Đến thời điểm này, lũ tại miền Trung đã làm chết 4 người, trong đó một cháu bé mới 1,5 tháng tuổi. Nhiều căn nhà bị sập, hư hỏng và nhiều trường học đã có lệnh cho học sinh được nghỉ.
> Thừa Thiên – Huế: Cháu bé 1,5 tháng tuổi chết do lốc lật thuyền
Tại Thừa Thiên – Huế, một cơn lốc lớn đi qua trên địa bàn huyện Phú Lộc vào rạng sáng qua đã làm một người chết là cháu bé Huỳnh Minh Đức 1,5 tháng tuổi, do bị lật thuyền vì lốc ở phá Tam Giang. Đồng thời, lốc cũng làm tốc mái 17 ngôi nhà và 1 phòng học.
Mưa to trên diện rộng từ đêm 16 đến sáng 17 đã gây ngập úng ở nhiều xã thuộc các huyện Nam Đông, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang và thành phố Huế. Nhiều nơi ngập sâu hơn 1m.
Ngay trong sáng 17/10, Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có thông báo khẩn cấp về các trường học trên địa bàn cho phép học sinh nghỉ học để tránh lũ theo lệnh của UBND tỉnh. Khoảng 10.000 học sinh ở các vùng thấp trũng, ngập lụt đã được nghỉ học.
Tại Quảng Nam, có 3 người chết, đó là bà Võ Thị Tùng, 57 tuổi, ở xã Quế Phong (huyện Quế Sơn) bị chết do sập tường nhà; Cháu Phạm Ngọc Hữu, 8 tuổi ở xã Đại Hồng (huyện Đại Lộc) đi chơi bị cuốn trôi chưa tìm được xác.
Anh Trương Vĩnh Thịnh, 33 tuổi, ở xã Đại Hưng (huyện Quế Sơn) đi làm rẫy bị nước lũ cuốn trôi từ ngày 15/10, xác anh đã được người dân vớt lên vào sáng 17/10 trên sông Anh Điền.
Mưa lớn gây ngập lụt cục bộ và sạt lở đất ở các huyện Đại Lộc, Bắc Trà My, Nông Sơn. Các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ và giao thông nông thôn thuộc các huyện Đại Lộc, Bắc Trà My, Nông Sơn nhiều nơi bị ngập gây ách tắc giao thông.
Tại Quảng Ngãi, sáng sớm 17/10, mưa lũ xảy ra cùng lốc xoáy đã làm 4 người ở huyện Mộ Đức bị thương, địa bàn 2 xã Hành Phước và Hành Đức (huyện Nghĩa Hành) nhiều căn nhà bị tốc mái, hư hỏng. Hiện có 44 căn nhà bị sập và hư hỏng.
Trước diễn biến phức tạp của lũ, trưa ngày 17/10, BCĐ Phòng chống lụt bão Trung ương đã có công điện khẩn gửi gửi các tỉnh, thành Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; BCĐ Phòng chống lụt bão các Bộ Quốc Phòng, Công An, Giao thông Vận tải.
Công điện yêu cầu, các địa phương, đơn vị trên cử ngay cán bộ xuống ngay địa bàn phối hợp với chính quyền cơ sở kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng chống lũ, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Triển khai việc di dời dân ra khỏi vùng thấp, trũng có nguy cơ ngập sâu, vùng có khả năng xảy lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người, tài sản. Đồng thời, yêu cầu bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại những khu vực đường bị ngập, các bến đò, đường ngầm hướng dẫn người, phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn. Nghiêm cấm việc người dân vớt củi khi có lũ.
Các tỉnh, đơn vị kiểm tra và bổ sung dự trữ các nhu yếu phẩm cần thiết, nhất là lương thực, thực phẩm để đối phó với lũ cao kéo dài, đặc biệt những khu vực dễ bị chia cắt. Căn cứ vào tình hình thực tế, các địa phương chỉ đạo ngành giáo dục triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đối với học sinh.
Hoài Nam (dantri.com.vn)
Bình luận (0)