Du lịch - Thể thaoThể thao trong nước

Ghế HLV ĐTQG: Sao cứ phải là thầy nội?

Tạp Chí Giáo Dục

VFF đang “sống chết” mời bằng được HLV nội, dù họ đang liên tục bị các HLV trong nước không thèm ngó ngàng tới thời gian qua. Chẳng ai phủ nhận tài năng của các HLV nội bây giờ có đủ sức dẫn dắt ĐTQG. Thế nhưng, khi mà các HLV này luôn đặt lên bàn cân giữa CLB và đội tuyển để lựa chọn, VFF cũng chẳng nên theo đuổi HLV nội đến cùng như thế.
Câu chuyện tìm HLV nội của VFF đang trở nên ngày một nan giải và đi vào thế bế tắc. Điều đáng nói, sự khó khăn mà VFF đang vướng phải lại do chính họ tự gây ra, khi đã không có sự nhất quán, bản lĩnh trong tiêu chí tuyển chọn HLV ngay từ đầu. Giờ thì mọi thứ càng khó hơn khi các HLV lại chính là người có quyền lựa chọn, còn VFF chỉ chạy theo, đáp ứng các yêu cầu từ HLV trong nước.

Việc các HLV nội đồng loạt từ chối khiến VFF gặp khó 

Một HLV kỳ cựu tâm sự: “Các HLV trong nước giờ sướng hơn thời chúng tôi nhiều lắm. Họ được học hành đàng hoàng, lại tiếp xúc nhiều với HLV ngoại, tiến bộ nhanh trông thấy. Song, điều mà họ không giống các HLV ngày xưa như chúng tôi, chính là tinh thần trách nhiệm với quốc gia. Thời trước, được gọi lên tuyển là một mơ ước cháy bỏng, đến mất ăn mất ngủ. Giờ thì năm lần bảy lượt mời, cũng chẳng ai chịu nhận lời, cứ đủng đỉnh như không”.
Có thể hiểu cho cái khó của VFF, khi họ đang ở thế bị động vì đã “quyết tâm” gạt HLV ngoại sang một bên ngay từ đầu để mời HLV nội. Ở môi trường nào cũng vậy, phải có sự cạnh tranh mới có nhiều lựa chọn và dễ chọn được những gì ưng ý nhất. Các HLV trong nước cứ “bình chân như vại” bởi VFF không mời mình, cũng chẳng còn biết mời ai nữa. Thế nên mới có chuyện các HLV giờ thi nhau “chảnh”, thi nhau đưa ra các yêu cầu của mình mà đáng lẽ, đó là công việc của VFF.
Ngày hôm qua, HLV Huỳnh Đức và Hữu Thắng cũng đã chính thức từ chối lên tuyển nếu phải chuyên trách. Trước đó, HLV Phan Thanh Hùng cũng lắc đầu nếu VFF không cho ông kiêm nhiệm. Sau đó, HLV này lại có đề xuất đồng ý chuyên trách, nhưng chỉ ký hợp đồng ngắn hạn khoảng 4 tháng. 
Kết thúc nhiệm vụ trên tuyển, vẫn kịp trở lại CLB dẫn dắt. Về bản chất, cách ký hợp đồng kiểu như vậy cũng chẳng khác nào kiêm nhiệm bởi 1 HLV vẫn vẹn cả đôi đường. Tuy nhiên, những hệ lụy tạo ra với phương án này là không ít bởi với 4 tháng, chỉ mang tính thời vụ. Đó là chưa kể sau khi HLV này về CLB, nếu đợt tập trung sau đó HLV khác lên thay, sẽ lại xóa đi tất cả lối chơi trước đó của người tiền nhiệm xây dựng.
Sẽ hơi thiếu công bằng nếu trách các HLV vì sao lại thờ ơ như thế với nhiệm vụ quốc gia. Từng nhiều năm làm trợ lý, hơn ai hết họ hiểu sự bấp bênh khi làm nhiệm vụ trên tuyển. Áp lực lớn, nhiệm vụ nặng nề, luôn bị soi mói, nên chẳng dễ gì bỏ CLB để chọn đội tuyển. Tuy nhiên ở khía cạnh nào đó, đúng là các HLV nội giờ đã quá thực dụng, thậm chí là ích kỷ.
Còn với VFF, họ cứ mải miết chạy theo HLV nội mà quên đi một điều cực kỳ đơn giản rằng, HLV nào cũng vậy, miễn là giúp bóng đá Việt Nam phát triển trong tương lai, chứ không chỉ là một giải đấu cụ thể nào đó.
Nhìn lại quá khứ, nói thật ra có HLV nội nào thành công khi lên tuyển. Có ai dám chắc sau khi AFF Cup năm nay không thành công, VFF sẽ tiếp tục tin tưởng HLV nội?
Vì vậy, thay vì mất quá nhiều thời gian thuyết phục các HLV nội, vì sao VFF không mở thêm một sự lựa chọn nữa từ các HLV ngoại. Có thể hiểu, VFF đang “đâm lao phảo theo lao”. Trong hoàn cảnh đang nỗ lực mời các HLV nội, VFF không thể nói đang “dự phòng” các HLV ngoại vì lo sợ các HLV trong nước tự ái. Tuy nhiên, nếu kế hoạch mời HLV nội thất bại, kế hoạch chuẩn bị của ĐTVN sẽ bị ảnh hưởng, VFF cũng sẽ bị “bẽ mặt”.
Đã tới lúc, VFF cần thay đổi quan điểm của mình trong việc tuyển chọn HLV. Họ phải là người làm chủ của cuộc chơi, dám làm, dám chịu. Tin chắc rằng khi đó, VFF sẽ nhận được sự tôn trọng đúng mức từ các HLV trong nước và cũng không rơi vào cảnh bị “hờ hững” như bây giờ.
Song Ngư (theo vietnamnet)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)