Du lịch - Thể thaoThể thao Quốc tế

Câu chuyện Thể Thao: Các vấn đề ở thế kỷ 21: Dầu lửa đốt cháy thể thao

Tạp Chí Giáo Dục

Tiger Woods, Phil Mickelson và các tay golf hàng đầu thế giới năm nào cũng háo hức đến dự giải golf Dubai Desert Classic có tổng quỹ tiền thưởng 20 triệu USD và tiền lót tay để có mặt dự giải cũng khoảng vào chừng đó. Tiger còn được trả 20 triệu USD để thiết kế một sân golf ở Dubai.

Các tay vợt nữ hàng đầu thế giới đến Doha dự giải WTA Championship

Sáu nước vùng Vịnh Saudi Arabia, Qatar, Oman, Kuwait, Bahrain và UAE kiếm 1.500 tỷ USD trong 4 năm gần đây nhờ hút dầu lên bán. Ngoài hứng thú xây dựng các khách sạn, mua các bất động sản trên khắp thế giới, họ có hứng thú khác là đầu tư vào thể thao. Họ bơm tiền vào golf, bóng đá, quần vợt, cricket, rugby, F1, đua mô-tô, điền kinh, đua ngựa…

Với người thống trị tiểu vương quốc Dubai (UAE), Al Maktoum, thể thao đánh bóng hình ảnh quốc gia, đưa khách du lịch đến và làm dịu sự phụ thuộc của nền kinh tế vào dầu lửa. Theo các nhà phân tích, sản phẩm dầu lửa sẽ giảm 50% trong 25 năm tới nên sức ép với các quốc gia này là phải sử dụng đồng tiền hiện tại khôn ngoan hơn.

Đua ngựa là môn ưa thích của Al Maktoum. Giải The Dubai World Cup bắt đầu tổ chức từ năm 1996 với tiền thưởng là 5 triệu USD nay đã tăng lên thành 22 triệu USD. Ông đang cho xây dựng một trường đua mới trị giá 1,3 tỷ USD. “Nếu tôi không chắc chắn 100% về ý tưởng của mình sẽ đẻ ra tiền, tôi sẽ không thực hiện”, ông nói.

Đua xe nhanh chóng hấp dẫn các ông trùm dầu lửa. Bahrain bắt đầu tổ chức vòng đua F1 năm 2004, Tiểu vương quốc Abu Dhabi (UAE), nơi có trữ lượng dầu lớn nhất, vừa bắt đầu tổ chức vòng đua F1 trong năm nay. Abu Dhabi sở hữu 5% cổ phần đội đua Ferrari. Qatar tổ chức vòng đua Moto GP từ năm 2004.

Thể thao chỉ là một phần trong kế hoạch. Chính phủ Dubai cũng đầu tư vào các tài sản văn hóa lớn. Họ vừa thực hiện thương vụ mua nhượng quyền bảo tàng Louvre của Pháp với giá gần 1,3 tỷ USD, bao gồm 520 triệu USD để được sử dụng tên và 747 triệu USD để tổ chức các cuộc triển lãm văn hóa nghệ thuật trong 30 năm. Khu văn hóa trên đảo Saadiyat được xây dựng có trị giá là 27 tỷ USD.

Gần đây, M.U cũng được Dubai trả cho 50 triệu USD để xây dựng một học viện bóng đá ở đây. Và tất nhiên không thể quên thương vụ mua CLB Manchester City của gia đình Al Nahyan thống trị tiểu vương quốc Abu Dhabi.

Nói về bóng đá thì Qatar có vẻ máu mê nhất. LĐBĐ nước này mở giải Q-League và nhử những ngôi sao lớn đã hết thời đến chơi với những khoản lương kếch xù. Năm 2004, chân sút Batistuta được trả 9,6 triệu USD trong 2 năm để đến đó chơi bóng. Các ngôi sao khác như Romario, Desailly, Effenberg cũng từng gia nhập Q-League.

Tập đoàn đầu tư nhà nước QIA có vốn 50 tỷ USD chủ trì các hoạt động đầu tư thể thao của Qatar. Họ mang giải quần vợt quy tụ 8 cây vợt nữ hàng đầu WTA Championship về Qatar trong 3 năm 2008-2010. Họ đã tổ chức Asian Games 2006 và sẽ tổ chức giải bóng đá Asian Cup năm 2011. Tham vọng lớn nhất của Qatar là mang Olympic 2016 đến thủ đô Doha, đối thủ của Doha là Tokyo, Madrid, Rio de Janeiro. “Chúng tôi hy vọng mọi người sẽ đến Qatar để có một cái nhìn mới về thế giới Arab”, Bin Ali, chủ tịch ủy ban đăng cai Olympic 2016 của Doha nói.

Qatar đã có khu liên hợp thể thao trong nhà Aspire Zone lớn đến mức có thể thi đấu 10 môn thể thao khác nhau trong đó một lúc. Một sân bóng dưới lòng đất cũng đang được xây dựng.

Qatar cũng là chủ dự án Aspire Africa với 6.000 nhân viên giám định khả năng của nửa triệu cậu bé ở 700 điểm trên 7 quốc gia châu Phi là Cameroon, Nigeria, Senegal, Ghana, Nam Phi, Kenya, Algeria. Trước đây, Qatar dùng tiền quyến rũ các VĐV thành danh như các VĐV chạy cự ly trung bình Kenya hay các VĐV cử tạ Bulgaria đến khoác áo nước họ. Nay, họ không muốn nhập khẩu hoàn toàn theo kiểu đó nữa mà muốn tự tay tham gia vào quá trình đào tạo.

Các cậu bé tài năng được mang về Aspire Academy, học viện đào tạo được xây ở Doha với giá 1,3 tỷ USD, để đào tạo trở thành cầu thủ giỏi sau này khoác áo tuyển Qatar và bán sang cho các CLB châu Âu. Học viện này được Zidane, Pele, Maradona cố vấn gồm nhiều thầy dạy bóng đá giỏi đứng lớp. Quan điểm Qatar là họ tạo điều kiện cho những đứa trẻ tài năng nhưng nghèo đến mức không có nổi một đôi giày chơi bóng cơ hội phát triển tài năng. Nhưng dưới mắt LĐBĐ châu Phi thì là buôn bán, bóc lột người bất hợp pháp.

Nhưng ai sẽ là những người tiêu thụ món hàng thể thao này? Qatar chỉ có dưới 1 triệu dân, các nước vùng Vịnh kể trên dân số cũng ít. Giải WTA Championship dù mở cửa tự do vẫn còn nhiều chỗ trống trên khán đài. Làm sao có thể tạo được sự đam mê, ham muốn trở thành ngôi sao ở đất nước mà người dân không phải đóng thuế và có mức thu nhập trung bình cao nhất thế giới?

Thể thao cần được nuôi dưỡng và sinh lợi trong những môi trường đầy đam mê. Người Arab bất chấp điều đó. “Cứ xây dựng thật hoành tráng rồi cả thế giới sẽ đến” đang là triết lý ở vùng Vịnh. Và những đồng đô-la từ dầu mỏ vẫn được đổ ra để bóp méo sức mạnh của quy luật cung cầu. Để xem triết lý của họ thành công đến đâu.

Đinh Hiệp (theo thanhnien)


Bình luận (0)