Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Lơ mơ kỹ năng cứu sống mẹ và trẻ sơ sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em (SKBMTE) do TS Lưu Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ SKBMTE trình bày tại “Hội thảo công bố báo cáo tình trạng hộ sinh thế giới năm 2011” vào sáng 10-11 cho thấy thực trạng đáng báo động về sự thiếu hụt hộ sinh cũng như năng lực còn yếu kém của hộ sinh Việt Nam. K
Theo báo cáo “Rà soát mạng lưới sức khỏe sinh sản năm 2010” của Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em, hiện nay Việt Nam có tổng cộng 24.721 hộ sinh, trong đó có 51,9% làm việc ở tuyến xã. Còn 517 trạm y tế xã (5%) chưa có hộ sinh hoặc y sản nhi, đặc biệt ở những vùng sâu, miền núi và vùng đi lại khó khăn. Trên thực tế, một người hộ sinh hay y sĩ sản nhi công tác tại một xã miền núi tuy phải phục vụ một dân số nhỏ nhưng họ lại sống rải rác ở những khu vực miền núi có diện tích rộng hơn nhiều nên việc đi lại rất khó khăn. Trong khi tại những khu vực này điều kiện sinh đẻ chưa được đảm bảo.
Báo cáo “Rà soát Người đỡ đẻ có kỹ năng 2009”, qua quan sát 232 hộ sinh thực hành các tuyến cho biết phần lớn hộ sinh tuyến huyện và xã không có đầy đủ 30 kỹ năng cần thiết của người đỡ đẻ. Không hộ sinh nào có thể thao tác đúng ba kỹ năng quan trọng nhất để cứu sống mẹ và trẻ sơ sinh.
Cụ thể, chỉ có 53% số đối tượng được khảo sát cho biết thường xuyên thực hiện xử trí giai đoạn 3 trở dạ. Không có bất kỳ hộ sinh hoặc bác sĩ, y sĩ sản nhi trong tổng số 69 đối tượng được quan sát thực hiện chính xác tất cả các bước trên mô hình. Những con số trên cho thấy chất lượng xử trí giai đoạn 3 chuyển dạ rất thấp.
Báo cáo cũng cho thấy 85% người tham gia đã được học kỹ năng bóc rau nhân tạo, tuy nhiên khi quan sát lại không có đối tượng nào thực hiện chính xác tất cả các bước, kể cả khi rút xuống 10 kỹ năng quan trọng cũng chỉ cải thiện được đôi chút (12%). Điều đáng nói, đây là kỹ năng duy nhất để loại bỏ rau sót trong tử cung, đề phòng chảy máu sau đẻ nên việc không có nhân viên nào thực hiện được chính xác tất cả các bước có thể dẫn đến tai biến cho sản phụ như nhiễm trùng hay tổn thương tử cung.
Không một ai trong số 45 người tham gia thực hiện được chính xác tất cả các bước hồi sức sơ sinh bằng bóp bóng và mặt nạ.
Tất cả những số liệu này cho thấy hộ sinh không có đủ kỹ năng và nguy cơ không làm tốt việc xử lý tai biến và ảnh hưởng tới việc cứu sống bà mẹ và trẻ sơ sinh. Đây là một thực trạng đáng báo động vì hộ sinh là một nhóm cán bộ chủ yếu cung cấp dịch vụ chăm sóc thai sản nên trình độ chuyên môn của họ có vai trò hết sức quan trọng trong việc cứu sống tính mạng của bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Bên cạnh đó, hệ thống y tế còn hạn chế trong việc hỗ trợ hộ sinh xử lý tai biến. Còn tới 33% bệnh viện huyện chưa thực hiện được mổ lấy thai và 48% chưa có khả năng truyền máu, trong đó phần lớn lại là những bệnh viện ở vùng sâu, vùng xa. Như vậy, không phải tất cả các cơ sở tuyến huyện đều đáp ứng đủ các chuyên môn cấp cứu sản khoa toàn diện. Một số cơ sở có phẫu thuật nhưng không đủ điều kiện truyền máu cho sản phụ khi cần thiết.
