Từ khi có Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV, nhiều gia đình nghèo ở các địa phương đã có thêm cơ hội để cho trang trải học phí cho con em mình theo học đại học, cao đẳng và học nghề
Là một trong hàng trăm hộ gia đình nghèo, bác Hà Duy Cư, đội 12 xã Thanh Xương, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) cảm thấy vui mừng khi được Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tạo điều kiện cho vay vốn. Bản thân bác Hà Duy Cư là một bệnh binh bị thương tật 71% nhưng phải chăm sóc cho cho người vợ bị bệnh tâm thần và nuôi 3 người con đều đang đi học (Một người đang theo học đại học, một người học Trung cấp du lịch và một người đang học phổ thông). Tuy gia đình rất nghèo, thu nhập hàng tháng chỉ trông vào mấy sào ruộng nhưng bác Cư đều muốn các con được học hành đến nơi đến trốn, bằng bạn bằng bè.
Tháng 9/2007, bác Cư được thông tin là có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho HSSV nghèo vay vốn để học tập, bác đã đến ngay Hội Nông dân xã để nghe hướng dẫn về thủ tục và quy trình cho vay vay vốn. Khi làm thủ tục xong, gia đình bác mừng vui khôn xiết khi nhận được thông báo đến nhận tiền vay tại Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Điện Biên.
Hiện nay, gia đình bác Cư được Ngân hàng xét duyệt cho vay để chi phí học tập cho 2 người con (trong đó có một người còn 2 năm học và một người còn 1 năm học) với tổng số tiền được vay là 24 triệu đồng. Một năm, bác Cư được vay tiền 2 lần theo 2 kỳ học của các cháu. Đến nay, gia đình nhận được 16 triệu đồng. Tổng số tiền được vay, gia đình bác Cư đều dành nộp học phí cho 2 người con.
Bác Hà Duy Cư tâm sự: “Khi chưa được vay vốn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, gia đình tôi rất khó khăn, phải đi vay ở ngoài lãi suất 3%/tháng để lo nộp học phí và chi phí ăn ở cho các cháu. Nay được vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp và chưa phải trả lãi và gốc trong thời gian vay, gia đình tôi rất phấn khởi, các cháu yên tâm học tập”.
Bác Hà Duy Cư mong muốn, Chính phủ xem xét tăng thêm mức cho vay lên 1 triệu đồng/tháng và kéo dài thời gian trả nợ cho những học sinh Trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề vì khi ra trường lương vẫn còn thấp.
Một trường hợp khác là gia đình bác Lê Quốc Dân, 50 tuổi, thuộc diện gia đình khó khăn xã Hùng Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Do ảnh hưởng của của vết thương trước đây khi tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia nên bác Dân thường xuyên đau ốm. Cuộc sống gia đình bác chủ yếu dựa vào đồng tiền kiếm được ít ỏi từ nghề mua bán phế liệu của người vợ. Để có thêm thu nhập cho gia đình và nuôi 3 người con theo học Đại học, bác Dân đã phải tham gia làm thêm nghề chẻ củi. Tuy nhiên, thu nhập của hai vợ chồng cộng với nghề làm ruộng, gia đình bác Dẫn vẫn không đủ chi phí để trang trải cho 3 người con đang theo học ở xa. Do vậy, để các con không phải bỏ học, gia đình bác Dân phải chạy vạy khắp nơi vay mượn hàng xóm, thậm chí phải vay cả lãi suất cao của tư nhân để gửi tiền học cho các con.
Tháng 9/2007, qua đài phát thanh, bác Dân biết được Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam sẽ cho sinh viên nghèo vay vốn để học tập tối đa là 800.000 đồng/tháng, lãi suất vay chỉ có 0,5%/tháng, gia đình bác vui mừng như “nắng hạn gặp mưa to”. Trong năm qua, gia đình bác Dân được Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam cho vay hơn 19 triệu đồng. Khoản tiền này, bác đều dành để chi trả tiền ăn học cho các con. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, bác Dân luôn suy nghĩ phải sử dụng khoản tiền vay đúng mục đích và động viên các con học tập cho tốt./.
Chu Miên (theo VOV)
Bình luận (0)