Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình 2 được thành lập vào cuối tháng 12-2002 và là mô hình đầu tiên của cả nước về nuôi dưỡng trẻ nhiễm HIV. Nơi đây hiện có 39 nhân viên, trong đó 36 bảo mẫu chăm sóc cho 95 em từ trẻ sơ sinh đến những em thiếu nhi. Nhiều người ví đây là “bệnh viện cuối cùng” cho những đứa trẻ này, vì tất cả những đứa trẻ ở trung tâm đều mang trong người mầm bệnh AIDS – căn bệnh thế kỷ mà đến nay thế giới vẫn chưa tìm ra phương thuốc chữa trị.
Những người mẹ của… “vạn đầu con nhỏ”
Những ngày đầu do chưa được trang bị đầy đủ những kinh nghiệm cũng như kỹ năng chăm sóc trẻ nhiễm HIV nên cán bộ, công nhân viên gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy trong những năm đầu tỷ lệ tử vong rất cao, năm 2003 là 15 trẻ, năm 2004 là 10 trẻ. Nhìn thấy sức khỏe của bé ngày càng yếu ớt, các mẹ đau xót và cố gắng tìm hiểu sâu thêm về căn bệnh cũng như các kỹ năng chăm sóc bé để sức khỏe của bé tiến triển ngày càng tốt. Sau các đợt tập huấn do Ủy ban Phòng chống AIDS tổ chức, cộng với những kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc trẻ, các bảo mẫu ngày càng trang bị cho mình kỹ năng tốt hơn nên số lượng trẻ tử vong giảm dần, năm nay trung tâm không có trẻ nào tử vong.
Việc chăm sóc những đứa trẻ bình thường đã vất vả, khó khăn thì chăm sóc trẻ mang trên mình căn bệnh hiểm nghèo này lại càng khó khăn gấp bội. Mẹ của các bé thường là gái hành nghề mại dâm nên có rất nhiều trẻ khi được đưa vào trung tâm đã mắc phải những căn bệnh xã hội như mồng gà, giang mai, bệnh lậu… Các em bị lở loét, dịch chảy bám đầy quần áo, sàn nhà. Nếu vệ sinh không kỹ thì những căn bệnh này lây lan rất nhanh, nhất là vào những ngày mùa mưa. Cô Bích là trẻ mồ côi được Trung tâm Tam Bình 1 nuôi dưỡng từ nhỏ, lớn lên cô ở lại nhận chăm sóc cho các bé. Cô đã ngoài 40 và tổ ấm của cô chính là trung tâm, vì vậy những đứa trẻ nơi này là một phần không thể thiếu đối với cô. “Khi mới bắt đầu làm công việc này, quả thực mình cũng có phần lo lắng. Nhưng nếu mình không tắm rửa cho bé, bé sẽ bị đau. Công việc dần dần cũng quen, bây giờ mỗi lần tắm giặt cho bé xong, nhìn bé sạch sẽ nô đùa như bao đứa trẻ hồn nhiên vô tư khác mình cảm thấy không hạnh phúc nào bằng” – cô Bích tâm sự.
Cùng với cô Bích, còn có rất nhiều người mẹ hiền lo cho từng giấc ngủ của bé. Cô Nhung, Tổ trưởng tổ Tuổi thơ trước đây làm việc Trung tâm Giáo dục dạy nghề Phụ nữ, sau cơ quan bị giải thể cô tự nguyện xin vào trung tâm làm mong được giúp đỡ các bé. Cô có một gia đình hạnh phúc yên ấm, một người chồng hiểu và cảm thông, chia sẻ với những khó khăn trong công việc mà cô đang làm. Mỗi ngày cô làm việc ở trung tâm từ sáng đến tối, có lúc phải đi làm ca đêm, đứa con nhỏ của cô thì gửi ở nhà trẻ. Công việc gia đình bận rộn là vậy, nhưng kể từ khi công tác ở đây cô vẫn chưa một ngày nghỉ phép. Trước đây cô đã từng chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm HIV nên khi vào làm việc ở trung tâm, cô có nhiều kinh nghiệm hơn. Theo cô, “chỉ khi nào chúng ta coi những đứa trẻ ở đây như những đứa con của mình chúng ta mới có thể chăm sóc chu đáo cho chúng được”. Cô cảm thấy hạnh phúc khi được gần các bé, vì vậy có những lúc rất mệt mỏi nhưng cô vẫn gắng sức đi làm.
