Tòa soạnThư đi – tin lại

Tăng viện phí: Tiền nào liệu có của nấy?

Tạp Chí Giáo Dục

Khám bệnh đau mắt đỏ cho trẻ tại Bệnh viện Mắt TP.HCM

Ngày 9-12, kỳ họp lần thứ 12 HĐND TP.HCM lần thứ VIII sẽ khai mạc, kéo dài đến ngày 12-12. Một trong những vấn đề được người dân quan tâm tại kỳ họp lần này là việc xem xét tăng giá viện phí…
Đến nay, TP.HCM là địa phương duy nhất trong cả nước chưa tăng viện phí theo khung giá do Bộ Y tế quy định. Mặc dù, từ cuối năm 2012, các cơ sở y tế công lập trên địa bàn TP đã xây dựng xong mức viện phí theo thông tư 04 (ngày 29-2-2012) của Bộ Y tế – Bộ Tài chính ban hành. Và trong kỳ họp HĐND lần thứ 10 (tháng 7 vừa qua), theo dự kiến thì UBND TP sẽ trình HĐND tờ trình tăng viện phí nhưng sau đó đã rút lại vì lo ngại cùng lúc tăng học phí và viện phí sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của đa số người dân.
Ai cũng hiểu việc tăng viện phí là đương nhiên. Bởi nhiều mức thu dịch vụ khám chữa bệnh được ban hành từ năm 1995, một số khác mới hơn là năm 2006. Mức thu này đã quá lạc hậu so với giá cả thị trường hiện nay, nhiều mặt hàng tăng theo quý, theo tháng. Mức thu thấp khiến nhiều bệnh viện phải “tự cứu lấy mình” bằng cách ban hành hai bảng giá, thu thêm phí của bệnh nhân và mỗi bệnh viện thu một kiểu. Đằng nào bệnh nhân cũng phải đóng một số tiền cao hơn nhiều so với mức giá cũ của hàng chục năm về trước thì tại sao lại không điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo thông tư 04. Như vậy người bệnh sẽ không ấm ức khi phải đóng những khoản khác nhau giữa các bệnh viện cho những dịch vụ giống nhau. Và các bệnh viện cũng không phải vừa thu tiền vừa lo sợ bị thanh tra…
Vấn đề mà người dân quan tâm là liệu giá dịch vụ y tế tăng thì chất lượng khám chữa bệnh có tăng, đồng tiền mà họ bỏ ra có thật sự tương xứng với những gì họ nhận được?
Tình trạng quá tải ở các bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến trên đã diễn ra từ nhiều năm nay gây bức xúc cho người bệnh, dư luận xã hội. Hình ảnh 5-6 người bệnh nằm một giường, bệnh nhân nằm dưới gầm giường, gầm cầu thang, hành lang diễn ra ở hầu hết các bệnh viện tuyến trên. Một trong những lý giải cho thực trạng này được ngành y tế đưa ra là do cơ sở vật chất chật hẹp, không thể đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Vậy, với khung giá viện phí mới, liệu các bệnh nhân có được nằm mỗi người một giường?
Còn nữa, thái độ phục vụ của cán bộ y tế cũng là một vấn đề mà người bệnh rất quan tâm. Người bệnh đau méo cả mặt mà bác sĩ cứ quát ầm ầm, khi bệnh nhân hỏi thì nói những câu rất khó nghe. Về vấn đề này, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản để thay đổi hành vi ứng xử của bác sĩ như phải tươi cười với bệnh nhân, các bệnh viện công khai số điện thoại đường dây nóng để người bệnh phản ánh những bức xúc về thái độ phục vụ của bác sĩ. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tình thế. Bởi bác sĩ sẽ khó có thể nở nụ cười thật lòng khi mà mỗi ngày phải khám và chữa bệnh cho mấy chục bệnh nhân.
Vấn đề căn cơ là phải giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện. Còn làm sao giải quyết là việc của ngành y tế. Đối với bệnh nhân, họ đã đóng viện phí cao thì phải được chăm sóc sức khỏe tương xứng. Đòi hỏi của người bệnh không có gì là quá đáng, mong rằng ngành y tế sẽ dần dần đáp ứng nhu cầu chính đáng này…
Bài, ảnh: Kim Anh

Bình luận (0)