Các chuyên gia nói rằng nam giới có thể được lợi rất nhiều nếu cảnh giác với một số triệu chứng ung thư cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt.
Theo bác sĩ Leonard Lichtenfeld, Phó giám đốc y tế văn phòng quốc gia của Hiệp hội Ung thư Mỹ, nam giới thường cần có người phụ nữ thúc đẩy đi sàng lọc ung thư. Đó là điều đáng tiếc. Chăm sóc phòng ngừa thường quy có thể phát hiện ung thư và các bệnh khác trong giai đoạn đầu của bệnh. Khi ung thư được phát hiện sớm, người bệnh có nhiều lựa chọn điều trị hơn. Điều đó có nghĩa là cũng có những cơ hội tốt hơn để chữa khỏi bệnh.
Một số triệu chứng ung thư ở nam giới rất đặc trưng. Chúng liên quan đến một số bộ phận cơ thể và có thể trực tiếp cho biết khả năng bị ung thư. Các triệu chứng khác thường là mơ hồ. Ví dụ, đau ảnh hưởng đến nhiều bộ phận cơ thể có thể có nhiều nguyên nhân. Đau có thể hoặc không thể là một dấu hiệu của ung thư. Nhưng bạn không thể loại trừ ung thư mà không đi khám bác sĩ.
Dưới đây là các triệu chứng ung thư mà nam giới dễ bỏ qua:
1. Khối u vú
Giống như hầu hết đàn ông, bạn không bao giờ nghĩ rằng bạn có thể bị ung thư vú. Mặc dù bệnh không phổ biến, nhưng có thể xảy ra đối với bạn. Lichtenfeld nói "Bất kỳ khối u mới nào ở vùng ngực nam giới đều cần phải được bác sĩ khám".
Ngoài ra, Hiệp hội Ung thư Mỹ xác định một số dấu hiệu đáng lo ngại khác liên quan đến vú mà nam giới cũng như phụ nữ nên lưu ý. Chúng bao gồm:
• Da trũng hoặc nhăn
• Co rút núm vú
• Đỏ hoặc tróc da núm vú hoặc da vú
• Tiết dịch núm vú
Khi bạn tham khảo ý kiến bác sĩ về bất cứ dấu hiệu nào, bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử cẩn thận và khám thực thể. Sau đó, tùy thuộc vào kết quả, bác sĩ có thể yêu cầu chụp nhũ ảnh, sinh thiết, hoặc các xét nghiệm khác.
2. Đau
Khi về già, mọi người thường phàn nàn tăng đau nhức. Nhưng đau – có thể mơ hồ – có thể là một triệu chứng sớm của một số bệnh ung thư. Hầu hết các phàn nàn đau đều không phải do ung thư.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, bất kỳ cơn đau dai dẳng nào nên được bác sĩ kiểm tra. Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử cẩn thận, chi tiết hơn, và sau đó quyết định làm thêm những xét nghiệm gì. Nếu không phải ung thư, bạn vẫn được lợi từ việc khám bệnh này. Đó là vì bác sĩ có thể tìm hiểu nguyên nhân gây đau và xác định cách điều trị thích hợp.
3. Thay đổi ở tinh hoàn
Ung thư tinh hoàn thường xảy ra ở nam giới từ 20 đến 39 tuổi. Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến nghị nam giới nên đi khám tinh hoàn như một phần của đợt kiểm tra sức khỏe liên quan đến ung thư thường quy. Một số bác sĩ cũng đề nghị tự kiểm tra hàng tháng.
Theo bác sĩ Evan Y. Yu, MD, trợ lý giáo sư tại Đại học Washington và là thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, nhận biết được các triệu chứng tinh hoàn gây phiền hà giữa các lần khám là sáng suốt. Yu nói "Bất kỳ sự thay đổi nào về kích thước của tinh hoàn, như to ra hoặc nhỏ lại đều có vấn đề."
Ngoài ra, sưng tấy, nổi cục, hoặc cảm giác nặng nề ở bìu cũng không nên bỏ qua. Một số trường hợp ung thư tinh hoàn diễn ra rất nhanh. Vì vậy, phát hiện sớm là đặc biệt quan trọng.
Bác sĩ sẽ khám tinh hoàn và đánh giá sức khỏe toàn thân bạn. Nếu nghi ngờ ung thư, có thể cân nhắc xét nghiệm máu. Bạn cũng có thể phải siêu âm bìu, và bác sĩ có thể quyết định làm sinh thiết. Sinh thiết có thể yêu cầu cắt bỏ toàn bộ tinh hoàn.
4. Thay đổi ở hạch bạch huyết
Theo bác sĩ Hannah Linden – nhà ung thư học và là giáo sư y khoa tại Trường Y Đại học Washington, nếu bạn thấy nổi cục hoặc sưng ở hạch bạch huyết dưới nách hay ở cổ – hoặc bất cứ nơi nào – nó có thể là một lý do để quan tâm. Bà nói "Nếu bạn có một hạch bạch huyết càng ngày càng lớn và kéo dài hơn 1 tháng, bạn hãy đi khám bác sĩ".
