Tòa soạnThư đi – tin lại

Em không muốn “lỗi hẹn” với giảng đường

Tạp Chí Giáo Dục

Phạm Minh Thiện với nỗi lo không có tiền nhập học

Cầm trên tay 2 giấy báo nhập học của Trường ĐH Nông lâm và Trường CĐ Xây dựng số 2, nhưng Phạm Minh Thiện (cựu học sinh lớp 12A6 Trường THPT Tam Phú, Q. Thủ Đức, TP.HCM) vẫn chưa dám nghĩ đến chuyện nhập học bởi gia cảnh nghèo khó đến cùng cực.
Học cho nội vui
Phạm Minh Thiện và em trai Phạm Minh Thắng vốn chịu nhiều thiệt thòi, năm lên 2 tuổi đã bị cha mẹ ruồng bỏ. Ông nội Thiện phải bồng bế 2 đứa cháu còn nhỏ về sống chung. Ba ông cháu nương tựa vào nhau sống qua ngày trong căn nhà tồi tàn, tạm bợ trống huơ trống hoắc nằm sâu trong con đường 13 (P. Bình Thọ – Thủ Đức). Mấy hôm nay lại phải căng bạt lên mái nhà để khỏi bị dột, nhưng nước lại tràn bạt, chảy xuống dưới nhà ướt hết chỗ nằm của ba ông cháu. Ông nội Thiện nay đã hơn 70 tuổi, bao nhiêu năm nay nuôi 2 cháu ăn học nhờ vào nghề chạy xe ôm. Ý thức được hoàn cảnh nghèo khó, hai anh em Thiện đã nỗ lực học tập để sau này có nghề nghiệp nuôi sống bản thân và báo hiếu ông nội. Ông Phạm Văn Thành (ông nội Thiện) ngậm ngùi kể: “Việc Thiện được đến trường rất khó khăn, đa số là từ tiền đóng góp của người dân trong khu phố. Người thì cho quần áo sách vở, người thì cho gạo, còn tiền học phí thì được nhà trường miễn”. Suốt nhiều năm học, Thiện phải mượn sách cũ hoặc mua ở tiệm sách báo cũ, mượn sách của thư viện về photo để học. Còn quần áo Thiện mặc, kể cả những bộ đồng phục đến trường suốt các năm qua đều là đồ cũ. Thế nhưng, chưa bao giờ Thiện mặc cảm vì cái nghèo của mình. Và để “nuôi” việc học, chắp cánh cho ước mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin, Thiện không ngại làm bất cứ việc gì, rảnh lúc nào là em lại đi xin bốc vác hàng cho các tiệm bán đồ ở Nhà Văn hóa Thủ Đức. Còn mùa hè hay vào đầu năm học với Thiện cũng đều là “cơ hội kiếm tiền” bằng việc đi phụ bán quán ở chợ, được 10 ngàn đồng/ngày về phụ ông nội mua thức ăn hằng ngày.
Niềm trăn trở của người ông
Nghe tin Thiện đậu một trường đại học và một trường cao đẳng, bà con khu phố ai nấy đều mừng cho Thiện nhưng cũng ái ngại cho hoàn cảnh gia đình em. Sau niềm vui, phấn khởi, tự hào là nỗi lo chồng chất của ba ông cháu. Ông nội Thiện hiện đau đáu với nỗi lo chi phí cho đứa cháu: “Nghe nói học đại học tốn tiền nhiều lắm, mà tui thì đã già yếu, nghề chạy xe ôm bây giờ không còn được như trước, thu nhập bấp bênh. Thiện đậu 2 trường, tui vui lắm nhưng mấy hôm nay tui không ngủ được vì chưa xoay xở đâu ra tiền để lo cho cháu nhập học”. Để nuôi 2 cháu khôn lớn ăn học, ngày qua ngày, tờ mờ sáng là ông Thành đã phải chạy chiếc xe máy cà tàng ra đầu đường đợi khách, hoặc đẩy xe rùa đi phụ hồ đến tối mịt mới về nhà, thế nhưng tiền ăn tiền học ông vẫn phải nhờ đến sự “viện trợ” của bà con trong khu phố. Năm 2009, em trai Thiện phải nghỉ học giữa chừng vì không có tiền. Cũng may, được một người quen giới thiệu đi học nghề không tốn tiền. Trước mắt, Thiện đợi điểm nguyện vọng 2 vào hệ cao đẳng Trường Đại học Sài Gòn (ngành sư phạm toán), nếu đậu sẽ học ngành này vì không tốn tiền học phí, còn nếu không thì Thiện nhập học Trường Nông lâm ngành công nghệ thông tin mà mình yêu thích từ nhỏ.
Tuy nhiên, theo Thiện: “Học trường nào thì nội em cũng khổ cả vì nhà hiện không có tiền nhưng thật sự em không muốn “lỗi hẹn” với giảng đường đại học”. Trong thời gian chờ nhập học, hằng ngày Thiện vẫn đi dạy kèm, phụ bán quán để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Rời căn nhà dột nát của ông cháu Thiện mà tôi thấy chạnh lòng, không biết liệu rồi em có đủ nghị lực để vượt qua không hay phải “lỗi hẹn” với giảng đường.
Bài, ảnh: Nguyên Hải

Bình luận (0)