Mặc cho kinh tế biến động vì bão giá, đây lại là thời điểm nhiều đội bóng đổ xô đi shopping, tìm lực lượng cho giai đoạn 2…
Đọc thông tin trên các báo, người ta thấy rất nhiều CLB của cả V.League lẫn hạng Nhất đều có vẻ rất hồ hởi chờ đến thời điểm nghỉ giữa mùa giải để đổi mới lực lượng. Nhiều CLB đang đổ xô tìm kiếm những bổ sung cho giai đoạn lượt về. Việc các đội bóng hồ hởi lẫn phấn khởi mong chờ đến thời điểm nghỉ giữa 2 giai đoạn khiến đôi lúc có cảm giác thời điểm này mới chính là giai đoạn quyết định cho cả mùa giải. Và quãng nghỉ ấy là liều thuốc phục sinh cho những cái tên đang ở giai đoạn trầm kha suốt lượt đi (sắp kết thúc), chứ không phải là sự chuẩn bị rầm rộ và căn cơ ngay từ đầu mùa.
Merlo (SHB Đà Nẵng)- ngoại binh đã được “kiểm chứng chất lượng” |
Xem ra đấy cũng là một thực tế. Bởi Hà Nội T&T từng “chết đi, sống lại” từ giai đoạn 2 ở mùa giải 2009 dưới sự cầm quân của HLV Nguyễn Hữu Thắng. Hay Đồng Tâm Long An từng tăng tốc để nhảy vọt vào tốp đầu cũng chính từ giai đoạn 2, sau cú khởi đầu mùa giải tệ hại những năm vừa qua. Vì thế, những đội bóng ở tốp cuối, hay một số CLB đang có ý định tăng tốc để giành ngôi cao vào cuối mùa, đang mong chờ khoảng nghỉ này y như tình cảnh “hồ thủy điện chờ mưa”.
Tuy nhiên, nếu bỏ qua những trường hợp bất khả kháng vì chấn thương ở giai đoạn 1 nên cần thay thế, thì việc hồ hởi mua quân giữa mùa đã cho thấy thực trạng: hóa ra rất nhiều đội bóng đã chưa chuẩn bị chu đáo hồi đầu mùa, hoặc vì những lý do “tế nhị” nào đó mà đã bỏ tiền tỷ để vớ phải “món hàng chất lượng kém”, nên giờ đành ngậm đắng nuốt cay để bổ sung lại cho ổn, đặc biệt là lực lượng ngoại binh?!
Cứ nhìn vào B.Bình Dương, V.Ninh Bình, V.Hải Phòng thì biết. Hồi đầu mùa, họ đều là những CLB có bổ sung ngoại binh đông nhất, thậm chí đã mua về những cái tên thuộc dạng hàng khủng (như Leandro ở B.Bình Dương), nhưng hiện các đội bóng ấy cũng đang “hăm hở” tuyển mộ ngoại binh nhiều nhất. Vậy là sao?
Nói thật, các đội bóng ở ta hiện nay dù rất “sính hàng ngoại”, nhưng vẫn chưa nhiều kinh nghiệm trên thị trường chuyển nhượng và mua sắm ngoại binh. Hầu hết vẫn khoán trắng cho các nhà môi giới cầu thủ, vì thế mà thường lâm vào tình cảnh “được chăng hay chớ”, dở khóc dở cười.
Nói thật, các đội bóng ở ta hiện nay dù rất “sính hàng ngoại”, nhưng vẫn chưa nhiều kinh nghiệm trên thị trường chuyển nhượng và mua sắm ngoại binh. Hầu hết vẫn khoán trắng cho các nhà môi giới cầu thủ, vì thế mà thường lâm vào tình cảnh “được chăng hay chớ”, dở khóc dở cười.
Chưa kể chẳng hiếm chuyện một số ngoại binh đã được “kiểm chứng chất lượng” ở những giải đấu trước, nhưng bỗng nhiên “xìu” ở mùa giải 2011. Trường hợp của Timothy (Hòa Phát HN), Merlo (SHB Đà Nẵng) chính là những… điển hình tiêu biểu.
Xây nhà bao giờ trọng tâm cũng là nền móng, vậy nhưng việc chuộng hàng ngoại và xem các ngoại binh là sức mạnh chủ yếu của các đội bóng Việt đã khiến người ta có cảm giác “bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”, khi các đội bóng chỉ bỏ tiền mua quân là chính mà không chú tâm đào tạo lực lượng tại chỗ.
Đó là chưa nói đến chuyện cầu thủ nội không có nhiều cơ hội được thử sức và khẳng định. Cứ nhìn ở hàng tấn công thì thấy hầu hết các đội bóng đều ưu tiên tiền đạo ngoại, nên một thời gian các tiền đạo nội “bỗng dưng tắt tiếng”. Chính HLV Calisto chẳng phải đã đau đầu khi các tiền đạo Việt Nam không biết ghi bàn ở AFF Suzuki Cup 2010 đấy sao?
Vì thế, cứ thấy nhiều đội bóng hăm hở shopping ở mùa bão giá, tự dưng càng thấy lo.
Đỗ Tuấn (theo bongda+)
Bình luận (0)