Chăm sóc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt này không dễ nhưng các cô đã đem đến những điều kì diệu cho bé. Quả thật chỉ có những tấm lòng thực sự yêu thương trẻ, coi trẻ như những đứa con của mình thì mới có thể chăm sóc, giúp đỡ, nuôi dưỡng trẻ bằng cả tấm lòng như cô Nhung, cô Bích…
Điều làm các cô trăn trở nhiều nhất vẫn là làm sao để các cháu có sức khỏe thật tốt, chống chọi với bệnh tật. Thế nhưng hầu hết các bé khi được đưa vào trung tâm đều bị suy dinh dưỡng nặng, nhiều bé không được điều trị bằng thuốc do hoàn cảnh gia đình khó khăn, khi đưa vào trung tâm bệnh cơ hội tấn công và bùng phát. Chị Tiên, Phó giám đốc trung tâm tâm sự: “Chị rất buồn và bức xúc trước hình ảnh một em bé 5 tuổi ở Sóc Trăng. Bé được đưa về trung tâm trong tình trạng sống như thực vật, người suy dinh dưỡng nặng. Cha mẹ đã chết vì căn bệnh AIDS và bé được gửi lại cho những người thân chăm sóc. Do kém hiểu biết về tâm lý e ngại về căn bệnh thế kỷ này nên họ đã nhốt em vào một cái cũi riêng, đến bữa ăn đưa thức ăn vào cho em. Em không được tắm rửa thường xuyên, cũng không được tiếp xúc với cộng đồng nên khi được đưa vào trung tâm em bị suy dinh dưỡng nặng, năm tuổi mà em không biết đi, không nói được. Nhìn thấy các bé, chị rất đau lòng và chỉ mong được giúp đỡ thật nhiều cho bé. Chị Tiên hy vọng mọi người trong xã hội ngày nay được trang bị, hiểu biết nhiều về căn bệnh hiểm nghèo này thì nên hiểu sâu và chia sẻ tình thương cho bé bằng cả trái tim và chính hành động của mình.
Đưa “lớp học sida” về với mái trường thường
Các bé ở Trung tâm Bảo trợ và nuôi dưỡng trẻ em Tam Bình 2 không chỉ được các mẹ lo lắng cho từng bữa ăn, giấc ngủ mà còn được hướng dẫn học tập theo chương trình học của Bộ GD-ĐT. Hiện nay, tại trung tâm có 5 lớp học từ lớp 1 đến lớp 5 và mỗi năm các em cũng trải qua 4 lần thi học kỳ theo đề thi học kỳ của Trường Tiểu học Xuân Hiệp.
Các bé được dạy học bởi các cô giáo thương yêu học trò và có nhiều kinh nghiệm lâu năm như cô Quang, cô Nga… Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng hàng ngày cô Quang vẫn đến lớp dạy cho các bé học đều đặn. Trong một lần đến thăm trung tâm, nhìn những đứa trẻ ngây thơ, cô rất xúc động và nảy sinh ra ý định giúp đỡ các bé. Đang phân vân chưa biết làm cách nào thì cô được giám đốc cho biết trung tâm vẫn chưa tìm được người dạy cho các bé học tập. Vậy là mong muốn của cô đã trở thành hiện thực, cô nhận dạy cho các bé đủ các lớp, từ lớp 1 đến lớp 5. Những tháng đầu đến trung tâm, cô gặp phải sự phản ánh gay gắt từ phía gia đình nhưng bằng tấm lòng của mình cùng những kiến thức mà cô đã được trang bị thật kỹ khi dạy học ở trung tâm, cô đã thuyết phục được mọi người. Việc dạy học cho các bé trong hoàn cảnh đặc biệt này không dễ như những học trò bình thường của cô. Do phải uống thuốc nhiều nên khả năng tiếp thu bài của các bé có phần bị hạn chế. Vì vậy, thay vì giảng một lần như trước thì bây giờ cô phải giảng 3 đến 4 lần trẻ mới hiểu. Có nhiều bé sức khỏe yếu, bị bệnh phải nằm viện suốt cả tháng nên nhiều khi lớp học của cô chỉ khoảng 4, 5 em. Mỗi lần các bé xuất viện, sức khỏe ổn định cô lại làm việc thêm giờ để giúp các bé đó theo kịp những bạn khác trong lớp. Mỗi lần đến lớp thấy có gương mặt nào xanh xao, yếu ớt hay vắng mặt cô lại lo lắng, bồn chồn suốt cả buổi dạy.
Mong muốn cho trẻ được học tập trong môi trường cộng đồng chung, cô cùng với ban lãnh đạo trung tâm đã nhiều lần kiến nghị với Trường Tiểu học Xuân Hiệp đưa trẻ ra ngoài học giống những đứa trẻ bình thường khác. Nhưng gặp phải sự phản ứng gay gắt của các bậc phụ huynh là không thể đưa “lớp học sida” vào trường thường được, như vậy sẽ rất dễ bị lây lan bệnh. Vì lẽ đó mà nhà trường không thể nhận các em. Cô và các cán bộ vẫn không nản lòng, tiếp tục kiến nghị lên Sở GD-ĐT, các cơ quan liên ngành khác. Năm học này, trung tâm sẽ có 3 em lớp 4 và 1 em lớp 5 được học ở Trường Tiểu học Xuân Hiệp, 7 em vào học Trường THCS Xuân Trường. Đó là niềm hạnh phúc không chỉ của riêng các bé mà còn của anh chị em trong trung tâm.
Các chị ở trung tâm mỗi người đều có những hoàn cảnh khác nhau nhưng họ đều hội tụ lại với nhau bởi tấm lòng yêu trẻ. “Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng…”. Và chính tấm lòng cảm thông và đầy nhân ái của các cô đã mang đến cho các bé những tình yêu thương của người mẹ thực sự, để trẻ có thêm niềm tin và hi vọng vào cuộc sống này.
DƯƠNG BÌNH
Bình luận (0)