Vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cùng các ban ngành chức năng có liên quan đã có buổi làm việc về chất lượng nguồn nước ngầm trên địa bàn TP.HCM. Tại buổi làm việc này vấn đề quản lý giếng nước khoan và cảnh báo những nguy hiểm từ nguồn nước chưa qua xử lý độc tố này lại một lần nữa được đưa ra mổ xẻ và cảnh báo.
Giếng khoan lậu, không thể kiểm soát
Theo báo cáo của Sở TN&MT, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân TP khoảng 1,7 triệu m3 nước/ngày. Tuy nhiên, khả năng khai thác của TP mới chỉ ở mức1,15 triệu m3 /ngày đêm tại hai nhà máy nước là nhà máy nước Thủ Đức (công suất 850.000m3 /ngày đêm) và 300.000m3 nước/ngày đêm từ dự án cung cấp nước sông Sài Gòn. Vùng ven ngoại thành nguồn nước sử dụng, sinh hoạt chính hàng ngày là nguồn nước ngầm. TP không thể kiểm soát được số lượng giếng khoan lậu, thậm chí là phải làm lơ vì nhu cầu sử dụng nước của người dân hiện nay rất lớn. Trong khi đó lượng nước cung cấp của TP cho dân thì lại quá thiếu.
Kết quả kiểm tra tình trạng giếng khoan trái phép tại một số khu công nghiệp (KCN) mới đây, đoàn kiểm tra đã ghi nhận tại KCN Tân Bình đang có 87 giếng khoan lậu, KCN Tân Thới Hiệp có 27 giếng, KCN Tây Bắc Củ Chi có 35 giếng, KCN Tân Tạo 17 giếng, KCN Vĩnh Lộc có 36 giếng… Tuy vậy, những con số trên chỉ là những con số tượng trưng bởi số lượng giếng khoan trong thực tế thì có thể nói là đếm không xuể. Hiện tại các khu vực kiểm tra trên, nguồn nước sạch vẫn chưa được lắp đặt hoặc có thì cũng là con số rất nhỏ ở một số tuyến chính.
Báo cáo từ Sở TN&MT cho thấy, từ tháng 5-2007 đến tháng 5-2008, Sở chỉ mới cấp phép cho 190 giếng nước khoan. Tuy nhiên, số giếng nước khoan để khai thác nguồn nước ngầm tại TP.HCM, đặc biệt là ở các quận huyện ven ngoại thành trong thực tế là một con số khổng lồ, gấp hàng ngàn lần con số 190 giếng khoan được cấp phép trên. Số lượng giếng khoan để sử dụng nguồn nước ngầm hiện nay tập trung nhiều nhất ở các quận huyện như: Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè, Q.12, Cần Giờ, Hóc Môn… thậm chí một số khu vực nội thành của các quận 3, 6, 10 dù đã được gắn đồng hồ nước nhưng không ít hộ dân vẫn phải tự khoan giếng và sử dụng nguồn nước ngầm do áp lực nước ở một số khu vực cuối nguồn nước chảy rất yếu, kể cả không có nước.
Chính việc thiếu nguồn nước sinh hoạt dẫn đến việc khoan giếng và sử dụng nước ngầm vô tội vạ bất chấp các khuyến cáo về an toàn nguồn nước, an toàn địa chất như hiện nay đã làm TP bị sụt lún nghiêm trọng. Hiện đã có những số liệu xác nhận hiện tượng sụt lún cục bộ tại các quận huyện có số lượng giếng khoan nhiều như: Q.6, Q.11, Q.12, Bình Tân và huyện Bình Chánh.
