Thảo luận trên giảng đường được ví như cuộc trao đổi, không chỉ giúp SV trau dồi khả năng thuyết trình và tự tin trước đám đông mà còn học được nhiều kiến thức ngoài sách vở. Tuy nhiên, hiện nay tại các trường ĐH-CĐ phương pháp này vẫn chưa được các giảng viên quan tâm, áp dụng rộng rãi.
Sinh viên Trường ĐH Lạc Hồng đang thảo luận nhóm. Ảnh: G.G
|
Tích lũy được nhiều kiến thức
Thời gian gần đây, các trường ĐH trong nước đã bắt đầu áp dụng hình thức đào tạo theo tín chỉ. Bước đầu đã có những phản hồi từ phía SV và ngay cả cán bộ giảng dạy. Thực tế, trong các giờ học vẫn còn rất ít những cuộc thảo luận trực tiếp giữa giảng viên và SV, giữa các SV với nhau mặc dù nhà trường biết rằng những buổi nói chuyện như vậy sẽ mang lại hiệu ứng rất tốt và có tác động không nhỏ cho các bạn trẻ khi ra trường.
Hiệu quả của việc thảo luận trên giảng đường chính là tạo cho các bạn trẻ một cảm giác tự tin, dám nghĩ, dám nói nhưng quan trọng hơn là họ có điều kiện tìm hiểu sâu về những thông tin mà mình chưa rõ. Bạn Trần Văn Khanh (ngành công nghệ tự động – Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) cho biết: “Cả năm học, bọn em chỉ có 1, 2 lần gặp mặt thảo luận trực tiếp với các chuyên gia về ngành mình học. Đây là cơ hội tốt để SV nắm được những kiến thức mà trong giáo trình không hề có”. Cùng chung quan điểm đó, Nguyễn Thùy Linh (Khoa Báo chí, ĐH KHXH-NV) bày tỏ: “Một buổi học mà chỉ có đọc – chép sẽ khiến SV cảm thấy chán. Cũng rất may Khoa Báo chí thường xuyên tổ chức những buổi nói chuyện với các nhà báo dày dạn kinh nghiệm giúp SV có thêm kỹ năng làm báo thực tế. “Là SV kinh tế năm cuối, được giao lưu, nói chuyện với các doanh nhân thành đạt khiến bọn em tự tin hơn. Giá như mỗi tuần có một đến hai buổi thảo luận thì khi ra trường SV cũng tích lũy được không ít về chuyên môn và khả năng giao tiếp”, Nguyễn Văn Hoàng, ĐH Kinh tế chia sẻ.
Mong được tranh luận nhiều hơn nữa
Lý giải về sự cần thiết của việc thảo luận trên giảng đường, anh Nguyễn Trọng Hùng (một hướng dẫn viên du lịch) cho biết: “SV thảo luận trực tiếp với giảng viên, và thảo luận với nhau sẽ tạo lập được một thói quen nói trước đám đông, sau này sẽ giảm nguy cơ thất bại trong các cuộc thuyết trình”. Chị Kim Hoa (nhân viên kế toán) khẳng định: “Những người chưa, hoặc ít thảo luận thì khi bắt tay vào công việc sẽ gặp khó khăn và dễ mắc sai lầm hơn so với những người thường xuyên được thảo luận”. Bản thân chị Kim Hoa khi còn là SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM chưa bỏ lỡ buổi thảo luận nào dành cho SV.
Hiện nay các buổi thảo luận vẫn còn thưa thớt trên giảng đường dù thực tế nó giúp ích rất nhiều trong việc tăng khả năng tư duy, sáng tạo cho SV. Được trao đổi với các giảng viên, chuyên gia trong mỗi giờ học là điều mà các bạn trẻ quan tâm, mong đợi nhưng lại không được đáp ứng một cách thỏa đáng. Nguyễn Hải Yến – ĐH KHXH-NV TP.HCM thú nhận: “Suốt 4 năm học ĐH, chưa một lần em dám xung phong đứng lên phát biểu trước lớp. Thế nên bây giờ đi xin việc, khi phỏng vấn là em gặp rất nhiều khó khăn, mất tự tin khi nói trước đám đông”. Thậm chí, có nữ SV khi bị giảng viên yêu cầu đứng dậy trả lời câu hỏi, ú ớ được mấy chữ rồi “tịt” luôn. SV này giải thích là vì nói không quen, không biết cách diễn đạt nên mất bình tĩnh và không thể nói được.
Nguyên Hải
Bình luận (0)