Bác sĩ sẽ kiểm tra bạn và xác định những vấn đề liên quan có thể giải thích cho hạch bạch huyết to ra, chẳng hạn như nhiễm trùng. Nếu không có nhiễm trùng, bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết.
5. Sốt
Nếu bạn bị sốt không rõ nguyên nhân, có thể là do ung thư. Tuy nhiên, sốt cũng có thể là một dấu hiệu của viêm phổi hoặc một số bệnh khác hay nhiễm trùng cần phải điều trị.
Hầu hết các bệnh ung thư sẽ gây sốt tại một số thời điểm. Thông thường, sốt xảy ra sau khi ung thư đã di căn từ vị trí ban đầu và xâm lấn đến phần khác của cơ thể. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, sốt cũng có thể do bệnh ung thư máu như u lympho hoặc bệnh bạch cầu,.
Tốt nhất là không bỏ qua triệu chứng sốt không rõ nguyên nhân. Hãy đến khám bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân và để xác định cách điều trị thích hợp.
6. Sút cân
Sút cân không chủ ý là một mối lo ngại. Lichtenfeld nói "Hầu hết chúng ta không dễ dàng giảm cân." Bác sĩ thường nói về việc đơn giản giảm một vài kg từ một chương trình tập luyện nâng cao hoặc ăn ít do lịch trình bận rộn. Nếu nam giới mất hơn 10% trọng lượng cơ thể trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng, thì cần đến gặp bác sĩ.
Bác sĩ sẽ khám toàn thân, hỏi bạn về chế độ ăn uống và tập luyện, và hỏi về các triệu chứng khác. Dựa trên những thông tin đó, các bác sĩ sẽ quyết định bạn cần làm những xét nghiệm khác.
7. Đau bụng âm ỉ và trầm cảm
Bất kỳ người nào bị đau bụng và cảm thấy chán nản đều cần kiểm tra sức khỏe. Các chuyên gia đã tìm thấy mối liên quan giữa trầm cảm và ung thư tụy. Các triệu chứng khác của ung thư tụy có thể gồm vàng da, thay đổi màu phân (thường là màu xám), nước tiểu sẫm màu. Cũng có thể bị ngứa toàn cơ thể.
Bác sĩ sẽ khám thực thể cẩn thận và khai thác bệnh sử. Bác sĩ có thể đề xuất các xét nghiệm như siêu âm, CT scan hoặc cả hai, cũng như các xét nghiệm khác.
8. Mệt mỏi
Mệt mỏi là một triệu chứng mơ hồ khác có thể cho biết ung thư ở nam giới. Nhưng nhiều rối loạn khác cũng có thể gây mệt mỏi. Giống như sốt, mệt mỏi có thể xuất hiện sau khi ung thư đã phát triển. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, mệt mỏi cũng có thể xuất hiện sớm trong các bệnh ung thư như bệnh bạch cầu, ung thư đại tràng, hoặc ung thư dạ dày.
Nếu bạn thường xuyên cảm thấy rất mệt mỏi và không thấy khá hơn khi nghỉ ngơi, hãy đến gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ đánh giá sự mệt mỏi cùng với các triệu chứng khác để xác định nguyên nhân và điều trị thích hợp.
9. Ho kéo dài
Ho có thể gặp trong cảm lạnh, cúm, và dị ứng. Đôi khi ho cũng là một tác dụng phụ của thuốc. Theo phó giáo sư, bác sĩ Ranit Mishori, giám đốc bác sĩ gia đình của Trường Y Đại học Georgetown tại Washington, DC, thì ho kéo dài – được định nghĩa là ho trong hơn 3-4 tuần – hoặc có sự thay đổi khi ho thì không nên bỏ qua, và hãy đến gặp bác sĩ ngay. Ho có thể là một triệu chứng của bệnh ung thư, hoặc ho có thể chỉ ra một số rối loạn khác như viêm phế quản mạn tính hoặc trào ngược axít.
Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử cẩn thận, khám họng, nghe phổi, xác định chức năng phổi bằng xét nghiệm đo phế dung, và nếu bạn là người hút thuốc sẽ phải chụp X-quang. Khi xác định được nguyên nhân gây ho, bác sĩ sẽ thảo luận với bạn để xác định kế hoạch điều trị.
10. Nuốt khó
Một số nam giới có thể bị khó nuốt nhưng sau đó lại bỏ qua. Theo thời gian, họ thay đổi chế độ ăn uống thành chế độ ăn nhiều chất lỏng hơn. Họ bắt đầu uống canh nhiều hơn. Nhưng khó nuốt có thể là một dấu hiệu của ung thư đường tiêu hóa, như ung thư thực quản.
Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn bị khó nuốt. Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử cẩn thận và có thể cho chụp X-quang ngực và nuốt bari. Bác sĩ cũng có thể chuyển bạn tới chuyên gia nội soi đường tiêu hóa trên để kiểm tra thực quản và đường tiêu hóa trên.
