Anh Hoàng Văn Bình và những đứa trẻ mồ côi
|
Tôi tìm đến căn nhà số 359/51F nằm sâu trong hẻm của đường Lê Văn Sỹ, thuộc P.12, Q.3, TP.HCM – nơi có một người đàn ông với thân hình nhỏ nhắn, nhưng khuôn mặt thật phúc hậu đang cưu mang hơn 30 đứa trẻ bị bỏ rơi và những cụ già chẳng nơi nương tựa.
Thầm lặng một tấm lòng
Thật khó ai ngờ rằng một thân một mình, anh Hoàng Văn Bình (45 tuổi) đã dành hết tình thương yêu của mình cho những đứa trẻ bé bỏng còn đỏ hỏn trên tay mới hơn 1 tháng tuổi hay được vài tháng mà các bậc sinh thành đã âm thầm bỏ lại chẳng chút đau xót.
Anh kể: “Duyên phận đưa tôi đến với việc làm thầm lặng này là vào một ngày đầu năm 1985, khi tôi thấy một đứa trẻ bị bỏ rơi gần nhà (trước đây là P. 9 – Q. Phú Nhuận). Tôi đã không cầm lòng được và bế em bé tật nguyền vào nhà nuôi nấng. Lúc ấy, cả nhà tôi đều phản ứng và tỏ vẻ không hài lòng với việc làm tưởng chừng như… điên rồ của tôi. Nhưng rồi sau đó, thỉnh thoảng lại có thêm 1 em nữa cũng được bố mẹ chúng “ký gửi” trước cửa nhà. Cho đến nay, tôi đã nhận được 30 em bị bỏ rơi như thế. Mỗi em mỗi hoàn cảnh khác nhau, chẳng hề biết mặt cha mẹ ruột của mình. Các em cũng chẳng có một cái tên nào. Tôi đặt tên cho mỗi em và chúng gọi tôi bằng một từ rất thân thương , trìu mến “cha Bình!”…”.
Nhìn căn nhà 1 trệt, 1 lầu mà anh Bình thuê làm nơi ăn, chốn ở cho các em thì có thể cảm nhận hết tình cảm mà anh dành cho những đứa trẻ bị chính bố mẹ ruột vứt bỏ. Anh cho chúng tôi biết: “Các em rất ngoan, lễ phép và đoàn kết như anh chị em ruột vậy” và anh nở nụ cười thật tươi, thật mãn nguyện.
Cho các em một tương lai
Tất cả những em bé ở đây đều được anh Bình chăm sóc chu đáo, có em bị tật ở tay, có em lại tật ở chân, ở cổ, mù mắt và cũng có em lành lặn. Anh tâm sự với chúng tôi rằng các em khỏe mạnh thì cùng với anh chăm sóc các em yếu hơn, phụ anh việc bếp núc, nhà cửa. Không những thế, anh còn cho các em được ăn học đến nơi đến chốn. Có em đang học lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp và đại học. Anh Bình tâm sự: “Đã nuôi các em thì cũng cần cho các em một tương lai”. Những lúc rảnh rỗi, anh dạy cho các em làm đồ lưu niệm từ chiếc cúc áo để trang trí nhà, để bán kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Anh nói: “Cuộc sống ngày càng khó khăn, mà tôi không bao giờ muốn bỏ rơi các em. Do vậy, tôi phải chạy vạy chỗ này, chỗ kia để có thể lo cho các em ít nhất cơm ngày ba bữa! Được một điều, bạn bè gần xa của tôi khi biết tin, người dăm ba trăm, người vài triệu để phụ với tôi lo cho các em”.
Nhìn những sản phẩm do các em tự làm, rất đẹp, tôi tự hỏi: “Nếu không có anh Bình – một người cha bao dung, rộng lượng thì cuộc đời của 30 em này sẽ đi về đâu?”.
Anh nở nụ cười thật tươi, thật lạc quan và kể tiếp: “Trong số các em mà tôi đã nuôi, đến nay đã có một số em lập gia đình, có cuộc sống ổn định. Ngày lễ Tết, các em đều trở về thăm lại nơi này – nơi đã cưu mang và cho các em một tương lai”.
Ngoài việc nuôi các em nhỏ bị bỏ rơi, anh còn nuôi các cụ già bị con cháu từ bỏ và dĩ nhiên anh chăm sóc như chăm sóc bố mẹ ruột của mình. Không đủ cơ sở để thực hiện việc làm này, anh lại chạy vạy và thuê nhà ở Thủ Đức cho các cụ nghỉ ngơi.
Mặc cho cuộc sống cứ trôi đi một cách vội vã nhưng anh Bình, cha nuôi của 30 trẻ bất hạnh luôn mong muốn các em một tương lai tươi sáng, một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bài, ảnh: Duy An
Bình luận (0)