Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đối phó với chứng rối loạn hoảng sợ

Tạp Chí Giáo Dục

Áp lực công việc thường khiến nhiều người bị chứng rối loạn hoảng sợ. Ảnh: L.Công

BS. Nguyễn Bá Thắng – Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết: “Chứng rối loạn hoảng sợ mà nhiều người mắc phải gần đây có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần nếu bệnh nhân không được chữa trị kịp thời”.
Lo lắng vô cớ
Là một kỹ sư xây dựng, anh Phạm Đình K. (ngụ ở phường Tân Quy, Q.7, TP.HCM) có nhà cửa và công việc ổn định. Dù rất bận rộn nhưng anh K. vẫn thường xuyên luyện tập thể dục nên sức khỏe khá tốt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, anh lại có những biểu hiện khác lạ trong người như lo lắng, hồi hộp và nhiều khi hoảng sợ. Nếu đi làm thì không sao, nhiều khi về nhà anh có cảm giác tim đập nhanh hơn, ngực nhói đau đôi chút và hụt hơi mỗi lần thở gấp. Anh K. chia sẻ: “Nhiều khi đang chạy xe trên đường, tôi cảm thấy mình lo sợ một điều gì đó rất mơ hồ, tuy chưa đến mức quá hoảng loạn nhưng trong người cứ hồi hộp”. Vì triệu chứng này kéo dài trong hơn một năm nên người nhà đã khuyên anh đi khám tổng quát để kiểm tra sức khỏe, nhất là bộ phận tim mạch. Qua kiểm tra sức khỏe, đặc biệt là đọc kết quả đo điện tâm đồ, các BS ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Q.5 kết luận tim mạch anh bình thường, không có vấn đề gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, vì biết tình trạng bệnh của anh K. kéo dài trong thời gian qua nên các BS ở đây đã xác định bệnh nhân bị chứng rối loạn hoảng sợ, giới thiệu anh điều trị tại Khoa Nội thần kinh. Do chẩn đoán đúng bệnh, chỉ sau vài tháng uống thuốc và thực hiện đúng theo lời khuyên của BS, bệnh của anh K. thuyên giảm dần.
Theo BS. Nguyễn Bá Thắng thì người mắc căn bệnh rối loạn hoảng sợ thường có triệu chứng như chóng mặt, đau ngực và thở nhanh. Bệnh nhân hay có những cơn lo sợ không giải thích được, đến rất đột ngột và phát triển nhanh hơn. Cũng giống như trạng thái tâm thần của anh K., những cơn lo sợ vô cớ đó chỉ kéo dài trong vài phút mà thôi.  Có khi cơn hoảng sợ này hết lần sau lại xuất hiện cơn hoảng sợ khác. Nếu thần kinh căng thẳng thì gây ra nỗi lo sợ có thảm họa cho chính bản thân mình.
Chữa trị bằng tinh thần
Theo lời khuyên của BS. Nguyễn Bá Thắng, khi bệnh nhân gặp cơn hoảng sợ vô cớ thì không nên di chuyển nhiều để cơn hoảng sợ tự qua đi. Tốt nhất là ngồi yên một chỗ rồi cố gắng thở chậm và thư giãn trong trạng thái thoải mái. Không nên hít thở quá nhanh và quá sâu vào lồng ngực dễ gây cảm giác hồi hộp, căng thẳng hơn. Bệnh nhân nên suy nghĩ đó chỉ là một chút lo âu thoáng qua, không nghĩ ngợi gì nhiều thì cơn hoảng sợ dễ bị dập tắt hơn. Đừng nên quan trọng hóa vấn đề cho rằng mình bị một căn bệnh khó chữa nào đó trong cơ thể vì làm như vậy thì bệnh cứ kéo dài thêm. Nếu lúc này, có sự quan tâm của người thân thì căn bệnh rối loạn hoảng sợ sẽ được hạn chế kịp thời. Hiệu quả chữa bệnh luôn phụ thuộc vào thái độ và tình cảm của người nhà bệnh nhân. Gia đình đừng nên quá lo lắng nhất là biểu lộ qua cử chỉ và nét mặt. Cần có những lời khuyên nhẹ nhàng, không làm tổn thương nhiều đến tâm thần người bệnh.
Theo lời kể của người nhà thì do làm việc căng thẳng nên anh K. thường mất ngủ kéo dài. Áp lực công việc đã làm cho anh căng thẳng và bị stress dần đến rối loạn hoảng sợ vô cớ. Gần đây, trong gia đình lại có những chuyện không hay xảy ra khiến cho anh lo nghĩ nhiều. Tất cả các yếu tố trên đã gây ra căn bệnh rối loạn hoảng sợ làm cho anh lo lắng vô cớ và bất chợt. Kinh nghiệm cho thấy, ngoài các loại thuốc chống trầm cảm, chống lo âu theo chỉ định của BS thì việc quan tâm cũng như thái độ chăm sóc của người nhà cũng có ảnh hưởng lớn đến việc chữa trị căn bệnh về thần kinh này.
Hương Thủy

Bình luận (0)