Làm thế nào để xử lý hàm lượng lưu huỳnh còn tồn dư trên thực phẩm?
Măng ngâm lưu huỳnh khi ngửi sẽ có mùi SO2 rất đặc trưng.
Ảnh minh họa.
|
Măng khô, đũa dùng một lần, thuốc bắc, hoa quả sấy khô, đặc biệt là tăm tre sấy lưu huỳnh sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của bạn? Làm thế nào để xử lý hàm lượng lưu huỳnh còn tồn dư trên thực phẩm?
Lưu huỳnh gây bệnh đường hô hấp
Cơ quan quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa vừa thu giữ 530kg măng sợi khô đã hấp qua lưu huỳnh và 118kg lưu huỳnh dùng để sấy măng ở hai cơ sở chế biến tại huyện Thọ Xuân. Ngày 23/9, ngành chức năng cũng tạm giữ Hà Văn Liêm (trú tại xã Thiên Phú, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa), thu giữ 25 tấn măng tươi có ướp lưu huỳnh.
Các chủ cơ sở trên khai nhận chuyên thu gom các loại măng khô bị ẩm mốc về rửa qua nước, rồi dùng lưu huỳnh để sấy khô và tung ra thị trường bán cho người dân. Trung bình một lò sấy măng bằng lưu huỳnh trong vòng 24 giờ sẽ cho ra 50kg măng khô. Nhờ xử lý bằng lưu huỳnh nên măng có thể để nhiều tháng vẫn không bị úng, hôi thối.
Trước tình hình trên, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết sẽ kiểm tra an toàn thực phẩm trên măng khô từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 ở một số địa phương chuyên sản xuất măng và một số thành phố tiêu thụ măng nhiều. Việc kiểm tra diễn ra đột xuất, lấy mẫu phân tích, kể cả ở các cơ sở kinh doanh măng khô.
Theo TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, sở dĩ các cơ sở trên xông măng khô với lưu huỳnh là ngoài tác dụng chống mốc còn để tạo màu vàng đẹp cho măng. Với đũa, tăm tre hay các sản phẩm sinh hoạt được sản xuất từ tre, gỗ, nứa cũng thường được xông lưu huỳnh để diệt mốc, ngăn chặn mốc phát triển. Quá trình xông thường sinh khí SO2 có mùi khó chịu – đó chính là khí độc, có ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe của người chế biến và người sống xung quanh.
“Khử” lưu huỳnh bằng cách nào?
Măng tươi, măng chua không sợ bị xông lưu huỳnh bởi người dân gọt sạch, ngâm nước, lên men, muối chua. Măng tươi luộc kỹ ngâm và thay nước hằng ngày giữ tươi được 15 – 20 ngày không cần chất bảo quản. Mùa khai thác măng từ tháng 6 đến tháng 9, vì vậy bạn nên sử dụng măng thời điểm này sẽ an toàn, giá rẻ.
|
Theo TS Nguyễn Duy Thịnh, không chỉ các sản phẩm sấy khô có chứa lưu huỳnh mà chất này có cả trong thức ăn hàng ngày (thịt, cá, trứng), được dùng bảo quản thực phẩm, sấy dược liệu, hoa quả, tẩy trắng bột sắn, đường tinh khiết… hoặc phòng trừ bệnh hại cây trồng theo cách xông truyền thống, khá an toàn cho người dùng. Nhưng trước khi dùng phải có công nghệ xử lý đuổi hết SO2 mới được ăn (ví như trước khi đưa ra thị trường phải xử lý nóng để SO2 bay hết).
TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, để nhận diện măng khô sấy lưu huỳnh rất dễ bởi mùi của khí SO2 rất đặc trưng (khí này sinh ra trong quá trình đốt lưu huỳnh). Bạn có thể phân biệt bằng cách đưa măng khô lên mũi ngửi là phát hiện được ngay. Nếu sấy lưu huỳnh, măng sẽ có mùi nồng nặc, rất khó chịu.
Để loại bỏ lưu huỳnh khỏi măng khô, bạn có thể ngâm nước vài ngày, sau đó luộc kỹ rồi mới cho vào ninh 2 – 3 giờ. Như vậy SO2 sẽ bay hơi đi rất nhiều. Tuyệt đối không ngậm, nếm măng khô trước khi đun nấu.
“Tương tự như với măng khô, thuốc bắc bị xông lưu huỳnh thì bạn có thể sắc thuốc trong 2 – 3 giờ. Với lượng thời gian này, lượng SO2 (nếu có) cũng sẽ bay gần hết”, TS Thịnh nói.
Với lo ngại SO2 sau khi xông lưu huỳnh còn tồn dư trong tăm tre, đũa dùng một lần TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng lượng lưu huỳnh tồn dư trong những sản phẩm này cực kỳ nhỏ, dùng để gắp thức ăn không vấn đề gì, thậm chí nếu trót xỉa vào răng chảy máu cũng không đáng ngại vì lượng hòa tan trong máu rất ít. Nhưng cần loại bỏ thói quen ngậm tăm lâu trong miệng. “Nếu sử dụng thuốc mốc, tăm đũa mốc còn độc hại hơn nhiều so với độc tố của SO2”, TS Thịnh nói.
Để chọn đũa ăn một lần ít nhiễm lưu huỳnh, bạn nên chọn loại màu trắng ngà, không đốm đen, mùi nhẹ, bao bì bảo quản không rách thủng và nên mua đũa một tuần trước khi ăn.
Dương Mai
GiadinhNet
GiadinhNet
Bình luận (0)