Y tế - Văn hóaThư giãn

Xuân Hồng và Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh

Tạp Chí Giáo Dục

Tên khai sinh đầy đủ của nhạc sĩ Xuân Hồng là Nguyễn Hồng Xuân. Khi lớn lên tham gia cách mạng, trong giao dịch thư từ ông thường nhận được thư, ngoài phong bì đề “Mến gửi chị Hồng Xuân”(!). Tức mình, ông dùng bút danh là Xuân Hồng, nhưng rồi có người ở xa chưa gặp vẫn nhầm ông là nữ nhạc sĩ.

Quê quán của ông ở huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, nhưng ông sinh tại thành phố Tây Ninh ngày 12-2-1928, mất ngày 14-5-1996 tại thành phố Hồ Chí Minh, thọ 69 tuổi. Ông cụ thân sinh của Xuân Hồng làm nghề nông, nhưng lại yêu âm nhạc, sử dụng thành thạo đàn bầu và đàn cò. Lên 5 tuổi, Xuân Hồng được bố đạy đàn bầu và nhanh chóng thuộc lòng hàng chục bài nhạc cổ ngắn như Bình bán, Kim tiền, Hành vân, Ngũ điểm, Bài tạ… và sau đó hòa đàn được với bố. Lớn lên, Xuân Hồng học được nhiều bài vọng cổ. Do tiếp xúc với nhạc dân tộc từ khá sớm, nên sáng tác của ông sau này cũng mang đậm âm hưởng dân tộc.

Sau Cách mạng tháng Tám, Xuân Hồng tiếp xúc nhiều với nhạc cách mạng. Năm 1949, lúc 21 tuổi, tuy kiến thức sáng tác chưa có gì, nhưng ông cũng mạnh dạn cho ra đời đứa con đầu lòng, là bài Đánh về thành được in ấn để phổ biến. Sau này ông kể lại rằng việc làm đó là “điếc không sợ súng”, chứ bài hát này không có giá trị nghệ thuật nào và đương nhiên chết yểu rất sớm. Sau đó, Xuân Hồng còn sáng tác thêm vài ba bài nữa, nhưng không tồn tại được lâu. Phải mười hai năm sau đó, 1961, khi có dịp đến thăm một xưởng may quân trang giải phóng trong rừng chiến khu Dương Minh Châu, nhìn chị em cặm cụi may áo, nhìn các chiến sĩ mân mê bộ quân trang mới, ông cảm hứng viết nên Bài ca may áo. Bài hát mang đậm âm hưởng dân ca Nam bộ với âm hình giai điệu được viết theo điệu thức “Xuân” vui tươi, trong sáng, âm hình tiết tấu dựa theo bài vè Bậu lỡ thời mà ông đã được mẹ dạy lúc ấu thơ:

Áo vá vai người ta còn mặc

Bậu lỡ thời như giặc Hà Tiên

Giặc Hà Tiên người ta còn đánh

Bậu lỡ thời như cánh chim bay…

Giờ đây thành ca khúc Bài ca may áo:

Chiến sĩ ta dầm mưa dãi nắng

Mưa rét run người nắng sẫm màu da

Tấm vải ta làm ra mảnh áo

Là chiến sĩ quyết tâm diệt thù…

Có thể xem Bài ca may áo là sáng tác đầu tiên của Xuân Hồng được quần chúng hưởng ứng. Đó là vào mùa xuân năm 1961. Sau thành công đầu tiên đó, hai năm sau, 1963, ông có bài Xuân chiến khu. Bối cảnh ra đời của bài hát khá lý thú. Năm ấy, ta đánh bại cuộc chiến tranh đặc biệt của địch, Cục Chính trị chỉ thị cần nhanh chóng xây dựng một chương trình văn nghệ với chủ đề “Hát mừng mùa xuân thắng lợi”. Xuân Hồng cần phải sáng tác một bài về xuân. Để tìm mô-típ nhạc cho bài, ông chợt nhớ đến bài Bình bán vắn có mấy câu không biết ai đặt lời:

Trăng kìa trăng lú lên

Đôi bạn mình xúm xít ngồi chơi…

Hay:

Liu tồn liu xáng u

Xáng trên đầu ba bữa còn u…

Xuân Hồng thấy mô-típ nhạc này vừa vui vừa trong sáng thích hợp không khí xuân, thế là ông dựa vào đó viết nên bài Xuân chiến khu sau này trở thành nổi tiếng khắp cả nước;

Mùa xuân về trong chiến khu

Tiếng chim rừng vang hót khắp nơi…

Tên khai sinh đầy đủ của nhạc sĩ Xuân Hồng là Nguyễn Hồng Xuân. Khi lớn lên tham gia cách mạng, trong giao dịch thư từ ông thường nhận được thư, ngoài phong bì đề “Mến gửi chị Hồng Xuân”(!). Tức mình, ông dùng bút danh là Xuân Hồng, nhưng rồi có người ở xa chưa gặp vẫn nhầm ông là nữ nhạc sĩ.

