Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Xuất hiện ca viêm não mô cầu đầu tiên năm 2014

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 12-2, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương đã xác nhận có ca bệnh viêm não mô cầu đầu tiên trong năm 2014. Đáng lưu ý, bệnh nhân được chuyển tới bệnh viện với chẩn đoán ban đầu là nghi nhiễm khuẩn liên cầu heo vì trước đó bệnh nhân có ăn tiết canh heo.

PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trường hợp viêm não mô cầu đầu tiên trong năm nay là bệnh nhân nam tên B.H.Đ ( 21 tuổi, ở Phú Xuyên, Hà Nội). Bệnh nhân này được bệnh viện huyện Phú Xuyên chuyển lên bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vào ngày 10-2 trong tình trạng lơ mơ, nổi ban xuất huyết hoại tử rải rác trên da, có tình trạng viêm màng não, nhiễm trùng nặng, với chẩn đoán nghi nhiễm khuẩn liên cầu heo do trước đó bệnh nhân ăn tiết canh heo.

Tuy nhiên qua thăm khám, các bác sỹ Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới trung ương xác định không phải là triệu chứng của liên cầu heo và nghi ngờ bệnh nhân nhiễm viêm não mô cầu. Ngay lập tức, bệnh nhân được cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus gây viêm não mô cầu. Đến nay, sau 2 ngày được điều trị tích cực, sức khỏe của bệnh nhân Đ. đã qua cơn nguy kịch.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Điều trị tích cực cho biết, viêm não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Biểu hiện lâm sàng thường gặp là viêm màng não mủ hoặc nhiễm khuẩn huyết, có thể gây sốc dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Đặc biệt nếu ở thể tối cấp, tỷ lệ tử vong do bệnh này có thể lên đến hơn 70%.

Trước việc ghi nhận ca viêm não mô cầu đầu tiên trong năm nay, PGS.TS Nguyễn Văn Kính cho rằng đây là dấu hiệu đáng lo ngại và cần cảnh giác trước nguy cơ viêm não mô cầu xuất hiện sau một thời gian dài vắng bóng. Bệnh viện đã thông báo cho hệ thống y tế phòng dịch cấp thuốc dự phòng, xử lý môi trường tại địa phương bệnh nhân mắc bệnh. Bởi lẽ đây là căn bệnh nguy hiểm, lây truyền qua đường hô hấp, vi khuẩn não mô cầu cư trú ở vùng hầu họng, khi tiếp xúc thông thường người với người sẽ lây truyền qua nước bọt, dịch tiết đường hô hấp, ho, hắt hơi. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào, nhưng nguy cơ cao ở trẻ em và người già do sức đề kháng kém.

PGS, TS Nguyễn Văn Kính khuyến cáo để chủ động phòng chống bệnh viêm não mô cầu, người dân nên tiêm vaccine phòng bệnh. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Vệ sinh thông thoáng nơi ở, nơi làm việc. Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị. Khi tiếp xúc với bệnh nhân hoặc ca bệnh nghi ngờ cần mang trang bị phòng hộ đeo găng tay, khẩu trang và rửa tay sau khi tiếp xúc với mầm bệnh.

QUỐC LẬP (SGGP)

Bình luận (0)