Ngồi xem lớp năng khiếu 11 tuổi của Quỹ Đầu tư và phát triển tài năng bóng đá VN (PVF) thi đấu với đội trẻ U-16 nữ TP.HCM trên sân Thành Long sáng 9-1, hai tuyển thủ U-23 VN vừa dự SEA Games 25 là Hoàng Danh Ngọc, Trần Mạnh Dũng (Nam Định) liên tục khen ngợi: “11 tuổi sao mà các em đá khéo và có tư duy chiến thuật tốt thế. Chục năm trước, ở tuổi 11, chúng tôi làm gì chơi tốt như các em này. Được đầu tư bài bản quả có khác…”.
HLV Trần Minh Chiến kiểm tra… móng tay các cầu thủ nhí trên sân tập |
Sau trận đấu tập hòa 3-3 với lứa năng khiếu 12 tuổi, tiền đạo Kim Chi (tuyển nữ TP.HCM) tấm tắc ngợi khen: “Mấy nhóc đá hay quá, chạy ầm ầm không biết mệt. Vừa đá hay, mấy nhóc còn rất dễ thương, không biết chơi xấu, luôn miệng xin lỗi khi lỡ… làm các chị té ngã. Một năm nữa thôi, tuyển nữ TP.HCM khó mà bắt nạt được các cậu bé này…”.
Những viên đá thô này đang được dẫn dắt bởi các HLV Trần Minh Chiến, Hứa Hiền Vinh, Giang Thành Thông, Dương Thanh Hoàng – những cựu cầu thủ Công An TP.HCM. Sau V-League 2009, Trần Minh Chiến được mời về làm HLV trưởng K.Khánh Hòa với mức lương khá cao. Suy nghĩ mãi, Chiến đành phải nói lời khước từ bởi: “Làm bóng đá đỉnh cao có danh tiếng, có tiền bạc nhưng 13 năm làm đào tạo trẻ, thật khó để dứt tôi ra khỏi các em. Ngoài ra, có lẽ tôi cần phải nói lời cảm ơn đến các bạn trẻ bởi nhờ các em, tôi đã và đang giảm đi rất nhiều những thói hư tật xấu”.
Mỗi sáng, khi các cầu thủ học trò học văn hóa thì thầy Chiến lại cặm cụi với giáo án, soát xét lại sự tiến bộ của từng học viên, làm việc với các cô thầy bảo mẫu xem tối qua có em nào ngủ không ngon, bị bệnh hoặc quên làm bài tập ở nhà. Vừa trò chuyện, Chiến vừa khoe: “Sau nửa năm, chiều cao trung bình của mỗi em tăng 4,7cm, trọng lượng cơ thể cũng tăng 4-5kg. Cá biệt có cậu cao thêm 9cm và nặng thêm tới 9kg…”.
Nhưng không phải tất cả đều thuận lợi khi có một nhóm tám em không bằng so với bạn bè. Qua tìm hiểu, Chiến mới biết tám em này chỉ nhăm nhăm lùa cơm cho nhanh để chạy về phòng… tán dóc. Thế là cả tám em được đặc cách ngồi ăn cơm chung với thầy Chiến để “trị” bệnh lười ăn.
Với những em bị loại trong quá trình đào tạo, Chiến đã trò chuyện và lãnh đạo Trung tâm thể thao Công an TP.HCM (Đầm Sen) mở lời ngay: “Nếu PVF loại em nào, chúng tôi nhận đào tạo ngay nếu gia đình chấp thuận. Không tốn kém tuyển sinh mà lại có người để đào tạo, còn gì tốt hơn nữa…”. Điều này khiến Chiến nhẹ lòng rất nhiều bởi thời gian gắn bó mật thiết với các em, anh hiểu được khát vọng chơi bóng của các em cao đến mức nào.
Sau nửa năm gắn bó cùng các cầu thủ trẻ, mái tóc của Chiến bắt đầu có nhiều sợi bạc. Đó chính là dấu ấn đọng lại của những suy tính, âu lo trong chặng đầu tiên của hành trình đi tìm “ngọc trong đá” của anh.
SĨ HUYÊN (theo tuoitre)
Bình luận (0)