11. Những thay đổi trên da
Theo bác sĩ Mary Daly, chuyên gia ung thư học và là trưởng khoa di truyền học lâm sàng tại Trung tâm Ung thư Fox Chase ở Philadelphia, bạn nên cảnh giác không chỉ với những thay đổi ở nốt ruồi (một dấu hiệu đã được biết của ung thư da) mà còn với những thay đổi sắc tố da.
Đột nhiên bị xuất huyết trên da hoặc tróc da quá rộng là những lý do cần phải đi khám bệnh. Thật khó để nói cần bao nhiêu thời gian để quan sát sự thay đổi da, nhưng hầu hết các chuyên gia cho rằng không nên chờ đợi lâu hơn vài tuần.
Để tìm hiểu các nguyên nhân gây thay đổi da, bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử và khám thực thể cẩn thận. Bác sĩ cũng có thể đề nghị sinh thiết để loại trừ ung thư.
12. Máu xuất hiện ở những nơi lẽ ra không có
Bất cứ lúc nào bạn nhìn thấy máu ở phần cơ thể mà bạn chưa bao giờ nhìn thấy trước đó, hãy đến gặp bác sĩ. Nếu bạn bắt đầu ho ra máu, khạc ra máu, nôn ra máu, có máu trong ruột hoặc trong nước tiểu, đó là thời điểm bạn nên đến gặp bác sĩ.
Một sai lầm là khi có máu trong phân lại coi đơn giản đó là do bệnh trĩ. Đây có thể là ung thư đại tràng.
Một sai lầm là khi có máu trong phân lại coi đơn giản đó là do bệnh trĩ. Đây có thể là ung thư đại tràng.
Bác sĩ sẽ hỏi những câu hỏi về các triệu chứng của bạn. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu làm các xét nghiệm như soi đại tràng. Mục đích của soi đại tràng là để xác định những dấu hiệu của ung thư hay tiền ung thư hoặc xác định các nguyên nhân khác gây chảy máu.
13. Thay đổi trong miệng
Nếu bạn hút hoặc nhai thuốc lá, bạn cần đặc biệt cảnh giác với những mảng trắng trong miệng hoặc đốm trắng trên lưỡi. Những thay đổi này có thể là bạch sản – một vùng tiền ung thư có thể xuất hiện với các kích thích liên tục. Tình trạng này có thể tiến triển thành ung thư miệng.
Bạn nên báo cáo những thay đổi này với bác sĩ hoặc nha sĩ. Nha sĩ hoặc bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử cẩn thận, kiểm tra những thay đổi, và sau đó quyết định bạn cần làm những xét nghiệm khác.
14. Rối loạn tiểu tiện
Khi nam giới về già, rối loạn tiểu tiện trở nên thường xuyên hơn. Những rối loạn này bao gồm:
· Tiểu gấp thường xuyên hơn, nhất là ban đêm
· Cảm giác rất khẩn cấp
· Cảm giác không hoàn toàn hết nước tiểu trong bàng quang
· Không thể tiểu thành dòng
· Rò nước tiểu khi cười hoặc ho
· Dòng nước tiểu yếu
Mỗi nam giới đều có những rối loạn này khi về già. Nhưng khi bạn để ý thấy những triệu chứng này, bạn nên đi khám bệnh. Điều đó đặc biệt đúng nếu các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.
Bác sĩ sẽ khám trực tràng bằng tay và sẽ biết được liệu tuyến tiền liệt của bạn có bị to hoặc có u hay không. Tuyến tiền liệt thường phì đại khi nam giới về già, thường do bệnh tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (không phải ung thư)
Bác sĩ có thể thảo luận về việc làm xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (prostate-specific antigen – PSA). PSA là một protein do tuyến tiền liệt sản sinh và xét nghiệm này được dùng để xác định khả năng ung thư tuyến tiền liệt.
Nếu bác sĩ thấy những bất thường ở tuyến tiền liệt hoặc nếu PSA cao hơn bình thường, bác sĩ có thể chuyển bạn tới chuyên gia tiết niệu và có thể đề nghị sinh thiết. Ung thư tuyến tiền liệt có thể xảy ra ngay cả khi nồng độ PSA bình thường.
15. Khó tiêu
Nhiều nam giới, đặc biệt khi họ về già, đều nghĩ "đau tim" khi họ bị khó tiêu. Nhưng khó tiêu dai dẳng có thể là do ung thư thực quản, họng, hoặc dạ dày. Khó tiêu dai dẳng hoặc xấu đi thì bạn phải đến khám bác sĩ.
Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử cẩn thận và đưa ra những câu hỏi về các đợt khó tiêu. Dựa trên tiền sử và các câu trả lời của bạn, bác sĩ sẽ quyết định bạn cần làm những xét nghiệm nào.
T. Mai (TPO)
Bình luận (0)