Giá rẻ, nguy hiểm, không nguồn gốc, xuất xứ… đó chính là những nét đặc thù riêng của thị trường đồ chơi trẻ em hiện nay. Và trên thực tế đã có không ít trường hợp các bậc phụ huynh phải đưa con vào bệnh viện cấp cứu vì trẻ chơi những loại đồ chơi này…
Tết Trung thu 2008 đang đến gần, cộng với nhu cầu mua đồ chơi cho trẻ em nhân dịp hè khiến thị trường đồ chơi trẻ em nhộn nhịp lên từng ngày. Tai nạn đáng tiếc do đồ chơi nguy hiểm, độc hại cũng theo đó tăng cao.
Tai nạn từ đồ chơi
TP.HCM: xuất hiện nhiều loại đồ chơi lạ Khu vực Chợ Lớn (Q.5) được xem là nơi bán sỉ các loại đồ chơi trẻ em lớn nhất ở khu vực phía Nam. Không chỉ những người bán đồ chơi trong TP mà cả những tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương… thậm chí ở miền Tây, miền Trung cũng tới đây lấy hàng. Chỉ một đoạn đường Ngô Nhân Tịnh, P.12, Q.5 chưa đến 100m có đến 16 tiệm bán sỉ đồ chơi. Vào những ngày đầu tháng 7-2008, lượng khách hàng từ các tỉnh về đây lấy hàng luôn tấp nập. Chị Thủy, chủ cửa hàng đồ chơi trẻ em từ Nha Trang, cho hay: “Đồ chơi ở đây màu sắc hấp dẫn, nhiều chủng loại nên tháng nào tôi cũng về đây lấy hàng. Đặc biệt, những đồ chơi dạng siêu nhân, súng bắn nhạc, súng bắn tên dính, kiếm nhựa… bán rất chạy!”. Theo quan sát tại tiệm bán đồ chơi ở khu vực này, ngoài những loại đồ chơi hình dạng siêu nhân, những nhân vật anh hùng trong phim, truyện tranh hay những game mới ra đều được mô phỏng. Thị trường đồ chơi năm nay xuất hiện robot bắn bi giá 28.000-30.000 đồng/bộ mô phỏng theo trò Boom online đang “hot”, thú bông mô phỏng phim CJ7… Ngoài ra, xuất hiện đa dạng các loại súng nhựa. Chỉ 10.000-50.000 đồng là có thể sở hữu một cây súng có âm thanh, màu sắc đủ loại từ súng đơn đến súng ghép. Đặc biệt, năm nay có thêm loại súng bắn ra tia laser dài, giá từ 45.000-80.000 đồng/cây. Tại cổng Trường tiểu học Trần Nhân Tôn (Q.10) có bán một loại bong bóng rất lạ. Nó chỉ là một cái gói hình vuông nhỏ bằng bàn tay, sau khi đạp chân lên sẽ từ từ phình to rồi nổ “đốp” một tiếng, để lộ một bong bóng hình trái tim bên trong gói nhỏ này. Trái tim này rất dễ vỡ, khi vỡ chảy ra dung dịch màu trắng sữa. Tuy nhiên trên bao bì sản phẩm không hề ghi tên thành phần hóa chất cũng như cảnh báo liên quan đến hóa chất này. ĐÀM NHUNG – LÊ SƠN
|
Chiều 2-7, anh Nguyễn Thành Trung ở A12, Thanh Xuân (Hà Nội) vội vàng đưa con gái 5 tuổi đi khám bác sĩ khi bất ngờ bé xuất hiện mẩn ngứa trên mặt, tay và cổ. Tại phòng khám, sau khi khám cho bé và nghe anh Trung cho biết bé vừa tiếp xúc với hộp đất nặn nhiều màu, bác sĩ khẳng định: con anh bị dị ứng với phẩm màu trong đất nặn. Quá lo lắng, anh Trung đưa con đến Viện Da liễu, bác sĩ kê một đơn thuốc gồm thuốc chống dị ứng và xà bông tắm chứa chất chống nhiễm khuẩn từ hóa chất. Xem kỹ trên vỏ hộp đất nặn mà anh Trung mua cho con chơi chỉ có vô số chữ Trung Quốc, không có một từ tiếng Việt nào.
Theo chị Đỗ Thị Nga, điều dưỡng viên Bệnh viện Nhi trung ương, tại các khoa của bệnh viện đều có trẻ em điều trị do tai nạn từ đồ chơi. Có trẻ bị “điếc tạm thời” do âm thanh chói tai phát ra từ đồ chơi, có trẻ nhiễm độc đường hô hấp, phổ biến là trẻ bị dị vật xâm nhập đường thở do hít, nuốt phải đồ chơi. Trong đó có không ít trường hợp đáng tiếc đã xảy ra như tử vong, viêm phổi mãn hay hỏng mắt, giảm thị lực.
Tương tự, sau một thời gian sử dụng đồ chơi là chiếc ống nhòm lắp hình để quan sát con vật (một loại đồ chơi đang bán phổ biến trên thị trường), cháu Hà Nam Anh, con anh Hà Trung Dũng ở tập thể Hoàng Cầu, phải đi khám mắt vì thường xuyên chảy nước mắt và nhìn kém.
