Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Các hãng xe đò được quyền tăng giá “nóng”?

Tạp Chí Giáo Dục

Thay giá cũ, áp dụng giá mới.Tại TP.HCM, nhiều hãng xe đò đồng loạt tăng giá vé vì không thể “gồng mình” tiếp tục chịu lỗ. Tuy nhiên, một số DN tăng trên 15% với lập luận: giá vé do DN tự quyết định.

Hàng chục hãng xe đò tăng giá vé

Theo ghi nhận của PV, hàng chục hãng xe đò thương hiệu, chất lượng cao tại bến xe miền Đông đều đã áp dụng mức giá mới hoặc dán niêm yết thông báo sẽ tăng giá vé trong vài ngày tới.

Chiều 7/8, tại quầy vé của doanh nghiệp (DN) Mai Linh, nhân viên công ty gỡ bỏ mức vé cũ và dán vào giá vé mới. Các tuyến xe đò của công ty này từ TP.HCM đi Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, Kon Tum… đều tăng giá. Tại bến xe miền Tây, các tuyến xe từ TP.HCM đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long của Mai Linh cũng tăng giá. Cụ thể, giá vé từ TP.HCM đi Vị Thanh (Hậu Giang) tăng lên 110.000 đồng/vé; TP.HCM – Cao Lãnh (Đồng Tháp): 80.000 đồng/vé, TP.HCM- Long Xuyên (An Giang): 100.000 đồng/vé, TP.HCM- Rạch Giá (Kiên Giang): 115.000 đồng/vé…

Giá vé của hãng xe đò chất lượng cao Hoàng Long từ TP.HCM đi Hà Nội (và ngược lại) tăng lên 870.000 đồng/vé; TP.HCM – Hải Phòng tăng lên 880.000 đồng/vé.

Theo lý giải của ông Vũ Văn Tuyến, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hoàng Long, giá dầu diezel tăng thêm 2.000 đồng/lít (14,39%) buộc DN phải điều chỉnh giá để bù đắp chi phí nhiên liệu.

Ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải – Dịch vụ Thương mại Phi Hiệp có hàng chục xe chạy tuyến TP.HCM – Đà Nẵng cho biết, sẽ điều chỉnh giá vé bắt đầu từ 10/8 vì thời gian qua “DN đã chịu lỗ khá nhiều”. Cụ thể, loại vé ngồi có giá 280.000 đồng/vé tăng lên 340.000 đồng/vé; loại nằm từ 300.000 đồng/vé tăng lên 380.000 đồng/vé.

“Giá vé xe lại tăng à? Bữa trước giá vẫn bình thường sao hôm nay lại tăng? Tăng gì tăng mãi thế…” – người phụ nữ đứng trước quầy vé đi Quảng Ngãi cứ lầm bầm trong miệng, lần khần hồi lâu khi lấy thêm tiền trong túi. Những động tác rề rà của chị khiến cô nhân viên bán vé phát cáu: “Chị không mua thì tránh chỗ cho người khác mua chứ”.

Những người đứng sau cũng lao xao sau cái thông tin tăng giá vé từ miệng cô nhân viên. Một người đàn ông gầy còm, lam lũ quê ở Sơn Tịnh tâm sự, ở quê mới bán xong lứa heo nái gom được hơn chục triệu đồng, ông đem người vợ vào Sài Gòn khám bệnh. Rồi ông chỉ qua người phụ nữ trạc tuổi trung niên: “Bà ấy nhìn vậy chứ bệnh hoài à. Cũng gần đi đứt số tiền mang theo rồi”.

Ông tính chi li: “Chỉ tính tiền xe, hai vợ chồng từ ngoài đó vào đây đã xài hết gần triệu đồng. Mà đâu phải giá xăng tăng không thôi, tiền thuê xe ôm, tiền cơm cũng lên giá, thậm chí cả cái chỗ trọ, nghe như không có vẻ gì liên quan gì đến nhiên liệu cũng tăng”.

Giữ giá cũ doanh nghiệp lỗ nặng

Giải thích vì sao nhà xe phải tăng giá vé, ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Công ty Xe khách Rạng Đông cho biết, nếu vẫn tiếp tục duy trì mức giá cũ, DN sẽ lỗ nặng. Đặc biệt, trong tình cảnh phụ tùng thay thế ô tô tiếp tục tăng, lãi suất vay ngân hàng cao, DN chỉ còn cách duy nhất là tăng giá vé. Không những vậy, nhiều DN cũng cắt bỏ dịch vụ xe trung chuyển hành khách từ nhà ra bến nhằm cắt giảm chỉ tiêu nhiên liệu ở mức thấp nhất.

Về vấn đề thời sự này, Sở GTVT TP.HCM cho biết, đã có 34 hãng xe đò hoạt động tại Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây đăng ký tăng giá vé. Một số DN cũng đang tiếp tục tiến hành thủ tục đăng ký giá vé mới với cơ quan chức năng.