Nước giếng khoan, tác nhân gây nhiều chứng bệnh
Bác sĩ Minh Quang – Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường cảnh báo rằng, những người sử dụng nguồn nước khoan chưa qua kiểm tra để ăn uống thì có nguy cơ đối mặt với bệnh tật rất cao do nguồn nước bị nhiễm arsenic (thạch tín). Đó là chưa kể nguồn nước từ những giếng khoan này còn bị nhiễm các chất hữu cơ, chất sắt cùng một số vi khoáng nguy hiểm khác có trong tầng địa chất. Theo quy định và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tiêu chuẩn của Việt Nam, nếu nguồn nước có hàm lượng thạch tín vượt quá 10mg/lít là đã bước qua khỏi giới hạn an toàn cho phép cần phải nghiêm cấm sử dụng. Những người sử dụng nguồn nước có nhiễm thạch tín lâu ngày, có thể mắc phải một số bệnh về: tiêu hóa, hô hấp, bàng quang, tiểu đường, gan hay bạch huyết… mà nghiêm trọng nhất là nguy cơ mắc bệnh ung thư cao.
Theo ý kiến của một số lãnh đạo các ngành liên quan thì Sở TN&MT cần phải có những biện pháp cụ thể hơn trong việc gia tăng công suất phát nước, tuyên truyền người dân về ý thức tự bảo vệ mình thông qua sử dụng một số biện pháp thanh lọc nguồn nước như: dùng bể cát, bình lọc… hơn là việc ra lệnh cấm như hiện nay vì nó thật sự chưa khả thi. “Chúng ta không thể trách người dân vì họ chẳng còn cách nào khác là phải tiếp tục sử dụng nguồn nước giếng để xài, chấp nhận sử dụng nguồn nước được cảnh báo là có nguy cơ tiềm ẩn bệnh tật vì hiện nay người dân các khu vực trên có muốn sử dụng cũng không thể được” – bác sĩ Quang nói.
Quản lý thế nào?
Đại diện của Sở TN&MT cho biết: “Để bảo vệ và khai thác nguồn nước ngầm một cách hợp lý hơn, cũng như bảo vệ nguồn nước ngầm đang ngày một xấu đi ở các quận ven và huyện ngoại thành, Sở sẽ chỉ đạo các ngành chức năng kết hợp với địa phương tổ chức quản lý chặt hơn nữa việc cấp phép cho các cơ sở hoạt động kinh doanh khoan giếng và các cá nhân khai thác nước ngầm không xin phép”. Theo đánh giá của Sở TN&MT trong những lần đi kiểm tra các cơ sở đang hành nghề chuyên khoan giếng, khai thác nước ngầm trên địa bàn TP thì hầu hết các chủ cơ sở trên đều có kiến thức rất hạn chế về tầng nước ngầm của TP, về các thông số địa chất. Họ chủ yếu là khoan theo yêu cầu của khách hàng, khoan bất kể mật độ giếng khoan được quy định trên một diện tích đất cho phép (bởi có nhiều nơi, mật độ giếng khoan rất dày) dẫn đến việc nguồn nước bị khai thác quá mức, gây mất cân đối trong việc bổ sung trữ lượng nước ngầm khi mà chỉ trong một khu vực nhỏ tập trung quá nhiều phễu nước. Điều này làm cho mực nước ngầm TP ở một số khu vực có mật độ giếng khoan dày đặc bị hạ thấp, gây ra các tầng nước bị thấm, nhiễm bẩn, nhiễm mặn ngày càng nhanh hơn, đặc biệt là tình trạng lún sụt đất tại một số khu vực có khai thác sử dụng nguồn nước ngầm đã xuất hiện ngày một nhiều hơn.
Từ những lo ngại về chất lượng nguồn nước ngầm không còn được sạch như trước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, sự ổn định của các tầng địa chất ngầm của TP, Sở TN&MT đã có kế hoạch sẽ quản lý và siết chặt hơn nữa việc khai thác, sử dụng nước ngầm một cách quá mức như hiện nay. Bên cạnh việc sẽ thường xuyên kiểm tra xử phạt nghiêm các cơ sở chuyên nhận khoan giếng lậu trong thời gian tới, Sở TN&MT cũng đã có văn bản đề nghị các quận ven và huyện ngoại thành triển khai một số biện pháp cấp bách như: không để cho số lượng giếng khoan gia tăng thêm, xử lý nghiêm các cá nhân, cơ sở khoan giếng không có giấy phép để giảm bớt áp lực nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức như hiện nay.
Nguyễn Anh Tútc "nguyeãn anh tuù"
Bình luận (0)