Bác sĩ cho biết do đèn chiếu hình những con giống trong chiếc ống nhòm quá yếu, lại phải ghé sát mắt để quan sát một vật nhập nhèm như vậy nên thị lực của cháu đã suy giảm nghiêm trọng. Anh Dũng cho hay anh mua chiếc ống nhòm trên phố Hàng Mã với giá 30.000 đồng kèm theo một túi hình các con vật in trên nhựa cứng để thay phiên lắp vào ống quan sát. Anh Dũng cũng không rõ đây là đồ chơi của nước nào sản xuất vì không có bất kỳ giấy tờ gì kèm theo.
Tràn ngập đồ chơi… độc hại
Tại Hà Nội không chỉ ở những tuyến phố chuyên bán đồ chơi trẻ em như Lương Văn Can, Hàng Mã, Đinh Lễ… mà ở bất kỳ ngõ phố, con hẻm nào người ta đều dễ dàng tìm mua những loại đồ chơi rẻ tiền nhưng tiềm ẩn không ít rủi ro cho người chơi. Nếu như những năm trước đây chủ yếu là các loại đồ chơi bạo lực như súng bắn chì, đạn nhựa, kiếm nhựa cứng, thú vật phun lửa… thì năm nay đã xuất hiện những đồ chơi sử dụng ánh đèn laser, đồ chơi sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc.
Chị Liên – nhà ở tập thể Văn Chương – cho biết con gái 9 tuổi của chị mới đây đã mua về một chiếc bình đựng những hạt xốp nhẹ nhiều màu rực rỡ trên phố Khương Trung. Cả chị Liên và con gái đều không biết những hạt đó làm bằng gì, có độc hại không. Hỏi lý do, cô bé hồn nhiên: “Mua những hạt này về thả vào bình nuôi cá sẽ nở ra rất to và đẹp”. Khi mở thử chiếc bình ra, bất ngờ hàng loạt những hạt bé nhỏ xinh xắn theo nhau bay ra và lơ lửng trước mặt, chỉ cần thở khẽ là bay thẳng theo chiều gió.
Tại nhiều cửa hàng xuất hiện những chiếc máy bay, đu quay vừa eo éo nhạc vừa phun “mưa” cũng hấp dẫn rất nhiều trẻ nhỏ. “Mưa” ở đây là một loại nước làm từ hóa chất phun ra bọt dạng như bọt xà phòng xanh đỏ tím vàng. Một chị bán hàng trên phố Lương Văn Can hướng dẫn: “Hết nước thì pha xà phòng loãng ra rồi đổ vào khoang phía trên là nó lại phun ngay ấy mà”.
Tương tự như vậy là một loạt các loại lọ nhựa to nhỏ bán theo vỉ chứa thứ hóa chất pha loãng và một chiếc que đính kèm nắp, mở lọ ra nhúng chiếc que vào giơ lên thổi, bong bóng xanh đỏ tím vàng theo nhau bay tứ tung. Nếu chẳng may dính vào chân tay, người chơi sẽ tha hồ gãi vì ngứa…
Khảo sát tại nhiều cửa hàng đồ chơi ở nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội, hầu hết đều có một điểm chung là đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như hướng dẫn sử dụng. Chị H. – chủ một cửa hàng trên phố Kim Giang (Hà Nội) – thừa nhận: “80% đồ chơi ở cửa hàng tôi và các hàng lân cận là hàng trôi nổi”. Những chú robot, máy bay, ôtô tí hon dạng lắp ghép có giá rẻ mạt từ 2.000-10.000 đồng có thể vặt bất cứ bộ phận nào và cho vào mồm nuốt dễ dàng.
Kiểm soát… bó tay
Theo nhiều chủ cửa hàng, hầu hết các mặt hàng đồ chơi trẻ em hiện đang bày bán tại Hà Nội được nhập lậu chủ yếu theo hai đường Lạng Sơn và Móng Cái.
Tại Hà Nội, chỉ riêng trong những tháng đầu năm 2008, Chi cục Quản lý thị trường đã thu giữ, tiêu hủy một lượng lớn hàng nhập lậu, hàng giả lưu thông trên địa bàn, trong đó có một lượng không nhỏ là đồ chơi trẻ con (súng nhựa bắn đạn nguy hiểm) các loại, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Một nhân viên Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho hay so với năm 2007, thị trường đồ chơi trẻ em năm nay đa dạng hơn, nhiều mẫu mã chủng loại hơn, tuy nhiên chất lượng vẫn không có gì đảm bảo và đặc biệt là hàng có sử dụng hóa chất, phẩm màu độc hại và đồ chơi bạo lực có xu hướng tăng. “Mặc dù đã ra quân và kiểm tra bất thường liên tục khi có nguồn tin hay phát hiện hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng nguy hiểm… song vẫn rất khó để kiểm soát” – nhân viên này cho biết.
Tuy nhiên, chị Vinh, một chủ cửa hàng bán đồ chơi ở chợ Thanh Xuân từ nhiều năm nay, cho biết chưa bao giờ bị kiểm tra hay cấm bán các mặt hàng không nguồn gốc, độc hại. Chính vì vậy nên hàng không rõ nguồn gốc, hàng có nguy cơ độc hại vẫn được chị “vô tư” lấy về bán. Đây cũng là tâm lý của hầu hết những người bán hàng đồ chơi trẻ em tư nhân trên địa bàn Hà Nội.
Bình luận (0)