Ngoài ra, không phải tất cả các trạm y tế xã đều có thể cung cấp đầy đủ các chức năng chăm sóc sản khoa cơ bản. Hơn 80% trạm y tế xã có cung cấp thuốc kháng sinh và oxytocin nhưng chỉ có 41% số trạm y tế xã có thực hiện bóc rau nhân tạo và 75% thực hiện hồi sức sơ sinh.
Quan tâm đến việc đào tạo và có chính sách phù hợp
Những kết quả đánh giá chất lượng chuyên môn trên cho thấy quá trình triển khai các chương trình đào tạo chính quy cho hộ sinh và bác sỹ hiện nay chưa áp dụng được phương pháp đào tạo dựa trên năng lực thực hành. Các hộ sinh ít cơ hội thực hành tại cơ sở y tế, không được cập nhật kiến thức và kỹ năng một cách có hệ thống và thường xuyên. Điều này đặt ra chương trình đào tạo cho hộ sinh phải điều chỉnh kế hoạch dạy và học theo nội dung tương ứng, bảo đảm tỷ lệ lý thuyết, thực hành cũng như phương pháp đánh giá kiến thức, kỹ năng của học viên.
Chất lượng đào tạo hộ sinh là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên. Theo TS Lưu Thị Hồng, tại Việt Nam, hiện có nhiều chương trình đào tạo hộ sinh chính quy như: trung cấp, cao đẳng. Tuy nhiên, chương trình đào tạo trung cấp chỉ có hai năm, ngắn hơn so với tiêu chuẩn quốc tế, thời gian đào tạo chuyên môn thực chất cũng dưới 12 tháng. Chất lượng đào tạo cũng chưa đáp ứng được những chỉ tiêu quan trọng của quốc tế như người học phải đỡ ít nhất 20 ca đẻ, tỷ lệ học viên so với giảng viên đào tạo chưa phù hợp, việc đào tạo kỹ năng cũng chưa hiệu quả.
Trước đó, dự án hợp tác đào tạo mô hình “Cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số” giữa Quỹ Dân số LHQ với Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh là một trong những giải pháp cho việc thiếu hụt cán bộ hộ sinh ở những khu vực khó khăn, các xã miền núi và vùng sâu. Tuy nhiên, chưa có chính sách hỗ trợ đặc biệt nào cho các “cô đỡ thôn bản” đã được đào tạo. Chammale’a Thị Dém, một cô đỡ thôn bản ở Ninh Thuận tâm sự: “Cứ ba tháng mình nhận được 652 nghìn tiền hỗ trợ, ít lắm, không đủ nuôi sống gia đình đâu”.
Hộ sinh và công tác hộ sinh có vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Nguyễn Viết Tiến đánh giá: “Đội ngũ cán bộ hộ sinh, một lực lượng chính trong những người đỡ đẻ có kỹ năng, thành thạo về chuyên môn, có nhiệt huyết và được trợ giúp, là chìa khóa then chốt cho sự thành công trong việc giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh”.
Trước hiện trạng cũng như vai trò quan trọng của hộ sinh, cùng với việc cam kết đối với LHQ về việc nâng cao hơn nữa vị thế của hộ sinh và công tác hộ sinh trong hệ thống chăm sóc y tế, cải thiện chất lượng hộ sinh, Bộ Y tế cũng đã xây dựng các kế hoạch cụ thể để hành động. Kế hoạch này bao gồm các nhóm hành động: hoàn thiện chính sách, nâng cao chất lượng đào tạo mới và đào tạo liên tục, tuyên truyền vận động tăng cường hiệu quả hoạt động của các Hội nghề nghiệp, hợp tác quốc tế.
Theo HẠNH NGUYÊN
(NDĐT)

Bình luận (0)