Y tế - Văn hóaDinh dưỡng học đường

“Kỳ dược”gạo lứt, muối mè?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thứ thức ăn dân dã này nay lại trở thành thời thuwojng và có giá khá đắt. Đặc biệt nhiều người đang tin nó là "thần dược", có thể chữa được… bá bệnh!

Nhộn nhịp bán mua
Tại TP.HCM, có khoảng hơn 20 cửa hàng chuyên kinh doanh gạo lứt muối mè. Gạo lứt ở đây phải là loại gạo màu đỏ (huyết rồng), trái ngược với cách dùng truyền thống dân gian là loại gạo nào cũng được, miễn là chỉ bỏ vỏ trấu và để nguyên cám.

Tại một cửa hàng ở Điện Biên Phủ, Q. Bình Thạnh, có khá nhiều người ra vào mua bán thứ thực phẩm này. Chủ cửa hàng là anh Ngô Ánh Tuyết, một người có thâm niên bán mặt hàng này có thể nói là lâu năm nhất và cửa hàng của anh cũng là lâu đời nhất ở TP.HCM. Cửa hàng có đủ loại từ gạo lứt, bột gạo lứt, gạo lứt rang, bánh tráng gạo lứt, muối mè, dầu mè, muối thô và nhiều sản phẩm khác. Trong khoảng 1 giờ có khoảng 10 người vào mua. Trong số những khách hàng này có người ở các tỉnh lân cận như: Bình Dương, Đồng Nai… Có người ở tận Đắk Lắk nhờ người quen ở Sài Gòn mua dùm.

Trong câu chuyện rời rạc, thường xuyên bị ngắt quãng vì những khách hàng đến mua bán với anh Tuyết, chúng tôi được biết thị trường gạo lứt, muối mè đang ăn nên làm ra và có sự cạnh tranh khá gay gắt.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, xung quanh sự cạnh tranh này có nhiều câu chuyện đại loại: chỉ có nơi này mới chế biến đúng kiểu, nơi khác thì không và dùng sản phẩm của họ sẽ không có tác dụng chữa bệnh.
Bên cạnh đó hàng loạt sách, băng đĩa, các bài đăng trên mạng ca ngợi công năng chữa bệnh kỳ diệu của gạo lứt, muối mè được tung ra nhằm củng cố lòng tin cho khách hàng. Đặc biệt, giống như có ở những cách trị bệnh không chính thống khác, những người tuyên truyền cho phương pháp dùng thứ thực phẩm này cũng nghi nhận rất nhiều ý kiến của khách hàng để làm chứng cứ, khiến mọi người thêm tin tưởng. Tiếng đồn người này nhờ ăn gạo lứt, muối mè mà lành bệnh ung thư, người kia hết bệnh thận… lan truyền. Chính vì vậy, rất nhiều người đang dùng gạo lứt muối mè để chữa bệnh. Nhiều đến nỗi có khi lượng gạo lứt đỏ ở vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long không đủ cung cấp cho thị trường.
Nhiều người ăn gạo lứt, muối mè tự nguyện kết thân với nhau để trao đổi về phương pháp chế biến, cách ăn sao cho hiệu quả nhất. Người này truyền người kia để rồi số người tìm đến loại thức ăn này càng nhiều. Người chán ăn gạo thì chuyển sang bột, hoặc bánh tráng.
Đáp ứng nhu cầu ăn cơm gạo lứt ngày càng lớn, nhiều quán ăn thực dưỡng mở ra. Tại đây bán một nắm cơm vắt với muối vừng khoảng chục ngàn đồng.
Có phải là “thần dược”?
Nhiều người hiện nay coi gạo lứt muối mè là “thần dược” chữa đủ các loại bệnh, từ khớp, đái tháo đường, suy thận, mờ mắt, gan nhiễm mỡ… cho đến ung thư các loại. Họ xem gạo lứt không chỉ tốt cho người lớn mà còn cho cả trẻ em. Họ tuân thủ một số quy tắc của phương pháp ăn này mà thoạt nhìn qua là đã có thể thấy vô lý: uống ít nước, hạn chế ăn trái cây.
Chị Năm ở Q.7, TP.HCM, kêu trời khi con chị mới hơn một tuổi mà bà nội bắt phải áp dụng cách ăn gạo lứt, muối mè, trong khi bé rất cần đủ 4 nhóm thực phẩm khiến bé yếu người thấy rõ. Chị phải giả vờ về thăm ngoại ở Hóc Môn để khôi phục cách ăn cũ cho con.
Theo anh Ngô Ánh Tuyết, gạo lứt, muối mè được dùng chữa nhiều bệnh nhưng không vì thế mà tin dùng nó quá đáng hoặc dùng sai nó. Ông chủ cửa hàng này có kể đến hai trường hợp tử vong vì dùng gạo lứt, muối mè. Trường hợp thứ nhất là một bệnh nhân cơ thể đã suy kiệt nhưng lại được cho ăn gạo lứt với muối mè cùng với thuốc xổ dẫn đến suy kiệt hơn rồi tử vong. Trường hợp thứ hai là một bệnh nhân bị suy thận mãn hàng tuần phải chạy thận. Bệnh nhân này nghe lời một người quen là, dùng gạo lứt muối mè chữa bệnh bỏ việc lọc máu bằng máy. Sau một thời gian, đột nhiên người bệnh bị sưng phù, xuất huyết và tử vong.
Mong ước có một loại thực phẩm như tiên dược là chính đáng. Nhưng từ mong ước để rồi nhận định một loại cây cỏ, hay ngũ cốc… nào đó có thể chữa được bách bệnh là điều hết sức phải cân nhắc. Nhân loại không phải vô cớ khi phải nỗ lực phát triển nền y học hiện đại, song song với việc phát huy nền Y học cổ truyền. Vì vậy, việc gạo lứt và muối mè chữa bệnh khi chưa qua thử nghiệm lâm sàng (chí ít thì cũng tại Việt Nam) chứng tỏ công dụng của nó là đang mơ hồ, dù nó là một thực phẩm tốt, chứa nhiều khoáng chất, vitamin, chất xơ rất có lợi cho cơ thể…
Bài và ảnh THẾ PHONG (SK&ĐS)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)