số bệnh nhân đến khám tại Phòng khám Nhi trong tháng 9 khoảng trên 12 nghìn lượt bệnh nhân.

Giữ ấm cho trẻ về đêm để phòng bệnh

Theo BS Hạnh, mùa thu là mùa của các loại siêu vi trùng phát triển; nhiệt độ thường thay đổi về đêm khiến không ít bậc phụ huynh cảm thấy khó khăn trong việc giữ ấm cho con.

Thường trước khi đi ngủ thời tiết vẫn còn nóng, nếu không bật điều hòa hoặc không bật quạt thì trẻ sẽ bị ra mồ hôi. Còn nếu ngủ để quạt và điều hòa, trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh khi nhiệt độ giảm xuống, trong lúc bố mẹ ngủ say. Nếu bố mẹ không tỉnh giấc kịp thời để đắp chăn mỏng cho con, khả năng trẻ bị nhiễm lạnh là điều khó tránh khỏi.

Khi trẻ bị nhiễm lạnh, là lúc tạo điều kiện thuận lợi cho các loại siêu vi trùng xâm nhập vào cơ thể. Do vậy, để phòng bệnh cho trẻ, các bậc bố mẹ nên giữ ấm cho con khi ra đường, đặc biệt là lúc trẻ ngủ về đêm.

Do vậy, theo BS Hạnh, vào mùa thu, lúc đi ngủ bố mẹ nên mặc quần dài và đi tất mỏng cho con. Lúc đi ngủ có thể để quạt hoặc nằm điều hòa nhưng phải để chế độ hẹn giờ. Nhiệt độ trong phòng điều hòa đối với bé nên đặt ở chế độ 27 độ C.

Nếu dùng quạt, nên dùng quạt chắn gió (quạt tản), bật số nhẹ nhất và tránh hướng thốc vào mặt bé. Về đêm, có thể đắp một chiếc chăn mỏng cho con nhưng cần kiểm tra thường xuyên xem bé có đạp chăn ra khỏi người hay không. Khi đắp chăn, đặc biệt lưu ý không được để bé bị quá nóng, ra mồ hôi dẫn đến nguy cơ bị nhiễm lạnh càng lớn hơn.

BS Nguyễn Văn Lộc Nguyên PGĐ BV Nhi TƯ:

Tự điều trị phải tham khảo ý kiến bác sĩ

Điều trị bệnh về hô hấp do cúm và siêu vi trùng mới chỉ có vaccine phòng 1, 2 loại bệnh cúm cụ thể, trong khi bệnh cúm lại có rất nhiều type khác nhau và đa phần chưa miễn dịch được. Hơn nữa, bệnh cúm thường mắc kèm với nhiều bệnh khác như hô hấp, tiêu chảy nên để phân loại và điều trị cũng không dễ dàng.

Do vậy, khi trẻ bị cúm cần phải được điều trị sớm, hoàn toàn có thể điều trị tại nhà nhưng dưới sự chỉ định, tư vấn của bác sĩ, người có chuyên môn chứ không phải cứ thấy sốt là đi mua kháng sinh về cho trẻ uống. Nếu một vài ngày mà không có biểu hiện đỡ, phải đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và điều trị.

Tốt nhất là cha mẹ hãy chủ động phòng bệnh cho trẻ bằng những biện pháp đơn giản như: chú ý giữ nhiệt độ phù hợp cho trẻ, không để trẻ tiếp xúc với không khí nóng, lạnh đột ngột; trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo hoặc đã đi học, nếu thấy có biểu hiện cúm thì nên cho nghỉ học một vài ngày, tránh lây lan ra các bạn xung quanh.

Quỳnh Thy (giadinh.net)

 

Bình luận (0)