Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão TPHCM vừa cho biết: dự kiến, thời gian bão ảnh hưởng trực tiếp đến Nam bộ trùng với thời điểm đỉnh triều các sông tại TPHCM lên cao, hồ Dầu Tiếng xả lũ… nên nguy cơ ngập lụt rất cao.
Theo Thông báo triều cường của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước đỉnh triều cường hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai sẽ lên mức cao trong những ngày từ 12/11 đến 16/11. Mực nước cao nhất tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) có khả năng dao động từ 1,45 m đến 1,48 m (xấp xỉ đỉnh triều lịch sử 1,49m).
Trong hai đợt triều tháng 10 vừa qua, mức triều cũng dao động trong khoảng này kết hợp với các cơn mưa nhỏ mà bờ bao TP đã vỡ nhiều vị trí, gây ngập lụt khắp nơi. Đỉnh triều giữa tháng 11 sẽ càng gay go hơn vì kết hợp thêm hai yếu tố là bão và xả lũ.
Nếu bão số 9 di chuyển đúng theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương thì đến ngày 12/11, bão sẽ di chuyển ngang khu vực biển tỉnh Khánh Hòa và sẽ di chuyển về phía Tây – Tây Nam trong các ngày kế tiếp, tức là càng lúc càng gần khu vực Nam Bộ hơn. Thời điểm đó, chắc chắn sẽ gây ra mưa gió kéo dài trong khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Còn Theo báo cáo của Công ty TNHH một thành viên Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng thì hồ Dầu Tiếng hiện nay đang tích nước với mực nước gần bằng cao trình mực nước thiết kế (cũng là mực nước báo động cấp III). Dự báo từ nay đến giữa tháng 11/2008, tổng lượng nước về hồ vào khoảng 189 – 270 triệu m3. Khi đó, lượng nước thừa cần phải xả xuống hạ du trong khoảng giữa tháng 11 là 120 – 200 triệu m3.
Với diễn biến mưa bão phức tạp, cộng với lưu lượng nước xả lũ cực lớn từ hồ Dầu Tiếng, chắc chắn hệ thống đê bao chủ yếu làm bằng đất sét của TPHCM sẽ không chịu nổi, đặc biệt là hệ thống đê bao của huyện Củ Chi, quận 12. Ngoài ra, một số vùng thấp trũng của TP cũng sẽ đối mặt với nguy cơ ngập cục bộ khi mưa gió kèo dài do ảnh hưởng bão số 9 xảy ra.
Do vậy, chiều tối ngày 8/11, UBND TPHCM đã khẩn trương ra công điện yêu cầu các quận huyện ven biển, ven sông chuẩn bị kế hoạch di dời dân ở các khu vực xung yếu đến nơi an toàn, trước hết là trẻ em, người già, tàn tật, phụ nữ, đảm bảo các điều kiện hậu cần, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự tại nơi tạm cư.
Các quận – huyện có khu vực thường xuyên bị ngập úng (huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, quận Thủ Đức, quận 12…) triển khai ngay các biện pháp phòng, tránh, ứng phó với tổ hợp bất lợi do triều cường, mưa bão, xả lũ gây ra; túc trực 24/24 và chuẩn bị sẵn máy bơm để bơm nước, vật liệu để gia cố bờ bao ngay khi phát hiện sự cố.
Các quận huyện cũng phải thông báo cho các tổ chức, cá nhân đóng trên địa bàn kiểm tra kho tàng, hàng hóa, máy móc, thiết bị để di dời đến địa điểm an toàn nhằm giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra mưa bão.
UBND TPHCM cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH một thành viên Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng cho phép sử dụng dung tích phòng lũ và điều tiết xả lũ với lưu lượng thấp để giảm lưu lượng nước về hạ lưu, nhất là thời điểm nước dâng cao do ảnh hưởng của bão và triều cường.
Tùng Nguyên (dantri.com.vn)
Bình luận (0)