Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Học cách người Nhật phòng bệnh đột quỵ khi thời tiết giao mùa

Tạp Chí Giáo Dục

Thời tiết chuyển mùa, dù mới chớm lạnh nhưng số người bị đột quỵ, tai biến ngày một tăng cao, nhiều người đột ngột “ra đi” dù mới chỉ 50 – 60 tuổi.

Chúng ta có thể lý giải, chuyển mùa là sự giao thời giữa nóng và lạnh, khô và ẩm, mưa và nắng là quy luật tất nhiên khi chuyển cuối thu sang đầu đông. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không biết được hết những cách để phòng và chống bệnh đột quỵ khi giao mùa. 

Vậy có cách gì để tránh xa những nguy cơ đó, hãy học cách người Nhật chăm sóc sức khỏe phòng bệnh đột quỵ khi thời tiết giao mùa?

Học cách người Nhật phòng bệnh đột quỵ khi thời tiết giao mùa - Ảnh 1.

Cung cấp nhiều chất béo lành mạnh

Chất béo lành mạnh có thể giúp giảm cholesterol gây hại và giảm nguy cơ xơ vữa động mạch. Omega-3 – một loại chất béo tốt cho cơ thể, chất béo lành mạnh này có thể làm giảm chất béo trung tính trong máu, từ đó giảm thiểu các bệnh béo phì, tim mạch. 

Thực phẩm giàu chất béo tốt bao gồm các loại hạt, dầu cá, ô-liu và trái bơ.

Tăng cường thịt trắng trong các bữa ăn thay vì lạm dụng ăn thịt đỏ cũng là một trong những bí quyết bảo vệ sức khỏe của người Nhật. 

Đậu nành được dùng trong rất nhiều món ăn ở Nhật Bản, đậu nành có nhiều amino axit, sắt, canxi, protein và nhiều vi chất khác rất tốt để phòng bệnh.

Natto – Món ăn được làm từ đậu nành lên men rất tốt cho sức khỏe được đa số người Nhật tin dùng. 

Nhiều người tin rằng, ăn sáng bằng natto là cách tốt nhất để dồi dào sinh lực cho cả ngày, tốt cho sức khỏe, ngăn chặn việc hình thành cục máu đông, nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh tai biến, đột quỵ.

Chăm sóc sức khỏe chủ động quan trọng hơn việc chữa bệnh

Người Nhật luôn có ý thức chủ động chăm sóc sức khỏe, biết cách dự phòng tốt, từ đó nâng cao chất lượng sống và theo đuổi mục tiêu sống khỏe.

Rèn luyện và tạo thói quen dậy sớm, tập các động tác nhẹ để "đánh thức" cơ thể như lắc hông, vươn vai hay xoay cổ để khởi động cơ thể. 

Những động tác nhỏ này có tác dụng giúp các mạch máu lưu thông, giúp tinh thần sảng khoái hơn, thổi bay cảm giác mệt mỏi, cạn kiệt sức lực để bắt đầu một ngày mới hứng khởi.

Dành thời gian đi bộ, đi xe đạp nhẹ nhàng, hít thở khí trời; Mặc quần áo đủ ấm khi chạy thể dục. Bù nước ngay cho cơ thể để giúp kích thích quá trình trao đổi chất, thanh lọc cơ thể đón chào một ngày mới là điều mà mọi người dân Nhật Bản luôn ý thức được.

Tuân thủ rất tốt việc lựa chọn thực phẩm theo mùa

Vào mùa xuân và mùa hạ, thân nhiệt nóng hơn, họ sẽ ăn rau xanh nhiều hơn. 

Nhưng vào mùa thu và mùa đông, khi cơ thể cần nhiều năng lượng để tỏa nhiệt ấm áp, người Nhật sẽ bổ sung nhiều thịt, cá, các thực phẩm chứa protein để có một cơ thể khỏe mạnh, chống chọi lại thời tiết giao mùa hay cái lạnh buốt mùa đông.

Với người Nhật, ăn cũng là nghệ thuật cân bằng dinh dưỡng, mang đến chất lượng cuộc sống tốt. Chú trọng ăn nhiều ăn rau củ vì chúng rất giàu chất chống ôxy hoá, vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe như bông cải xanh, giá đỗ, bắp cải,… 

Để tăng cường vitamin và khoáng chất, người Nhật không thể thiếu rong biển trong các món ăn; Không ăn quá no, không uống quá chén; duy trì chế độ ăn nhạt, tránh ăn đồ ăn quá mặn là những nguyên tắc luôn được áp dụng để tránh nguy cơ mắc huyết áp, tim mạch.

Học cách người Nhật phòng bệnh đột quỵ khi thời tiết giao mùa - Ảnh 2.

Đa số người Nhật đều có sở thích tắm nước nóng để giúp cải thiện lưu thông máu, thư giãn cơ thể và giảm căng thẳng; Uống trà đạo là một trong những nét truyền thống nổi tiếng của người Nhật. 

Họ thường uống trà mỗi ngày vì trong trà xanh và trà đen có chứa nhiều chất chống ôxy hóa, ngăn chặn ung thư, chống lão hóa, làm giảm cholesterol, ngừa béo phì.

Kiểm tra sức khỏe thường xuyên

Không thể phủ nhận rằng hệ thống chăm sóc y tế hiện đại và đầy đủ đã góp phần không nhỏ trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là việc khám chữa bệnh cho người dân Nhật Bản. 

Tuy nhiên, việc người dân luôn ý thức "phòng bệnh hơn chữa bệnh", kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm nắm bắt tình trạng sức khỏe của bản thân để có những điều chỉnh thích hợp trong cuộc sống, phát hiện và chữa trị kịp thời bệnh tật, chính là yếu tố mấu chốt giúp người Nhật luôn khỏe mạnh.

Những phương pháp kể trên của người Nhật nếu được vận dụng một cách phù hợp và đều đặn hằng ngày sẽ phần nào giúp cơ thể khoẻ mạnh, tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch để phòng bệnh.

THẾ TRUNG/TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)