Ông Trần Duy Sinh, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết, hơn 20 DN – với trên 24 tuyến vận tải từ TP.HCM đi các tỉnh và ngược lại đã tuyên bố tăng giá vé. Mức tăng trung bình từ 8-15%.

Tuy nhiên, một số tuyến xe của doanh nghiệp Kumho Samco, Mai Linh, Thành Công có mức tăng trên 15%, thậm chí tăng đến 30%, tương đương với mức tăng của giá nhiên liệu xăng dầu (31%).


Xe khách ở Đà Nẵng bắt đầu tăng giá vé 8 - 10% từ ngày 10/8 Đến chiều 7/8, mức giá vé mới mà công ty Mai Linh niêm yết thấp hơn so với dự kiến. Tuyến TP.HCM – Nha Trang có giá chính thức 125.000 đồng/vé; TP.HCM – Buôn Ma Thuột: 120.000 đồng/vé…

Trước hiện tượng tăng giá “nóng” của các hãng xe đò, ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, sẽ kết hợp với Sở Tài chính để làm việc với các bến xe. Dự kiến, ngày11/8, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra việc niêm yết giá vé, kê khai thuế, tăng giá vé tại Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây.

“Nếu tăng giá dưới 15% nhằm bù đắp chi phí nhiên liệu và đảm bảo cho DN hoạt động có lời thì vẫn chấp nhận. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn như thế này, tăng giá vé trên 15% thì phải xem xét lại” – ông Phượng nói. “Nhân dịp này mà tăng giá vé quá cao thì không thể chấp nhận được”.

Ông Phượng cho rằng, nhà nước kiểm soát việc tăng giá. Do vậy, cơ quan quản lý nhận thấy việc tăng giá hợp lý thì sẽ chấp thuận. Nhưng nếu tăng quá mức thì nhà nước sẽ can thiệp sao cho vẫn đảm bảo quyền lợi hành khách mà không gây ảnh hưởng đến quyền của DN.

Đà Nẵng: Đối phó bằng cách bán lệnh xuất bến!

Hiệp hội Vận tải TP. Đà Nẵng vừa quyết định từ ngày 10/8 sẽ điều chỉnh giá cước tăng từ 8-10% so với giá hiện hành. Theo ông Trần Văn Ba, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Đà Nẵng, mức điều chỉnh giá lần này là do giá nhiên liệu tăng. Tuy nhiên, mức tăng giá này vẫn thấp hơn mức quy định tại Công điện khẩn 1063/CĐ-TTg, tức là dưới 20% với phương tiện sử dụng xăng và dưới 10% với phương tiện sử dụng dầu diesel.

Theo mức giá mới, cước vận chuyển hành khách của HTX ô tô vận tải số 1 Đà Nẵng trên tuyến Đà Nẵng – Hà Nội tăng từ 180.000đ/vé lên 200.000đ, Đà Nẵng – TP.HCM (ngã tư Ga) 190.000đ/vé (tăng 20.000đ), Đà Nẵng – Hà Tĩnh 110.000đ/vé (tăng 10.000đ), Đà Nẵng – Đồng Hới (Quảng Bình) 85.000đ/vé (tăng 10.000đ), Đà Nẵng – Huế 40.000đ/vé (tăng 5.000đ), Đà Nẵng – Quy Nhơn 85.000đ/vé (tăng 10.000đ), Đà Nẵng – Quảng Ngãi 45.000đ/vé (tăng 5.000đ).

Trước đó, Hiệp hội Taxi Đà Nẵng cũng đã có đợt tăng giá, mức tăng tùy theo mỗi hãng nhưng thấp nhất là 2.000 đồng/km và cao nhất không quá 2.500 đồng/km.

Trong một diễn biến khác có liên quan, Phòng CSGT Công an Đà Nẵng cho biết, do giá xăng dầu tăng cao, lượng khách giảm mạnh nên nhiều nhà xe hoạt động tại Bến xe trung tâm Đà Nẵng đang đối phó với tình trạng lỗ bằng cách bán “lệnh xuất bến” cho xe khác.

Sau khi cho xe vào bến đón khách và nhận lệnh xuất bến đúng giờ theo quy định, các tài xế cho xe chạy đoạn ngắn và sau đó sang khách qua xe khác trên cùng tuyến. Theo các tài xế, hiện nay, trung bình mỗi xe khi xuất bến, lượng khách mua vé chỉ từ 30-35% so với số ghế của xe. Sở dĩ nhà xe phải nhận khách do các phiên chạy đã lên lịch từ trước, và họ cũng phải nhận để còn giữ chỗ cho những phiên sau.

Trần Duy – Hải Châu (VietNamNet.vn)

Bình luận (0)