Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tìm lại thời hoàng kim của nghề ươm tơ

Tạp Chí Giáo Dục

Khi những nong kén vàng óng ả được chuyển giao cho một công ty ở Hội An, ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc HTX nông nghiệp Điện Quang (TX.Điện Bàn, Quảng Nam) và vợ đã bật khóc vì quá vui mừng về khả năng hồi sinh nghề tằm tang trên đất Điện Quang.


Ông Nguy
n Đc Thành và ông Lê Thái Vũ bên nhng nong kén vàng óng. Ảnh: H.T

Cầm tiền triệu mà như ôm vàng ký

Đây là lứa nuôi thí điểm thứ 2 trong năm 2020 cho kết quả khả quan khi ông mang xuống phố cổ Hội An giao cho công ty lụa 25kg kén vàng với giá 150 nghìn đồng/kg. Trước đó, ở lứa nuôi thứ 1 với 2 hộp trứng giống tằm, HTX nông nghiệp Điện Quang cũng đã thu được sản lượng tương đương 45kg kén, bán ra được 6,75 triệu đồng. “3 năm qua, HTX đã cố gắng trồng dâu, nuôi tằm nhằm hồi sinh làng nghề tơ tằm truyền thống nổi tiếng Quảng Nam, nhưng đều thất bại”, ông Nguyễn Đức Thành, chia sẻ lý do mà cả hai vợ chồng già như ông đã bật khóc khi cầm trên tay hơn 3,75 triệu đồng tiền… bán kén đợt 2. Số tiền này với ai đó thật sự không nhiều, nhưng với người luôn đau đáu tìm lại thời hoàng kim của nghề ươm tơ dệt lụa ở Quảng Nam như ông Nguyễn Đức Thành, nó to lắm! Ông kể, 2 vợ chồng mang tiền về nhà, trải ra trên giường từng tờ tiền giấy, rồi săm soi, đếm đi đếm lại như để minh chứng cho sự hiện hữu của đồng tiền làm ra bằng chính mồ hôi và tâm huyết với nghiệp tơ tằm. “Số tiền trên nó quý lắm, vui lắm y như mình ôm vàng ký trong lòng vậy”, ông Nguyễn Đức Thành tâm tình và cũng bật mí lý do vì sao đợt 2 HTX chỉ dám nuôi có 1 hộp trứng giống tằm. Bởi theo ông, nó hồi hộp lắm, dễ đau tim lắm. Nhất là có lứa tằm như vào mùa hè 2019 đã bắt đầu kết ổ, cho kén, thì đùng một cái trời nắng như nung, nhiệt độ từ 29 nhảy vọt lên 35, rồi 37 độ, khiến con tằm… đứt mạch nhả tơ và lăn đùng ra… chết! Hơn nữa, ông cũng đã từng “dính chưởng” nhiều lần nuôi thử thất bại, nên mới đạt kết quả lần đầu với 48kg kén, dẫu khấp khởi mừng vui, nhưng hai vợ chồng phải cố giữ kín trong lòng vì nó “như một giấc mơ” nếu thở mạnh có khi tan mất. Rồi ông Thành tâm tình rằng lỡ nuôi tằm lần 2, lần 3 mà gặp “chuyện buồn” thì khó ăn khó nói với bà con trong HTX!


Ông Nguyn Đc Thành. Ảnh: H.T

Cũng theo ông Thành, lứa tằm thứ 3 mà bà con trong HTX đang chăm sóc được kỳ vọng mang lại hiệu quả cao hơn cả 2 lứa trước nữa. Năm nay, HTX nông nghiệp Điện Quang lên kế hoạch trồng thêm 10ha dâu, đồng thời mở rộng số lượng người dân đăng ký tham gia nuôi tằm, thu kén và ký hợp đồng mua bán, bao tiêu sản phẩm với Công ty CP tơ lụa Quảng Nam, chính thức mở ra cơ hội hồi sinh, phát triển nghề tằm tang xứ Quảng.

Thất bại phải tự đứng lên

Ông Thành kể, gia đình ông có tới 4 đời theo nghề trồng dâu nuôi tằm và bản thân ông từng “được mẹ sinh rớt dưới gốc dâu”, nên ông rất rành về đặc tính sinh triển. Nhưng vì “bỏ nghề” quá lâu, lại chưa tiếp cận với kỹ thuật nuôi tằm, trồng dâu hiện đại nên khi nuôi lại “giấc mơ thời hoàng kim tơ tằm” đã chật vật, khổ sở y chang thời “nuôi tằm ăn cơm đứng”. Và mọi việc cũng bắt đầu vào guồng, suôn sẻ hẳn ra. Việc chăm sóc cây dâu, nuôi tằm trong điều kiện thời tiết, nhiệt độ bao nhiêu và làm thế nào để tằm cho kén đạt chất lượng nhất đã được ông Thành ghi chép tỉ mỉ, rồi hướng dẫn cặn kẽ cho các hộ trong HTX tham gia dự án hồi sinh nghề trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa ở Quảng Nam.