Chúng ta được biết, trong kháng chiến sau đó Xuân Hồng còn sáng tác các bài Chiếc khăn tay, Hành quân đêm (viết cùng NS Trí Thanh), Cây dừa… và đáng chú ý là bài Tiếng chày trên sóc Bom Bo. Bài này Xuân Hồng viết vào năm 1966, cảm xúc từ một dịp đến nhận gạo tại sóc Bom Bo, huyện Phước Long, thuộc Bình Phước ngày nay. Sóc này có chưa đến 100 gia đình người dân tộc Stiêng, nghèo khổ tột cùng nhưng lòng yêu nước thì rất tuyệt vời. Khi sáng tác bài hát này, Xuân Hồng có lấy ý trong một bài thơ của Hồng Sơn, một cán bộ chính trị lúc ấy.

Sau ngày đất nước thống nhất 1975, sự nghiệp sáng tác của Xuân Hồng như bước sang một giai đoạn mới rất khởi sắc, như diều gặp gió. Ông sáng tác một loạt bài nổi tiếng như Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh, Đôi mắt, Cây đàn ghi-ta của đại đội Ba, Mùa xuân bên cửa sổ (thơ Song Hảo), Người mẹ Việt Nam, Nắng Sài Gòn… Đúng là như diều gặp gió, một loạt ca khúc tuyệt vời của Xuân Hồng ra đời. Chúng ta hãy tìm hiểu sâu hơn về một bài nổi tiếng mở đầu cho giai đoạn này, đó là Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh. Rạng sáng ngày 10-3-1975, một đơn vị đặc công bất ngờ nổ phát súng đầu tiên tiến công vào Buôn Mê Thuột. Trưa ngày 11-3-1975, toàn bộ quân địch ở thị xã này bị tiêu diệt. Địch rút chạy khỏi Tây Nguyên. Xuân Hồng linh cảm ngày tận số của địch đang tới. Một ý nghĩ trong ông chợt đến: Ngày Nam bộ khởi đầu kháng chiến vào mùa thu, nay sẽ kết thúc thắng lợi vào mùa xuân, thật là đẹp và trọn vẹn. Thế là Xuân Hồng mở đầu bài hát mới của mình dựa vào nét nhạc câu đầu của bài Nam bộ kháng chiến của Tạ Thanh Sơn: Mùa thu rồi ngày hăm ba (rề fa rề, rề fa la). Được lấy cảm hứng thành ra câu đầu của một sáng tác mới: Mùa xuân này về trên quê ta (rề fa rề, rề la la la). Và những câu nhạc kế tiếp lại xuất hiện:

… Khắp đất trời biển rộng bao la

Cây xanh tươi hoa lá trổ hoa

Chào mùa xuân về với mọi nhà…

Dòng nhạc và ca từ của ông tiếp tục tuôn chảy theo từng bước tiến quân như vũ bão của quân giải phóng ở Huế, Đà Nẵng… Khi các binh đoàn bắt đầu bao vây Sài Gòn sào huyệt của ngụy quân ngụy quyền, Xuân Hồng đặt bút phác thảo những câu nhạc cuối cùng:

… Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh quang vinh

Ôi hạnh phúc biết bao, bao năm vẫn đợi chờ

Mà niềm vui như đến bất ngờ

Ngày đi như trong đêm mơ, tuổi lớn rồi mà như ngây thơ

Ôi ta đang đi, đi giữa rừng hoa hay giữa rừng cờ

Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh

Là mùa xuân đẹp nhất quê mình.

Ca khúc Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh ra đời, là một tác phẩm tuyệt vời ghi dấu cuộc toàn thắng vĩ đại của dân tộc sau ba mươi năm trời chiến đấu và hy sinh. Đây còn là một ca khúc mang đậm âm hưởng dân ca Nam bộ, cùng với giai điệu và tiết tấu nhiệt tình, hào hứng, sôi nổi, mang không khí của ngày giải phóng. Ca từ của bài hát đẹp và hay, giàu hình tượng văn học, đặc biệt có vần điệu như câu thơ.

Ngày 30-4-1975, Sài Gòn giải phóng. Sau khi nhạc sĩ Xuân Hồng tu chỉnh lần cuối, bài hát ấy được nhiều đơn vị nghệ thuật như Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Nam, Đoàn Kim Cương, Đoàn Hương miền Nam… giới thiệu rộng rãi với nhân dân thành phố mang tên Bác trong ngày vui lịch sử. Và bài hát được hưởng ứng nhiệt liệt. Như chúng ta đều biết trong dịp này đã có hàng trăm ca khúc chào mừng ngày giải phóng, một sự kiện trọng đại của nhân dân, của Tổ quốc. Đến nay gần nửa thế kỷ trôi qua, theo tôi, còn ba bài đọng lại lâu dài trong lòng quần chúng, đó là Như có Bác trong ngày đại thắng của Phạm Tuyên, Đất nước trọn niềm vui của Hoàng Hà và Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh của Xuân Hồng.

Nhạc sĩ Trương Quang Lc

 

Bình luận (0)