Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Báo động tai nạn thương tích trẻ em

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ em cần phải được bảo vệ và phòng chống tai nạn thương tích  Đó là lời cảnh báo mà Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng (UBVHGDTTN và NĐ) của Quốc hội đưa ra tại hội nghị “Đánh giá kết quả giám sát phòng chống tai nạn thương tích (PC TNTT) trẻ em và thực hiện chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” tổ chức tại TP. Đà Nẵng vào giữa tháng 9-2008.

6 tháng đầu năm, hàng chục ngàn trẻ em bị tai nạn

Theo đánh giá của ủy ban này, những năm gần đây, sự thay đổi mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội đã tạo những điều kiện thuận lợi nhằm thực hiện tốt hơn các quyền cơ bản của trẻ em. Nhưng đồng thời cũng tạo ra những thách thức lớn, tác động không nhỏ đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em như thiếu việc làm, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh, vấn đề bạo lực gia đình… đang làm gia tăng TNTT về tâm hồn và thể xác của trẻ em. Có rất nhiều loại hình TNTT rình rập trẻ em như tai nạn giao thông, đuối nước, bỏng, ngã, ngộ độc thực phẩm, điện giật, súc vật cắn… Tuy nhiên, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại hình nêu trên vẫn là tai nạn do đuối nước và tai nạn giao thông. Chỉ tính riêng dịp hè năm 2008, tại thị xã Kon Tum (tỉnh Kon Tum) đã xảy ra 5 vụ trẻ em bị đuối nước làm chết 12 em từ 6-15 tuổi. Còn Ban VH-XH (HĐND TP.HCM), cho biết từ tháng 10-2005 đến 9-2007, tại 52 đơn vị y tế đóng trên địa bàn thành phố đã khám, cấp cứu và điều trị 80.819 trẻ bị TNTT, trong đó có 169 em bị chết. Riêng 6 tháng đầu năm 2008 tại TP.HCM có 16.171 trẻ em bị TNTT, làm chết 31 em. Qua điều tra y tế quốc gia vào năm 2002 cho thấy, mỗi năm có khoảng 27.000 trẻ bị chết do TNTT. Tính bình quân, mỗi ngày có 74 em vĩnh viễn không được vui đùa cùng bạn bè đồng trang lứa. Đó là chưa kể còn hàng ngàn trẻ bị TNTT không bị tử vong, song chịu cảnh tàn tật suốt đời.

UBVHGDTTN và NĐ cho biết, đến hết tháng 12-2007, cả nước có 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (trong đó gồm 147.000 trẻ mồ côi; 1,2 triệu trẻ khuyết tật; 12.500 trẻ nhiễm HIV/AIDS…). UBVHGDTTN và NĐ cho rằng, qua giám sát, khảo sát tại các bộ, ngành, địa phương, số trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS, trẻ vi phạm pháp luật, nghiện ma túy, bị xâm hại tình dục có chiều hướng gia tăng và có diễn biến phức tạp. Số vụ trọng án và các vụ án có tính chất nghiêm trọng hoạt động dưới dạng băng nhóm tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên đã và đang là dấu hiệu đáng lo ngại đối với xã hội. Đặc biệt, nhiều đối tượng xâm hại tình dục trẻ em vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật…

                                                                 G.T

Còn lơ là trong phòng chống

Những hạn chế, tồn tại trong việc triển khai thực hiện pháp luật về PC TNTT trẻ em đã được UBVHGDTTN và NĐ của Quốc hội thẳng thắn nêu ra. Đó là số lượng các văn bản pháp luật liên quan đến PC TNTT rất lớn (150 văn bản quy phạm pháp luật liên quan ban hành từ 2002-2007), nhưng chủ yếu chứa đựng những quy định mang tính gián tiếp, nên vẫn thiếu các văn bản, quy định cần thiết, nhất là các văn bản liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn về PC TNTT cho trẻ em… Ngay cả “Chính sách quốc gia PC TNTT” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện từ năm 2002 (trong đó có nhiều mục tiêu như giảm tai nạn trong học đường, do tai nạn giao thông và trong gia đình, cộng đồng) nhưng đến nay vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương chưa thành lập được ban chỉ đạo, chưa xây dựng được chương trình hành động PC TNTT của ngành, địa phương mình. Có địa phương đã xây dựng được chương trình và thành lập được ban chỉ đạo, nhưng từ khi thành lập đến nay, ban chỉ đạo này chưa một lần hoạt động! Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách về PC TNTT, dù có nhiều cố gắng, song vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Do đó, nhận thức của người dân, thậm chí của một bộ phận cán bộ lãnh đạo ở cơ sở về pháp luật, về chính sách PC TNTT và ý thức của họ về PC TNTT cho trẻ em còn rất sơ sài và thiếu cụ thể.

Để giảm thiểu tối đa TNTT xảy ra cho trẻ em, UBVHGDTTN và NĐ của Quốc hội đề nghị Chính phủ tăng cường chế tài xử lý hành vi vi phạm gây TNTT cho trẻ em. Đồng thời, đưa PC TNTT thành một chương trình mục tiêu quốc gia (2010-2015) và đề nghị Bộ LĐTB&XH xây dựng kế hoạch hành động PC TNTT trẻ em giai đoạn 2008-2015 để các địa phương triển khai thực hiện.

NGUYỄN GIA THẠNH

Bình luận (0)