Trong giai đoạn 1977-1992, nghề dâu tằm của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng phát triển cực thịnh. Dọc theo dòng sông Thu Bồn, Vu Gia nhà nhà trồng dâu, người người nuôi tằm, đi đến đâu cũng nghe ì ầm tiếng khung cửi dệt lụa, ông Nguyễn Đức Thành cũng là người tiên phong lập tổ hợp tác ươm tơ. Ông nhớ lại, hồi năm 1978 mà kêu gọi được các tổ viên đóng góp mỗi người 1 chỉ vàng để sắm trang thiết bị nấu kén, quay tơ là dữ dằn lắm. “Thời đó, bà con tin tưởng nên họ mới góp vốn làm ăn theo kiểu “góp cổ đông” như bây giờ để chia lời chia lãi là chuyện lạ, nên sau 2 năm tồn tại đã bị các anh ở huyện, ở xã đến thu thiết bị, buộc nghỉ vì manh nha làm ăn kiểu tư sản”, ông Nguyễn Đức Thành, hồi tưởng lại kỷ niệm mà ông cho là khó nhạt phai, khi chập chững, mon men làm ăn theo kinh tế thị trường. 

Những tưởng nghiệp tơ tằm của ông đến đây là… đứt! Nào ngờ, Giám đốc Công ty dâu tằm tơ tằm Quảng Nam – Đà Nẵng Lê Phước Toàn nhìn nhận ra nhiệt huyết của ông nên năm 1989 đã giao xây dựng và làm Giám đốc Nhà máy ươm tơ Điện Quang. Công trình đang xây, ngổn ngang sắt thép, thì bất ngờ Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đến thăm, động viên, chia sẻ về hướng đi tích cực của nghề ươm tơ dệt lụa đối với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Nhà máy này có trên 450 công nhân, sản xuất mỗi năm 20 tấn tơ. Ngoài vốn vay của HTX để xây dựng nhà máy, ông Thành cũng tiếp tục cho “cổ phần hóa” để công nhân góp vốn mỗi người 1 chỉ vàng, chia lời hằng tháng, tạo động lực mạnh mẽ cho người công nhân tham gia làm chủ, cùng chịu trách nhiệm với lãnh đạo nhà máy. Làm riết đến năm 1992, Công ty dâu tằm tơ tằm Quảng Nam – Đà Nẵng thay tướng, ông Lê Phước Toàn rời chức giám đốc, mang theo cả thời hoàng kim của nghề tơ tằm Quảng Nam…

Máu nóng vẫn còn sục sôi

Theo ông Nguyễn Đức Thành, sau khi “thay tướng” ở Công ty dâu tằm tơ tằm Quảng Nam – Đà Nẵng, các chính sách hỗ trợ cho người trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa cũng thay đổi và kèm theo đó thị trường tơ lụa Quảng Nam cũng dần thu hẹp trên trường quốc tế. Đến những năm 1997-1999, người nông dân sống với nghề tằm tang bỏ nghề, chặt hạ, đào gốc dâu để trồng cây lương thực ngắn ngày… “Nhìn bà con xuống tay triệt hạ cây dâu ruột gan tôi như lửa đốt, bao đêm ròng không thể chợp mắt, xót xa! Nhớ ngày nào rộn rã tiếng thoi đưa, xóm làng trù phú, bỗng chốc tàn phai, im ắng đến nao lòng”, ông Thành rưng rưng nhớ lại. Dù vậy tận đáy lòng, ông vẫn mơ một ngày nào đó làng xóm ven dòng Thu Bồn, Vu Gia tưng bừng trở lại thời hoàng kim của nghề tằm tang.


Qung Nam đang n lc khôi phc ngh trng dâu nuôi tm, ươm tơ dt la. Ảnh: H.T

Rồi một ngày ông gặp doanh nhân Lê Thái Vũ, Giám đốc Công ty CP tơ lụa Quảng Nam, người có chung đam mê, tâm huyết vực dậy nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa trên đất Quảng Nam. “3 năm qua, nếu không phải là anh Nguyễn Đức Thành, thì tôi đoán chắc rằng cây dâu, con tằm sẽ không thể hồi sinh trên đất Điện Quang. Máu nghề trong người anh Thành lúc nào cũng sục sôi mạnh mẽ”, ông Lê Thái Vũ chia sẻ cảm nghĩ của mình và cho biết sau hàng loạt mí tằm thử nghiệm thất bại, nhưng ông Vũ vẫn tin tưởng hợp tác với HTX và ông Nguyễn Đức Thành để tiếp tục trồng dâu, nuôi và bắt con tằm nhả tơ. Như cái nghiệp buộc mình vướng vào sợi tơ, con tằm nên ông Thành luôn trăn trở tìm đường hồi sinh nghề tằm tang trên vùng đất Quảng Nam. “Chúng tôi đã ký kết trồng 300ha dâu, nuôi tằm và bao tiêu sản phẩm tơ lụa với Công ty CP tơ lụa Quảng Nam”, ông Nguyễn Đức Thành thông tin về tương lai tươi sáng cho nghề tằm tang xứ Quảng.

Ký nhân vật của Nguyn Hu Trà

 

Bình luận (0)