Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Điều trị thiếu máu hiệu quả

Tạp Chí Giáo Dục

Canh bí ngô giúp bổ sung lượng máu cho cơ thể

Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Việt Nam, hiện nay tỉ lệ thiếu máu ở nước ta còn rất cao, ở phụ nữ có thai (30-45%), phụ nữ tuổi sinh đẻ (25-35%) và trẻ em nhỏ (40-50%). Thiếu máu rất nguy hại đến sức khỏe, vì thế rất cần thiết phải bổ sung những món ăn để phòng ngừa thiếu máu trong mỗi bữa ăn gia đình.

Thiếu máu dinh dưỡng

TS.BS Huỳnh Nghĩa – Bệnh viện Truyền máu và Huyết học TP.HCM cho biết: “Thiếu máu là tình trạng máu bị giảm về số lượng hồng cầu hoặc về huyết cầu tố (còn gọi là hemoglobin) hoặc giảm cả hai, nguyên nhân chủ yếu do thiếu sắt vì sắt cần thiết cho quá trình tạo hemoglobin (nếu ăn bổ sung không đúng và không hợp lý, sớm quá hoặc muộn quá, thực phẩm bổ sung quá nghèo nàn, thiếu các chất dinh dưỡng cần cho tạo máu đều có thể dẫn đến tình trạng này). Đối với các em học sinh, bị thiếu máu trong lớp hay ngủ gật, giảm trí nhớ, kết quả học tập kém. Thiếu nữ bị thiếu máu thường mệt mỏi, sức khỏe yếu, dễ bị thiếu máu trầm trọng khi có thai. Phụ nữ có thai bị thiếu máu dễ bị sảy thai, đẻ non dễ bị thiếu máu, người mẹ dễ bị tăng huyết áp và các tai biến khác khi sinh đẻ. Để chẩn đoán chính xác bệnh thiếu máu, bệnh nhân cần đi khám và làm các xét nghiệm huyết học”.

Cũng theo BS. Huỳnh Nghĩa thì để điều trị và phòng chống bệnh thiếu máu dinh dưỡng hiệu quả cần uống bổ sung viên sắt, vitamin B12. Bên cạnh đó, cải thiện bữa ăn, lựa chọn thực phẩm giàu sắt cho bữa ăn gia đình như các loại ốc; các loại thịt như thịt bò, lợn, gan lợn, tiết lợn; cá ngừ; lòng đỏ trứng; các loại rau như dền, ngót, muống… Việc uống bổ sung viên sắt cần theo đúng chỉ định của BS: Đối với phụ nữ có thai thì bổ sung 1 viên sắt (60mg sắt nguyên tố + 0,4mg folat) hàng ngày ngay khi phát hiện có thai đến sau sinh 1 tháng; đối với phụ nữ lứa tuổi sinh nở thì uống 1 tuần/1 viên trong 16 tuần liên tục trong 1 năm.

Món ăn cho người thiếu máu

Ở góc độ y học cổ truyền, Lương y Đinh Công Bảy (Tổng thư ký Hội Dược liệu TP.HCM) cho rằng, thiếu máu thuộc phạm trù “hư lao”. Bệnh này chủ yếu do tỳ vị suy nhược. Do vậy dùng biện pháp ăn uống để điều trị là tốt nhất. Những món ăn sau đây rất dễ chế biến và có tác dụng tốt cho người bị thiếu máu.

Canh bí ngô chứa nhiều protein, vitamin, amino axit, canxi, sắt… Thành phần dinh dưỡng trong bí ngô khá đầy đủ, giá trị dinh dưỡng cũng khá cao. Hàm lượng vitamin C trong bí ngô non nhiều hơn trong bí ngô đã chín. Quan điểm đông y cho rằng, bí ngô có tính ôn, vị ngọt, giàu hàm lượng sắt và kẽm. Kẽm trực tiếp ảnh hưởng tới chức năng thành thục của hồng cầu còn chất sắt lại là nguyên tố vi lượng cơ bản tạo ra hemoglobin giúp bổ sung lượng máu cho cơ thể. Món thứ hai là canh gan gà, lá dâu non (nguyên liệu gồm 100g gan gà rửa sạch, xắt nhỏ, ướp gia vị, 50g lá dâu rửa sạch, để ráo). Nên nấu canh gan gà với lượng nước thích hợp, khi gan gà vừa chín thì cho lá dâu vào. Nêm gia vị vừa ăn và ăn nóng trong bữa cơm. Món canh này có công dụng bổ huyết, bổ can thận, giúp sáng mắt, tăng cường thể lực; rất tốt cho trẻ em bị thiếu máu, suy nhược cơ thể.

Thêm món cháo gan heo với cách thực hiện gồm gan heo 100g, gạo nếp đỏ (nếp cẩm) 100g. Gan heo thái nhỏ, trộn một ít xì dầu, muối, gia vị. Gạo vo sạch cho vào nồi nấu cháo, khi cháo nhừ cho gan heo vào, quậy đều, đun sôi là được. Ngày ăn một lần thay cơm. Món canh nấm mèo đen, táo tàu cũng rất dễ thực hiện gồm nấm mèo đen 30g, táo tàu 30 quả, đường đỏ vừa đủ. Nấm mèo ngâm nước 30 phút, cùng cho vào nồi với táo tàu, nấu nhừ rồi cho đường vào.

Bài, ảnh: Thu Hiền

Bình luận (0)